Phấn đấu khai thác đường băng Nội Bài dịp cao điểm Tết

Ðến thời điểm này, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo lệnh khẩn cấp đã cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu đề ra. Các đơn vị đang tập trung phương tiện, nhân lực thi công liên tục 24 giờ trong ngày, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 để kịp đưa vào khai thác đúng dịp cao điểm Tết.

Lực lượng thi công của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) vận hành máy tạo nhám đường băng 1B.
Lực lượng thi công của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) vận hành máy tạo nhám đường băng 1B.

Khi hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2021, hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn của sân bay trục có tần suất hoạt động nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam này sẽ hoạt động ổn định với “tuổi thọ” có thể đạt 50 năm.

Tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu

Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khởi công từ cuối tháng 6 vừa qua, giao Ban Quản lý dự án Thăng Long là cơ quan đại diện chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án. Theo đó, sẽ cải tạo đường cất/hạ cánh 11L/29R (thường gọi là đường băng 1A, nằm bên ngoài) và 11R/29L (1B, nằm gần sân đỗ); xây dựng mới ba đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ; tổng mức đầu tư hơn 2.031 tỷ đồng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Dương Viết Roãn khẳng định: Thời điểm này, có thể nói về cơ bản tiến độ của dự án đáp ứng yêu cầu đề ra, những hạng mục chịu ảnh hưởng của thời tiết như đắp cát, cấp phối đá dăm hầu hết đã xong. Khi bắt đầu triển khai, vấn đề khó khăn nhất đối với các nhà thầu là vừa thi công vừa khai thác trong môi trường đặc thù, yêu cầu các quy trình phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Dự án có khối lượng công việc lớn, tiến độ rất gấp, từ Ban đến đội ngũ tư vấn giám sát, nhà thầu phải chia ca kíp, làm việc suốt 24 giờ trong ngày. Tại Nội Bài, vốn tồn tại nhiều hệ thống công trình ngầm trong sân bay từ rất lâu, có những công trình từ thời chiến tranh, bản thân các cán bộ công tác trong ngành hàng không cũng không nhớ chính xác nằm ở vị trí nào, nhà thầu vừa đào vừa phải thăm dò, có sự giám sát chặt của các đơn vị ngành hàng không, với yêu cầu tuyệt đối không được làm hư hỏng thiết bị, ảnh hưởng quá trình khai thác nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ. Ngoài ra, các đơn vị còn phải xây dựng cống để bảo vệ hệ thống cáp cũng mất rất nhiều thời gian. Vượt qua những điều kiện khó khăn khách quan, các đơn vị đã huy động nhiều phương tiện đặc chủng, hiện đại vào thi công xây lắp, cơ bản hoàn thành đường băng 1B cuối tháng 11 vừa qua, sang tháng 12 này sẽ lắp đặt hệ thống đèn hiệu, biển báo để phục vụ việc khai thác giai đoạn 1, cho máy bay cất cánh trên đường 1B.

Do thi công trong sân bay Nội Bài, thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia, cho nên bảo đảm an ninh sân bay và an toàn bay là yêu cầu số 1, nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hàng không, cơ quan an ninh kiểm soát chặt thiết bị, nhân sự ra vào để bảo đảm an toàn, an ninh trên công trường. Các yêu cầu về an toàn lao động, quy định ra vào công trường rất ngặt nghèo, vào ra phải theo xe, công nhân không được tự ý đi bộ, tuân thủ tuyệt đối quy định về giờ giấc, thẻ an ninh, đồ bảo hộ lao động luôn phải đầy đủ, từng xe ra vào được sàng lọc rất kỹ.

Giám đốc dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long) Ðặng Hùng Thái cho hay, dự án này được triển khai theo lệnh khẩn cấp, áp dụng hình thức giao thầu nên vừa thiết kế, vừa thi công song hành, đồng thời vẫn bảo đảm hoạt động khai thác bay và do đó phải tính toán, cân đối đến từng phút việc cho bay và thời gian triển khai thi công. Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả giao thầu cho 17 gói thầu, chỉ còn gói cung cấp thiết bị đèn hiệu, biển báo hiện đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. “Theo tiến độ tổng thể, giai đoạn 1 dự án đã đạt hơn 90% khối lượng, trong đó hạng mục đường lăn S2 đã bàn giao, đưa vào khai thác từ ngày 6-11 đáp ứng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Ðường băng 1B dài 3.000 m, các đơn vị đã thi công xong phần bê-tông xi-măng bảo đảm đúng yêu cầu chất lượng trước ngày 26-11 và đang tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại, phấn đấu đưa vào khai thác giai đoạn 1, cho các dòng máy bay Code C (máy bay A321, A320) cất cánh trước ngày 31-12-2020”, Giám đốc dự án Ðặng Hùng Thái khẳng định.

Chất lượng vẫn là mục tiêu hàng đầu

Tại Công trường, các nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chia lực lượng làm ba ca thi công suốt 24 giờ, ban ngày lắp ván khuôn, làm cốt thép, các công việc chuẩn bị, để đến đêm triển khai đổ bê-tông, tiến độ gấp gáp cho nên công việc gối đầu liên tục. Lúc cao điểm nhất, có gần 1.000 công nhân lao động tại công trường và các bãi phụ trợ, dốc toàn lực để hoàn thành phần xây dựng.

