Nông thôn mới ở các xã bãi ngang ven biển miền trung

Ở các tỉnh miền trung, những xã bãi ngang ven biển (BNVB) khó khăn hơn so với các địa phương khác bởi đất đai khó canh tác, thiên tai khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM),  thời gian qua cấp ủy, chính quyền và người dân nhiều  xã BNVB miền trung đã nỗ lực, linh hoạt và sáng tạo, đưa  vùng cát nghèo trở thành những  vùng quê trù phú.

Một góc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam).
Một góc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam).

Bài 1:  Những ngôi làng xanh trên cát trắng

Trằn lưng bới cát để tìm đường, tìm ruộng là công việc mà người dân các xã BNVB miền trung thường xuyên phải làm sau mỗi trận bão, lũ lớn trong những năm trước đây.  Bây giờ, dải cát trắng đến lóa mắt ấy đã được phủ xanh. Hiện ở các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều tiểu vùng sinh thái bền vững trên cát.

Chế ngự cát bay, cát chảy 

Ở miền trung, khái niệm BNVB là để phân biệt với các xã ven biển có cửa sông, cửa lạch, có nhiều thuận lợi trong sản xuất nghề biển. Nói bãi ngang là nói đến vùng đất cát nằm phía đông quốc lộ 1A, nơi không có cửa sông nên việc khai thác thủy sản còn thủ công, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nói cách khác, BNVB ở miền trung là “vũng trũng” về kinh tế - xã hội.

Ngược thời gian, hơn 10 năm trước, vùng bãi ngang dọc bờ biển của các tỉnh miền trung thường xuyên xảy ra tình trạng cát bay, cát chảy làm bồi lấp nhà cửa, ruộng vườn của người dân... Theo người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều núi cát hình thành tự phát gây ảnh hưởng đời sống và sản xuất của người dân. Trong nhà, cát bay rào rào đến mức không mở được cửa; ngoài đồng, cát chảy lấp phủ kín ruộng. Nhiều con đường liên thôn bị cát lấp kín. Cứ sau mỗi mùa mưa bão, người dân phải bới cát lên mới có đường đi, lấy lại ruộng. Ở vùng cát, chỉ cần mưa với cường độ nhỏ cũng khiến những tuyến khe suối này bỗng dưng đầy ắp nước và chảy với lưu tốc lớn. Nhiều tuyến đường cứng hóa, nhựa hóa cũng bị những khe suối bất ngờ này xé toang và cuốn đứt từng đoạn dài. Người dân vùng biển luôn bị động và bất ngờ trước sự hình thành khe suối trên đồi cát, nên luôn bị thiệt hại lớn khi mưa lũ xảy ra. Không chỉ cát bay, cát chảy, hằng năm người dân ven biển miền trung phải đương đầu với hiện tượng sạt lở do biển xâm thực. Vì thế, định cư, lập nghiệp trên cát là điều không hề dễ dàng. 

Để chế ngự cát, sống được trên cát, các tỉnh miền trung đã dành nhiều kinh phí để đầu tư trồng rừng phòng hộ, vận động người dân trồng cây chắn cát. Chưa có con số chính thức song 10 năm qua, nguồn vốn và ngày công để trồng rừng chắn cát của các tỉnh trong khu vực là rất lớn. Giờ đây, các đai rừng phòng hộ ven biển ấy không chỉ có vai trò và ý nghĩa quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của bão lũ, hạn chế cát bay, hoang mạc hóa mà còn cả về mặt kinh tế - xã hội, góp phần ổn định đời sống người dân. 

Khi tiềm năng vùng đất ven biển miền trung được khai thác thì thế mạnh của các xã BNVB cũng dần được “đánh thức”, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhiều nơi tại Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam xuất hiện một số dự án lớn về du lịch, nuôi thủy sản và gần đây là năng lượng tái tạo. Nhờ đó, tạo ra nguồn lực giúp các xã bãi ngang đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM. Ngư dân cũng chuyển dần từ nghề biển gần bờ sang nuôi thủy sản, làm dịch vụ để nâng cao đời sống. 

Hiện ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam có 40 xã thuộc diện BNVB. Dù bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt  hai đến ba tiêu chí, nhưng nhờ đánh giá đúng thực trạng nông thôn để xây dựng lộ trình, lựa chọn giải pháp phù hợp, đến giữa năm 2020, các xã bãi ngang trong khu vực đã đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã, trong đó có 16 xã đạt chuẩn NTM. 

