Ở vùng “rốn lũ” Trung Bộ

Từ ngày 6-10 đến nay, mưa lớn liên tục tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã làm nước các sông dâng cao, nhiều vùng dân cư bị chia cắt, cô lập. Những ngày này, chính quyền và nhân dân các địa phương đang gồng sức đối phó với tình trạng ngập lụt... 

Lực lượng chức năng huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đưa người già, trẻ em ra khỏi vùng ngập lũ.
Lực lượng chức năng huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đưa người già, trẻ em ra khỏi vùng ngập lũ.

Tân Hóa vững vàng

Tại Quảng Bình, lượng mưa nhiều nơi phổ biến hơn 100 mm, có nơi như Minh Hóa 646 mm, Trường Sơn 534 mm, Kiến Giang 402 mm. Nước trên sông Kiến Giang vượt mức báo động 3 là 0,8 m, nước sông Gianh ở mức báo động 3.

Ðến chiều 8-10, toàn tỉnh có 30 thôn, bản thuộc bảy xã miền núi, vùng cao bị chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao gây ngập một số đoạn đường, ngầm tràn. Ở vùng hạ lưu các sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ, nước lũ lên cao gây ngập lụt ở một vùng thấp trũng. Tỉnh Quảng Bình có 268 trường với hơn 87.000 học sinh phải nghỉ học tránh lũ.

Có mặt tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy khi cơn mưa như trút vào buổi sáng, chúng tôi chứng kiến nước lũ sông Kiến Giang tràn bờ, gây ngập một số nơi. Người dân và các cửa hàng, cửa hiệu ở thị trấn đang chuyển, kê kích tài sản lên cao để chạy lũ hết sức khẩn trương. Chị Trần Thị Vượng, chủ một cửa hàng ở đây cho biết không ngờ nước sông Kiến Giang dâng cao nhanh như vậy. Sáng sớm, nước còn dưới thấp mà khoảng hai tiếng đồng hồ sau đã tràn lên đường. Tuy nhiên, lũ lụt năm nào cũng đến, người dân chủ động ứng phó cho nên không có thiệt hại gì lớn cả. Ông Nguyễn Lâm, ở xã An Thủy - nơi thấp trũng nhất của huyện, khá lạc quan nói: "Cũng may là chúng tôi cũng đã chuẩn bị đủ lương thực cả rồi, tài sản có giá trị cũng được đưa lên cao nên chưa bị thiệt hại".

Chúng tôi bám theo đoàn công tác của UBND tỉnh ngược lên miền tây Quảng Bình, đến "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Ðây là xã nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá vôi, nơi được xem là "túi đựng nước" của huyện nên năm nào hễ mưa to là Tân Hóa ngập đầu tiên. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, Trương Thanh Duẫn cho biết, toàn xã có hơn 300 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, trong đó nhiều nhà ngập sâu hai đến ba mét. Khác với các mùa lũ lụt trước, gần đây, với kinh nghiệm "sống chung với lũ" và nhờ những nhà nổi bằng phao khá vững chãi nên người dân và tài sản có giá trị được bảo vệ an toàn. Dù nhà ở ngập sâu nhưng nước dâng tới đâu, nhà phao dâng lên đó và được cố định bằng một chiếc cọc sắt cho nên không bị lũ cuốn. Nhiều hộ kinh doanh còn chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm thiết yếu rồi phục vụ ngay trên nhà nổi cho những người có nhu cầu. Ông Ðinh Văn Hòa ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa chia sẻ: "Khi mưa to, chúng tôi đã lùa trâu, bò lên tránh lụt trong các lán tạm dựng bên vách núi đá vôi. Ở đó có sẵn rơm khô và chuối dự trữ cho gia súc ăn trong những ngày mưa lũ. Còn lại các vật dụng có giá trị và cần thiết, lương thực, thực phẩm, nước uống được chúng tôi đưa lên nhà phao, cả bốn người trong gia đình đều lên đó tránh lũ an toàn. Nhà phao trở thành nơi ở hiệu quả cho người dân vùng ngập lụt Tân Hóa". Ðồng chí Trương Thanh Duẫn cho biết thêm, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hai ngày qua, chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn người dân chủ động đưa hơn 2.000 con trâu, bò lên vùng cao để tránh lũ. Các tài sản lớn trong nhà không thể đưa được lên nhà nổi thì kê kích lên cao để phòng tránh bị trôi, hư hỏng.