Ðại úy Nguyễn Văn Vinh, Phó Chỉ huy dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài của nhà thầu ACC cho hay, bê-tông thảm trên đường băng 1B đạt tiêu chuẩn mác cao M350/45, đan lưới thép hai lớp để bảo đảm khả năng chịu lực, hiện nhà thầu đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, tạo nhám để bảo đảm độ ma sát, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31-12. Anh Trần Văn Long, công nhân vận hành máy tạo nhám của nhà thầu ACC cho biết, đây là thiết bị đặc chủng, hiện đại mới được nhập về, tạo nhám cho đường cất hạ cánh theo đúng tiêu chuẩn gắt gao của ngành hàng không, mỗi vệt đi của máy gồm 15 đường cắt, theo quy cách sâu 6 mm, rộng 6 mm, cách nhau 38 mm. Công việc thực hiện liên tục không nghỉ, anh em công nhân vận hành phải chia ca, buổi trưa chỉ được nghỉ 1 tiếng ăn cơm. Trên công trường, do đặc thù an toàn bay, không cho phép dựng lán trại che chắn, công nhân làm việc hoàn toàn ngoài trời. Ðại úy Nguyễn Văn Vinh cho biết, tiến độ dự án áp lực rất lớn, đòi hỏi các đơn vị thi công ngoài kinh nghiệm chuyên môn, thiết bị máy móc, con người, còn phải đáp ứng về năng lực tài chính.

Theo Giám đốc dự án Ðặng Hùng Thái, tiêu chuẩn thi công đường băng có sự khác biệt và cao hơn rất nhiều so với thi công đường bộ, bê-tông phải chống chịu được áp lực lớn từ bánh xe (khoảng 350 MPa) của các loại máy bay thân rộng như B777-300ER, B747, B767,… hoặc tương đương, chiều dày lớp bê-tông cốt thép trung bình đạt 38 cm, độ sụt bê-tông bằng 0 và bảo đảm độ bằng phẳng. Do tiêu chuẩn ngặt nghèo, trong thời gian nắng nóng vừa qua, bê-tông chỉ được đổ vào ban đêm, khi nhiệt độ ngoài trời dưới mức 300C, chờ khi se cứng mặt bê-tông sẽ trải lớp phủ, tưới dưỡng ẩm đến khi đạt tiêu chuẩn. Chính vì thế, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào như xi-măng, cát, sắt thép đòi hỏi rất chặt chẽ, chủ đầu tư liên tục kiểm soát ngẫu nhiên các lô vật liệu nhập về, chỉ một mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn sẽ hủy cả lô hàng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã ra quyết định loại bỏ khỏi công trường một số lô vật liệu chưa đạt chuẩn và thay thế một số nhân sự tư vấn giám sát không tuân thủ đúng quy định.

Ðây là dự án trọng điểm, thực hiện theo lệnh khẩn cấp cho nên tất cả trình tự, thủ tục đưa ra hết sức nghiêm ngặt, làm sao bảo đảm cao nhất về chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả. Theo phương án trước đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến thời gian hoàn thành việc sửa chữa đường băng Nội Bài trong 28 tháng. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã lên phương án thi công mới, rút ngắn tiến độ còn 20 tháng và thậm chí còn tiếp tục rút ngắn hơn nếu như các điều kiện thuận lợi. Trong dịp Tết, đường băng 1B sẽ cho phép máy bay cất cánh, đồng thời thi công lắp đặt đèn tín hiệu, hệ thống thiết bị dẫn đường xong trước ngày 15-5-2021; bay hiệu chuẩn hệ thống thiết bị xong trước ngày 15-6-2021 và nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác từ nửa cuối tháng 6-2021. Sau Tết, các đơn vị tiếp tục triển khai giai đoạn 2, quay sang sửa chữa đường băng 1A, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022 đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT.

Ðối với giai đoạn 2 nâng cấp đường băng 1A, Ban Quản lý dự án Thăng Long phấn đấu hoàn thành các hạng mục xây lắp trước ngày 15-10-2021; thi công lắp đặt đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu xong trước ngày 10-12-2021; bay hiệu chuẩn hệ thống thiết bị xong trước ngày 25-12-2021 và nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 31-12-2021. Khi sửa chữa xong, đường băng ít nhất sẽ đạt “tuổi thọ” 20 năm và có thể tới 50 năm nếu như việc bảo dưỡng định kỳ tiến hành đúng quy định. Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tiếp tục đủ khả năng tiếp nhận các loại tàu bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030 đạt công suất 63 triệu khách/năm và hai triệu tấn hàng hóa/năm.

Căn cứ các giai đoạn thi công của dự án sửa chữa đường băng, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đưa ra các phương án điều tiết giờ cất, hạ cánh (slot) phù hợp năng lực khai thác. Theo tính toán, việc đóng một đường băng để sửa chữa làm giảm năng lực khai thác khoảng 30 - 35% so việc khai thác cả hai đường băng. Trước đây, ngành hàng không điều phối 32 chuyến/giờ tại Nội Bài, khi đóng một đường băng, năng lực khai thác giảm xuống còn 27 đến 29 chuyến/giờ. Bên cạnh đó, Cục cũng xây dựng phương án đề phòng ở cả Nội Bài và Tân Sơn Nhất khi chỉ còn một đường băng, các tình huống khẩn nguy sẽ xử lý, đối phó ra sao và biện pháp khắc phục trong thời gian nhanh nhất đối với việc khai thác bay.