Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Đông Nam Bộ

Tây Ninh và Bình Phước là hai tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đi qua. Để khu vực biên giới luôn ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển, trong những năm qua, chính quyền các cấp nỗ lực vượt qua những bất cập, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường củng cố hệ thống chính trị, phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Nhờ đó, hai tỉnh đã bắt kịp tốc độ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; quy hoạch, xây dựng các khu dân cư biên giới (DCBG) tạo hành lang phát triển kinh tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, phát triển kinh tế biên mậu và dịch vụ trong vùng.

Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước) với 30 căn nhà cho hộ dân nghèo, không đất về lập nghiệp.
Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước) với 30 căn nhà cho hộ dân nghèo, không đất về lập nghiệp.

Bài 1: Điểm tựa biên cương

Thực hiện Quyết định số 811 ngày 1-4-2019 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về đề án xây dựng “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019 - 2025”, các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đi qua đã ưu tiên hỗ trợ chỗ ở, nơi sản xuất cho dân quân thường trực, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở, tình nguyện lên sinh sống trên điểm DCBG.

Khát vọng đổi đời của cư dân vùng biên

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh), có năm hộ dân vừa vào ở từ tháng 7-2019. Đây là một trong tổng số 21 điểm DCBG được tỉnh Tây Ninh tập trung đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2019 - 2025. Điểm DCBG tạo nhà ở và đất sản xuất cho các hộ dân nghèo biên giới, dân quân nghèo không nhà ở và đất sản xuất, bao gồm nhà cấp 4, đất phía sau trồng rau màu và dự kiến giao cho mỗi hộ dân 1 ha đất sản xuất. Trước mắt, năm hộ được chính quyền cấp một con bò giống sinh sản để xoay vòng đến từng hộ. Phía trước điểm dân cư là dự án tưới tiêu phía tây sông Vàm Cỏ do Nhà nước đầu tư, với tổng chi phí hơn 1.000 tỷ đồng, lấy nước từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng về tưới tiêu các xã biên giới thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh. Anh Huỳnh Văn Hưởng vốn là dân quân thuộc chốt biên giới Bến Cừ. Thời gian qua, anh phối hợp bộ đội biên phòng (BĐBP) tuần tra chống buôn lậu và phòng, chống dịch Covid-19 từ những người xâm nhập đường biên bất hợp pháp. Vợ chồng anh khá nghèo, không đất định cư nên được chính quyền địa phương xem xét cho vào ở tại điểm DCBG. Anh cho biết, điều kiện ăn ở tại đây rất khó khăn, đường đất biên giới lầy lội trong mùa mưa, trong lúc trường tiểu học cách hơn 10 km, Trạm y tế cũng khá xa, điện lưới quốc gia mới về từ tháng 7-2019 gắn liền với việc hình thành năm căn nhà thuộc điểm dân cư này. Mặc dù nguồn nước ngọt hiện tại còn khó khăn, nhất là tại dải đất vùng biên này, nhưng công trình kênh dẫn nước trước nhà thuộc dự án tưới tiêu phía tây sông Vàm Cỏ sắp hoàn thành.

Cũng tại khu vực biên giới giáp ranh nước bạn Cam-pu-chia, Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) hình thành đã hơn 10 năm với hơn 100 cặp vợ chồng trẻ có gia cảnh nghèo, không đất sản xuất về đây lập nghiệp theo chủ trương của Tỉnh đoàn Tây Ninh trên quy mô hơn 230 ha. Các cặp vợ chồng trẻ đến điểm DCBG lập nghiệp với đặc thù xa khu dân cư, xa thị trấn huyện lỵ, cách biệt giao tiếp, sóng điện thoại chập chờn. Vì thế với những bất cập về giao thông, thông tin liên lạc, thật không dễ chút nào để hình thành nên một cộng đồng dân cư đầy nhiệt huyết về lập nghiệp tại dải đất biên cương này.

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biên với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, là nỗ lực lớn so tiềm lực của tỉnh. Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Minh, đến năm 2005, Tây Ninh đã hình thành 28 cụm dân cư dọc biên giới với khoảng 25 nghìn dân. Hướng về vùng biên giới phía bắc Tây Ninh, chúng tôi được biết hơn 10 năm trước, đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định ba khu DCBG bắc Tây Ninh giai đoạn 2008 - 2012” do UBND tỉnh triển khai xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tại Công văn số 1765 ngày 20-10-2008. Mục tiêu đề án là tập trung xây dựng ba khu dân cư trên vùng biên giới phía bắc của tỉnh Tây Ninh, hình thành khu kinh tế quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao đời sống của người dân và bảo vệ đường biên giới, tạo hành lang phát triển kinh tế biên mậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Về đối tượng thụ hưởng, ưu tiên cho đồng bào nghèo nằm trong các dự án nông, lâm trường trước đây địa phương đã quy hoạch thu hồi, hiện nay không còn đất sản xuất, tiếp đó là đối tượng chính sách, dân nghèo tại chỗ, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các vùng khác trong tỉnh. Tây Ninh khuyến khích các tổ chức và cá nhân có vốn đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ thương mại và các hoạt động sản xuất khác phù hợp quy hoạch. Điểm nhấn của đề án này là khu dân cư Chàng Riệc với diện tích khoảng 150 ha, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2008 - 2016), khu dân cư đã hình thành và cấp 300 căn nhà; giai đoạn 2 (2017 - 2019) với 75 căn. Mỗi hộ dân được cấp một căn nhà 42 m2, đất ở 1.000 m2 và 1 ha đất sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản dự án khu dân cư Chàng Riệc đã hoàn thành xong toàn bộ cơ sở vật chất, bàn giao cho UBND huyện Tân Biên phụ trách và đang trong quá trình xét duyệt các hộ dân vào ở.

Còn tại tỉnh Bình Phước, thật khó tưởng tượng, chỉ mới chừng một năm, mở đầu là điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp được xây dựng với năm hộ dân vào ở, đến nay khu vực hẻo lánh này đã hình thành khu dân cư đông đúc với 30 căn nhà kiên cố được dựng lên. Cuối tháng 9, thêm 10 hộ nghèo, không nhà đất nhận căn nhà mới xây tại khu DCBG này. Được biết, tiếp theo việc xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, công tác xã hội hóa nâng chất lượng khu dân cư được vận dụng khá linh hoạt. Thật ấm lòng với việc các tăng, ni, phật tử chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) lặn lội lên vùng biên hẻo lánh này tài trợ xây dựng năm căn nhà tường với kinh phí 900 triệu đồng. Để giúp các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, Bình Phước vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ các hộ vật dụng cần thiết trong nhà. Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình một cặp dê giống sáu triệu đồng. Chính vì vậy, mặc dù nằm gần biên giới nhưng khu dân cư này khá chỉn chu từ điện thắp sáng, đường bê-tông vào tận nhà, nước sạch được cấp vào tận bếp...

Thắm thiết tình quân - dân

Chúng tôi cùng Thiếu tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lộc Thiện về ấp Vườn Bưởi (xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) thăm gia đình ông Lâm Đăng (dân tộc XTiêng) - hộ nghèo được Đồn Biên phòng Lộc Thiện tặng bò sinh sản vào năm 2018. Đến nay, bò giống đã sinh một con bê trị giá hơn 10 triệu đồng. Thực hiện chương trình “Ngân hàng bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, đơn vị đã vận động đóng góp mua tặng bò giống cho hộ nghèo trên địa bàn. Qua theo dõi, kiểm tra, hầu hết các hộ quan tâm chăm sóc nên bò sinh sản và phát triển tốt. Để thực hiện chương trình, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước đã quyên góp tiền lương được 709 triệu đồng để mua 34 con bò giống tặng cho 34 hộ đồng bào nghèo ở các xã biên giới, đồng thời vận động thêm hơn 100 triệu đồng mua bảy con bò giống tặng cho bảy hộ nghèo khác. Đến nay, đàn bò đã tăng lên tổng số 80 con.

Tại huyện Lộc Ninh, chúng tôi thật sự ấn tượng với chín câu lạc bộ có gần 250 chị em tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Hằng tháng, các thành viên trong câu lạc bộ cùng BĐBP, dân quân tham gia phát quang đường biên, vệ sinh khu vực cột mốc… Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ an ninh biên giới ở ấp 8B, xã Lộc Hòa được thành lập từ năm 2008 với 30 thành viên. Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút hơn 40 phụ nữ dân tộc thiểu số tình nguyện tham gia. Chị em chủ động vận động chồng, con, hàng xóm chấp hành nghiêm pháp luật biên giới quốc gia, không xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép. Nhiều cá nhân khác trong vùng cũng tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ vậy, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu định canh, định cư ấp Mười Mẫu không còn vào rừng khai thác lâm sản hay vượt biên trái phép mà tập trung học nghề cạo mủ cao-su rồi làm việc cho các công ty với thu nhập ổn định.

Ở những khu vực biên giới đã cắm mốc, BĐBP Tây Ninh cùng tổ nhân dân tự quản, đề ra nhiều mô hình bảo vệ cột mốc, đường biên. Do thông thạo tiếng Khmer, sau mỗi giờ buôn bán, già làng Keo Ônl (ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) lại lần lượt đi đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, già làng Keo Ônl thường xuyên vận động người dân tham gia bảo vệ tốt tuyến đường biên giới, không vượt biên, không mua bán, vận chuyển hàng lậu... Già làng Keo Ônl nói: “Để bà con an tâm gắn bó lâu dài, đồng thời trở thành những người bảo vệ chính mảnh đất của họ, chính quyền đã làm nhiều việc cho dân. Có nhà có đất, chúng tôi còn vận động xây nhà vệ sinh, “mượn” bò cái về nuôi. Nhà ai ma chay thì dân quân xin hòm, nhà ai nghèo bệnh thì BĐBP cho uống thuốc, nhà nào muốn đi làm thì ấp đứng ra bảo lãnh. Vì vậy, 287 hộ dân trong ấp luôn có ý thức bảo vệ biên giới, coi đây là quê hương của bà con”.

Sự yên bình và no ấm suốt một dải đường biên Việt Nam - Cam-pu-chia minh chứng cho sự vươn lên của cư dân biên giới, với những thế hệ nối tiếp, từ làng lập nghiệp, điểm dân cư đến khu, cụm DCBG, liên tục bồi đắp giá trị nhân văn sâu sắc, kết quả từ cách làm mạnh dạn và sáng tạo của các tỉnh biên giới vùng Đông Nam Bộ.

(Còn nữa)