Nữ thủ khoa nghị lực và nhân hậu

Vượt lên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Nguyễn Thị Năm trở thành một trong 88 thủ khoa xuất sắc năm học 2019-2020 của Hà Nội. Không chỉ giàu nghị lực, Năm còn là một cô gái trẻ với trái tim nhân hậu, luôn tâm niệm nỗ lực, phấn đấu không ngừng để noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Năm (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.
Nguyễn Thị Năm (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.

Là con út trong một gia đình năm chị em, bố mẹ đều là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong bị mắc bệnh hiểm nghèo, cho nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Năm luôn ý thức học thật giỏi để bớt đi phần nào gánh nặng cho gia đình. Sau những năm học phổ thông, niềm đam mê đã đưa Năm đến với Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Vừa nhập học, cô gái (SN 1997) lập tức đi tìm việc làm thêm. Năm "hăng" tới mức công việc gì cũng nhận, từ bán hàng cho tới phụ việc làm đồ gốm, giúp việc theo giờ, trông trẻ… Thế nhưng, chỉ sau một năm, sức khỏe của cô suy giảm nghiêm trọng, điểm học tập chỉ đạt loại khá. "Tôi tự nhủ bố mẹ đã thường xuyên đau yếu, các chị đi lấy chồng cũng chẳng ai khá giả, nếu bản thân còn nằm viện liên tục như vậy thì không những không giúp được gì cho gia đình, mà ước mơ trở thành một nhà thiết kế cũng phải bỏ dở" - Nguyễn Thị Năm chia sẻ.

Cô tăng thời gian học tập và điều chỉnh cường độ, tính chất công việc làm thêm. Thay vì nhận mọi loại việc, mọi khung giờ, Năm chú ý ưu tiên những công việc có liên quan đến chuyên ngành thiết kế công nghiệp đang theo học như: dạy thêm, tìm kiếm các gia đình có nhu cầu trông trẻ kiêm gia sư… Kết quả học tập của Năm được cải thiện rõ rệt.

Ánh mắt đầy tự hào, cô cho chúng tôi xem "bộ sưu tập" phong phú mà mình giành được trong những năm ngồi ghế giảng đường: chứng nhận sản phẩm tiêu biểu Triển lãm thiết kế và nghệ thuật quốc tế năm 2018 tại Thái-lan; học bổng "Sinh viên có thành tích xuất sắc" do doanh nghiệp trao tặng; chứng nhận "Hoàn thành khóa học dựng games phong cách Nhật Bản" cùng hàng loạt giấy khen sinh viên loại xuất sắc, học bổng của sinh viên có thành tích cao…

Thế nhưng, vượt lên trên mọi phần thưởng khác trong "bộ sưu tập" thành tích, Nguyễn Thị Năm trân quý nhất là chứng nhận "Giải nhì Cuộc thi sáng tác áp-phích "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018". Nâng niu tờ chứng nhận, nữ thủ khoa năm học 2019-2020 của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp bộc bạch: "Tôi luôn coi Bác Hồ là tấm gương vĩ đại nhất để nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi biết tới cuộc thi, tôi đăng ký tham gia và sáng tác bằng tất cả tình cảm".

Nguyễn Thị Năm luôn đồng cảm, biết sẻ chia với những mảnh đời không may mắn. Cách đây vài năm, cô mở một trung tâm dạy học miễn phí cho những em nhỏ có đam mê mỹ thuật, thiết kế. Mãi gần đây, lớp học mới bắt đầu thu phí tượng trưng để mua học cụ cho các em và trả phí thuê mặt bằng. Hiện Năm đang làm việc ở một công ty chuyên thiết kế, sản xuất đồ nội thất. "Trong tương lai, tôi mong rằng sẽ có cơ hội được tu nghiệp thêm tại các cường quốc về thiết kế công nghiệp trên thế giới, để tiếp tục vững bước đi trên con đường đã chọn, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng, sáng tạo ra những món đồ gia dụng thông minh, phù hợp với nhân trắc học của người Việt Nam", Nguyễn Thị Năm nói.

Bài và ảnh: LINH PHAN