Phát triển kinh tế trang trại bền vững

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, kinh tế trang trại của TP Hà Nội thời gian gần đây phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm, thu hút lao động thường xuyên hơn 11.000 người. Tuy nhiên, phát triển ổn định, bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân đang là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp Thủ đô.

Trồng chè đem lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: TRẦN SƠN
Trồng chè đem lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: TRẦN SƠN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội, hiện nay, tại các quận, huyện, nhất là các khu vực có truyền thống trồng trọt và chăn nuôi, mô hình kinh tế trang trại đang có bước phát triển khá mạnh. Tổng vốn đầu tư của một trang trại trung bình từ 500 triệu đồng đến hai tỷ đồng, có những trang trại đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Một phần là vốn tự có, còn lại chủ trang trại vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Tổng diện tích đất sử dụng của các trang trại toàn thành phố là 4.360 ha; quy mô của trang trại trung bình là 1,5 ha.

Hằng năm, ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Các quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông đã tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả. Tại huyện Thường Tín, tính riêng từ năm 2017 đến năm 2019, đã có 38 trang trại được vay hơn 13,6 tỷ đồng. Một số huyện như Mê Linh, Đan Phượng... hỗ trợ lãi suất vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt và quy định hiện hành của Nhà nước để phát triển các mô hình sản xuất mới, giúp chủ trang trại tiếp cận, mở rộng loại hình sản xuất, kinh doanh. Thành phố cũng hỗ trợ 70% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng để tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và các quầy hàng, điểm bán hàng tại chợ trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng ở nước ngoài, để tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu nông sản.

Cùng với việc khuyến khích các hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế trang trại theo hướng truyền thống, an toàn, thành phố tích cực vận động các tổ chức, cá nhân phát triển nông sản theo hướng cơ giới hóa, sử dụng công nghệ. Nhờ vậy, nhiều trang trại của các hộ gia đình cho thu nhập cao, ổn định, như trang trại của gia đình bà Bùi Thị Thanh Hà ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín; ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa có doanh thu hằng năm đạt từ hai đến ba tỷ đồng. Đến nay, toàn thành phố có hơn 130 mô hình trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, huyện Mê Linh có 18 mô hình, huyện Gia Lâm có 17 mô hình, huyện Thường Tín có 14 mô hình, huyện Thanh Oai có 10 mô hình… Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Theo đánh giá chung, hiện nay, kinh tế trang trại tại nhiều địa phương của TP Hà Nội đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách, về huy động vốn tín dụng quy định có nhiều bất cập, trong khi các tổ chức, cá nhân lại đang loay hoay liên kết theo chuỗi, tìm “đầu ra” ổn định cho nông sản.

Ngày 28-2-2020, Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Theo đó, trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm hơn 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm hơn 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Riêng đối với trang trại trồng trọt, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ một tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên; nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ hai tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên; chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ hai tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định.

Thực tế tại một số địa phương, nhất là những khu vực đang bị đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Việc tạo ra quỹ đất có diện tích lớn để phát triển kinh tế trang trại theo quy định là rất khó, nhất là đối với các hộ nông dân. Bên cạnh đó, để có giá trị sản xuất bình quân lớn lại cần đầu tư lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn lại hạn chế do phần lớn các ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là các trang thiết bị, cây, con của các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi. Nếu các tổ chức, cá nhân không bảo đảm đầy đủ các tiêu chí theo quy định thì không được công nhận làm trang trại, đồng nghĩa với việc không nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào của Nhà nước.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay, nắm bắt cơ hội để đầu tư, tạo giá trị hàng hóa chất lượng cao là điều quan trọng hơn cả. Không phải cứ có nhiều đất, hồ ao thì năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi được nâng cao. Do vậy, việc quy định phải có diện tích đất nhất định mới được công nhận trang trại cũng cần căn cứ vào từng đối tượng cụ thể, không nên “đổ đồng” giữa sản xuất nông nghiệp truyền thống với sản xuất bằng công nghệ cao.

Một khó khăn khác mà chủ các trang trại đang gặp phải, là liên kết theo chuỗi nhằm tìm kiếm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cách thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất thấp cũng đang là những hạn chế không nhỏ. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện hơn nữa để các trang trại phát triển sản xuất, đáp ứng tiêu chí; khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa chuyên canh để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Về phía Nhà nước, cần thực hiện chính sách hỗ trợ trang trại; tăng cường công tác quản lý trong tất cả các khâu, từ chọn giống, vật tư đến dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất và chất lượng sản phẩm; kịp thời tháo gỡ vướng mắc để kinh tế trang trại phát huy hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững.

Đến nay, tại TP Hà Nội có gần 3.000 trang trại, trong đó có hơn 2.000 trang trại chăn nuôi, 454 trang trại tổng hợp, 198 trang trại nuôi trồng thủy sản, 184 trang trại trồng trọt và một trang trại lâm nghiệp.

Tổng số trang trại đã được cấp giấy chứng nhận là 170, trong đó có 115 trang trại chăn nuôi, 22 trang trại nuôi trồng thủy sản, 22 trang trại tổng hợp, 11 trang trại trồng trọt; còn lại 2.742 trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận.