Nước ngầm dâng bất thường ở vùng trung du Quảng Trị

NDO -

Sáng 25-10, Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, ảnh hưởng mưa lớn hơn 2.500mm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gây lũ lịch sử đã khiến cho mực nước ngầm trong lòng đất ở xã vùng trung du miền núi Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị mấy ngày nay phun lên gây ngập nhiều vườn của dân và đất sản xuất nông nghiệp, chảy tràn lan trên các đường giao thông.

Nước ngầm chảy tràn lan trên đường làng Gia Bình.
Nước ngầm chảy tràn lan trên đường làng Gia Bình.

Tình trạng bất thường này là lần thứ hai xảy ra từ năm 1975 đến nay với địa phương này. Vì Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là xã miền trung du, có độ cao từ 50 đến 82m so với mực nước biển.  

Nước ngầm phun trào ở vùng trung du Quảng Trị -0
 Nước ngầm dâng lênh láng gây ngập vườn chuối làng An Nha.

Theo ông Song, Gio An có độ cao trung bình từ 50 đến 82m so với mực nước biển, có cấu tạo địa chất đất đỏ bazan. Thông thường khi mùa hè, người dân đào giếng phải có độ sâu từ 10 đến 20m; nếu giếng khoan phải sâu hơn 70m mới lấy được nước ngầm trong lòng đất để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Nước ngầm phun trào ở vùng trung du Quảng Trị -0
 Nhiều nhà dân khơi thông cho nước ngầm chảy ra khỏi vườn.

Thế nhưng, đợt mưa quá lớn trong vòng mười ngày qua đã làm  mạch nước ngầm trong lòng đất dâng lên, phun đầy mặt đất các làng Gia Bình, An Nha, An Hướng, Long Sơn, Hảo Sơn…. Tình trạng này đã khiến cho sản xuất nông nghiệp của địa phương này thiệt hại nặng, nhiều vườn tiêu, chuối, đu đủ, sắn, rau xanh của nông dân bị chết vị úng nước, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của người dân.

Nước ngầm phun trào ở vùng trung du Quảng Trị -0
 Nhiều vườn tiêu đã chết úng do bị nước ngầm dâng.

Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, xã có diện tích hồ tiêu hơn 100 ha đã xuất hiện tình trạng bị nước ngầm dâng làm thối rễ, chết dần; nhiều diện tích cây trồng vì thừa nước cũng chết. Thiệt hại do nước ngầm dâng đối với xã Gio An là rất lớn. Trước tình hình này xã chỉ đạo người dân dùng máy bơm nước ra khỏi vườn; đào mương xung quanh vườn dẫn nước ra ngoài nhằm thoát úng. 

Tình trạng nước ngầm dâng lên mặt đất phải mất vài tháng sau mới hạ xuống.

Ông Song mong muốn được các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm giúp người dân vùng này một số máy bom nước cũng như kinh phí để đào mương, dẫn dòng chảy về vùng trũng nhằm cứu các vườn tiêu và cây trồng.