Ở vùng “rốn lũ” Trung Bộ -0
 Người dân xã Tân Hóa (Quảng Bình) tránh lũ trên nhà phao an toàn.

Theo Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, Bùi Anh Tuấn, tại các xã biên giới như Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn, mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các tuyến đường vào các xã này bị ngập sâu, làm gần 1.000 hộ dân bị chia cắt, cô lập. Ở xã Dân Hóa có 15 người đi rừng chưa về nhưng vùng biên giới này không có sóng điện thoại, huyện đang chỉ đạo các xã tìm cách liên lạc. Lực lượng công an, quân đội huyện bố trí ca-nô, xuồng máy trực để ứng cứu cho người dân. Huyện Minh Hóa đã hỗ trợ 10 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa để giúp đồng bào dân tộc thiểu số sống tạm trong lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong nhận định, từ nay đến hết ngày 10-10 khu vực Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp trong toàn tỉnh; chủ động thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Quảng Trị gồng mình trước lũ dữ

Mưa lũ lớn gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Trị về người và của cải vật chất. Ðến tối 8-10, Quảng Trị có hai người chết do lũ và bảy người mất tích. Lượng mưa tại Quảng Trị trong hai ngày 7 và 8 quá lớn, nơi cao nhất gần 1.000 mm đã gây ra trận lũ quá kinh hoàng; đỉnh lũ tại sông Hiếu, huyện Cam Lộ lúc 9 giờ ngày 8-10 vượt đỉnh lũ lịch sử 1983 đến 0,11 m. Ðến cuối ngày 8-10, mực nước các sông lớn trên địa bàn đều đang giữ mức báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tại huyện miền núi Hướng Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thuận cho biết, lũ trên các sông đang lên cao, nhất là sông Sê Pôn. Trong đêm 7 và sáng 8-10, chính quyền huyện, xã cùng cơ quan chức năng di dời gần 1.100 hộ ở bảy xã Thuận, Thanh, Tân Thành, Tân Long, Hướng Việt, Hướng Phùng, thị trấn Lao Bảo đến nơi an toàn. Hiện đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lở hai điểm, các loại phương tiện không qua lại được. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa đang tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tìm kiếm bốn người mất tích từ chiều 7 và sáng 8-10.

Tại huyện miền núi ÐaKrông, Chủ tịch UBND huyện Thái Ngọc Châu cho biết, nước trên các sông lên quá nhanh gây ngập nhiều xã; sạt lở nhiều điểm trên các tuyến giao thông, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn bị đất đá sạt lở, chia cắt nhiều đoạn, giao thông tê liệt. Các xã vùng chiến khu xưa Ba Lòng, Triệu Nguyên bị ngập sâu hơn 2 m. Với phương châm cứu người trước hết, huyện tập trung lực lượng di dời kịp thời được hơn 570 hộ với 2.500 người đến nơi an toàn trước 0 giờ ngày 8-10 cho nên không có thiệt hại về người. Các huyện đồng bằng Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, thị xã Quảng Trị nước ngập mênh mông. Nhiều xã thuộc vùng ven sông Ô Lâu của Hải Lăng nước lũ tràn vào nhà ngập sâu từ 1,5 đến 2 m. Tại huyện Cam Lộ nước lũ gây ngập rất nặng ở các xã ven sông Hiếu gồm: Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ… Ở xã Cam Tuyền nước lên ngập 2 đến 3 mét, nhiều nhà dân ngập đến mái, giao thông hoàn toàn tê tiệt. Ngay trong đêm, các hộ dân bị ngập lũ đều được di dời kịp thời đến các nhà cao. Toàn tỉnh Quảng Trị đã kịp di dời hơn 10 nghìn người dân từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn trước khi lũ vào.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Trị Lê Quang Lam cho biết, vào sáng 8-10, Ban nhận được thông báo khẩn của Cảng vụ hàng hải Quảng Trị và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị có sáu tàu bị sự cố trên biển, trong đó chìm ba tàu. Tàu Vietship TK 12 chìm gần khu vực phao số 0 luồng hàng hải Cửa Việt, trên tàu có năm người, ba người đã được tàu Vietship 01 cứu, hiện còn hai người mất tích. Tàu Thanh Thành Ðạt 55 bị chìm, có bảy thuyền viên, sáu thuyền viên đã được tàu Thanh Thành Ðạt 68 cứu, một người hiện đang mất tích trên biển. Tàu Vietship 09 bị chìm, rất may cả bốn người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn. Ngoài ra, còn có hai tàu mắc cạn tại cảng Cửa Việt. Ngay trong đêm 8-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu hộ triển khai công tác ứng cứu các tàu với phương châm cố gắng cứu được toàn bộ các thủy thủ lên bờ an toàn.

Thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra cho Quảng Trị vô cùng nặng nề. Hiện tỉnh chưa thống kê được vì nước lũ chưa rút. Chủ tịch UBND xã Gio Mai, huyện Gio Linh cho biết, riêng xã này có 35 ha nuôi tôm bị lũ cuốn trôi gây thiệt hại ước 3,5 tỷ đồng. Còn tại xã Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Linh thiệt hại đến 180 ha nuôi tôm, vì tôm nuôi trong hồ khi nước lũ ngập vào đã trôi ra sông Bến Hải, có gia đình thiệt hại đến 300 triệu đồng. Tính sơ bộ tỉnh Quảng Trị có gần 600 ha nuôi tôm, cá bị ngập lũ, chưa kể số lượng gia súc, gia cầm bị trôi theo nước lũ. Ngoài ra nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị lũ cuốn trôi, hư hỏng.

Kiểm tra thực tế từ các vùng lũ, đồng chí Võ Văn Hưng chỉ đạo, các cấp chính quyền trước hết không được để người dân đứt bữa trong mưa lũ; tập trung bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Các lực lượng quân đội, công an tập trung cứu hộ, cứu nạn kịp thời tìm người dân mất tích. Yêu cầu các lực lượng và chính quyền với phương châm "bốn tại chỗ", nỗ lực hơn nữa tìm mọi phương án tốt nhất kịp thời cứu hộ người dân trong lũ…

Thừa Thiên Huế đối phó mưa, lũ kéo dài

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh cho biết, do mưa lớn kéo dài, nhiều hồ thủy điện, thủy lợi đã điều tiết xả lũ về hạ lưu cùng với mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều tuyến đường, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND thị trấn Phong Ðiền (huyện Phong Ðiền) Thái Ngọc Thảo cho biết, tối 7-10, anh Dương Phước Hải (SN 1989), trú tại tổ dân phố Khánh Mỹ chèo ghe đi bắt chim, rắn tại hồ Bàu Sen thì bị lật thuyền, mất tích. Chính quyền huyện và thị trấn Phong Ðiền đang huy động lực lượng tìm kiếm, nhưng đến chiều tối 8-10 vẫn chưa tìm thấy. Thống kê của UBND huyện Phong Ðiền cho thấy, nhiều tuyến đường tại huyện bị ngập, chia cắt nhiều đoạn. Mưa lũ đã làm hơn 900 nhà ngập chìm trong nước từ 0,3 đến 0,8 m. Huyện Phong Ðiền đã di dời 253 hộ dân với 780 người ở các điểm thấp trũng đến nơi an toàn.

Ngày 8-10, kiểm tra công tác PCTT tại huyện Phong Ðiền, đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, di dời dân ở vùng nguy cơ ngập lụt lên vùng cao, giúp bà con di dời tài sản lên chỗ cao. Ðối với diện tích rau màu, vận động bà con thu hoạch sớm, tránh thiệt hại; tích trữ thêm lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho bà con khi có lũ lớn xảy ra. Hoãn tất cả các buổi hội nghị, họp để ưu tiên phòng, chống mưa lũ.

Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở, ngập úng tại nhiều nơi. Lượng mưa phổ biến từ 250 đến 350 mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn như: Bạch Mã 505 mm, A Lưới 628 mm, Tà Lương 507 mm. Trong ngày 8-10, toàn bộ học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh phải nghỉ học.

Ðể đối phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp, sáng 8-10, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đã phát lệnh thực hiện vận hành điều tiết hồ Tả Trạch và hồ Hương Ðiền ứng phó mưa lũ kéo dài, yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Ðiền vận hành điều tiết hồ Hương Ðiền, bắt đầu tăng lưu lượng vào sáng ngày 8-10. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công điện yêu cầu các huyện, thị xã và TP Huế triển khai sơ tán dân khu vực nguy hiểm; hướng dẫn chủ tàu thuyền neo đậu bảo đảm an toàn. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, không lơ là chủ quan, tổ chức trực ban suốt 24 giờ trong ngày; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.