Đổi thay từ những vùng quê cát cháy

Miền trung trong những ngày qua nắng như đổ lửa, vậy nhưng khi bước chân lên đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam) không khí trở nên thật dễ chịu. Gió từ biển thổi vào lồng lộng, làm cho bao mỏi mệt được vơi đi nhanh chóng. Điều chúng tôi cảm nhận là bộ mặt xã đảo Tân Hiệp đổi thay rất nhiều, nhà cửa khang trang, đường giao thông, trường học, điện thắp sáng được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn An nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, lúc Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng là thời điểm địa phương bắt đầu xây dựng NTM. Khi đó, đời sống của nhân dân xã đảo còn hết sức khó khăn. Hằng năm, vào thời điểm biển động dài ngày, Nhà nước phải đưa hàng ra cứu trợ cho ngư dân xã đảo. Khi triển khai, Tân Hiệp chỉ mới đạt ba trong số 19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 12 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo gần 6%. Vậy nhưng, qua 10 năm xây dựng, đến nay, xã đảo Tân Hiệp đạt được nhiều kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế du lịch; lượng khách đến tham quan không ngừng tăng lên. Năm 2009, lượng du khách đến Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20 nghìn lượt, nhưng sau 10 năm, con số này lên đến 425 nghìn lượt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, hơn 10 năm qua, người dân xã đảo Tân Hiệp không chỉ tự nguyện hiến đất, góp sức thi công hạ tầng giao thông, nhà văn hóa mà còn thực hiện tốt các chương trình “Nói không với túi ni-lông”, “Khai thác và bảo tồn cua đá”. Năm 2018, Tân Hiệp được công nhận xã NTM và đến nay, xã đảo có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 42,7 triệu đồng/ năm, được xếp vào trong tốp xã có mức thu nhập bình quân cao nhất ở Quảng Nam.

Đến Quảng Bình, Hải Ninh là xã biển duy nhất và cũng là một trong hai xã nghèo nhất của huyện Quảng Ninh. Ký ức chưa xa về vùng bãi ngang này là do không có đường nên người dân phải lội bộ trên cát, gánh cá đến trung tâm huyện lỵ bán. Trưa nắng như rang, phụ nữ Hải Ninh phải dùng miếng gỗ khoan ba lỗ xỏ dây vào như dép tông để bước đi đỡ nóng và đỡ lún trong cát. Chuyện ấy giờ đã lùi vào dĩ vãng. Hải Ninh bây giờ là vùng đất sôi động bậc nhất huyện với nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, nuôi thủy sản lớn. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Liệu báo tin vui, xã đang hoàn thành những phần việc còn lại để được công nhận xã NTM cuối năm nay: “Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Hải Ninh là xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, đóng góp của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ trong năm 2019, người dân tự nguyện đóng góp gần 60 tỷ đồng để cứng hóa đường ngõ xóm, đường ra biển, kè chống cát chảy. Nghề biển gần bờ đến nay gần như không còn, lao động trẻ Hải Ninh chọn cho mình hướng đi riêng để có nguồn thu cao hơn là xuất khẩu lao động, với nghề đánh cá xa bờ ở Hàn Quốc. Phụ nữ  chuyển sang các nghề dịch vụ, chế biến hải sản và nhất là khoai deo có tiếng của Hải Ninh. Sự nỗ lực vượt bậc đó đã giúp cho xã nghèo này đến nay chỉ còn tỷ lệ 3,2% hộ nghèo. 

Thôn Tùng Luật của xã BNVB Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là nơi có cảnh quan đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Tùng Luật được biết tới không chỉ bởi vùng quê hương có truyền thống cách mạng vẻ vang mà còn tạo ra sự đột phá trong việc huy động sức dân xây dựng những công trình có ý nghĩa xã hội. Trưởng thôn Lê Văn Tân cho biết, nằm sát biển song thổ nhưỡng của Tùng Luật lại là đất đỏ ba-dan, rất thuận lợi cho việc trồng cây hồ tiêu và cây công nghiệp khác. Nhà nào cũng trồng vài sào hồ tiêu, thu hoạch bốn đến năm tạ hạt tiêu khô. Điều tạo ra khác biệt ở Tùng Luật là hơn 350 hộ dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng công viên nằm ở đoạn cuối sông Bến Hải, trồng các loại cây cổ thụ và những hàng dừa san sát. Tại đây có các dãy ghế đá khắc tên những gia đình thành đạt trong thôn để vinh danh. Công viên, con đường ngang qua đã tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh làng quê thêm hữu tình. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Lê Vỹ cho biết, thế mạnh về kinh tế của địa phương là làm nông nghiệp sạch, thích ứng biến đổi khí hậu và nuôi thủy sản. Phong trào xây dựng nhà đẹp, vườn đẹp đang rất sôi nổi ở Vĩnh Giang. Hằng tháng, xã tổ chức “Ngày chủ nhật xanh” vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng để làm đẹp quê hương. Sau khi đạt chuẩn NTM cách đây hai năm, Vĩnh Giang đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu trở thành xã BNVB đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2021.

Không chỉ đóng góp của cải, vật chất, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa NTM, nhân dân vùng BNVB ở các tỉnh miền trung còn thể hiện trong việc loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, đường thôn, ngõ xóm; sáng tạo ra nhiều cách làm hay, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Theo nhận xét chung của lãnh đạo các tỉnh miền trung, từ một “vũng trũng” trong nhiều lĩnh vực, qua 10 năm thực hiện chương trình NTM, vùng BNVB có kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống chính trị được củng cố, bộ mặt, cảnh quan môi trường nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Trong đó, một số địa phương đã phát huy được thế mạnh của vùng đất để phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, nhờ vậy tạo đà, tạo thế để xây dựng NTM đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. 

(Còn nữa)