Nóng bỏng rừng tràm Cà Mau

NDO -

Qua hơn ba tháng đương đầu trong nắng gắt, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã khô hạn hoàn toàn, nguy cơ cháy rừng có thể đến bất cứ lúc nào.

Vận hành máy móc thường xuyên bảo đảm công tác sẵn sàng PCCCR ở lâm phần rừng tràm Cà Mau.
Vận hành máy móc thường xuyên bảo đảm công tác sẵn sàng PCCCR ở lâm phần rừng tràm Cà Mau.

Chiều 12-4, cập nhật tình hình từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh (hơn 44.500ha) thì đã có gần 41.000ha báo cháy từ cấp độ 3 đến cấp độ 5. Trong đó, cảnh báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) là hơn 19.480ha và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là gần 8.000ha.

Diện tích có rừng báo cháy cấp 5 tập trung chủ yếu ở: Cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối; lâm phần rừng tràm thuộc Liên tiểu khu 30-4 và địa bàn các xã Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận... của huyện U Minh.

Lo nhất là rừng trên Cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối (hơn 507ha); rừng tràm thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau (hơn 400ha), hiện toàn bộ đã chuyển sang báo cháy cấp độ 5. Kế đó là lâm phần rừng tràm xã Nguyễn Phích, đã có hơn 3.400/3.768ha báo cháy cấp 5, số còn lại báo cháy cấp 4.

Tạo Vườn quốc gia (VQG) U Minh hạ, nơi có hơn 8.500ha rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2.000ha báo cháy cấp 4 và cấp 5. Nếu tình hình nắng nóng không có sự cải thiện khiến nước bốc hơi nhanh thì chưa đầy 10 ngày tới, toàn bộ hơn 1.600ha cảnh báo cháy cấp bốn ở U Minh có thể sẽ chuyển qua cảnh báo cháy cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng.

Nóng bỏng rừng tràm Cà Mau -0
 Tuần tra PCCCR ở Vườn quốc gia U Minh hạ.

Chủ động ứng phó với mùa khô 2020-2021, ngành chức năng Cà Mau đã tiến hành đắp 79 cống, đập để giữ nước ngay trước khi mùa mưa kết thúc. Các lực lượng liên quan, các chủ rừng và nhân dân các xã có rừng còn chủ động phát quang các tuyến giao thông đường bộ tạo đường băng cản lửa với tổng chiều dài hơn 444km; nạo vét, khơi thông các tuyến kênh phục vụ công tác PCCCR với tổng chiều dài hơn 177km và tu sửa, xây dựng mới được 90 chòi quan sát lửa (60 chòi kiên cố, 30 chòi tạm thời).

Cơ quan chức năng Cà Mau còn sửa chữa và trang bị mới 114 máy bơm nước chữa cháy các loại cho các đơn vị chủ rừng, với hơn 61.000m vòi chữa cháy; bố trí sẵn 73 máy ICOM phục vụ công tác thông tin liên lạc trong PCCCR...

Song hành với đó, ngay trước mùa khô bắt đầu, Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp Công an tỉnh Cà Mau tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho các tổ PCCC và 25 đơn vị chủ rừng, cùng các lực lượng bán chuyên trách.

Nóng bỏng rừng tràm Cà Mau -0
 Vào những tháng cao điểm mùa khô như hiện nay, các tháp canh lửa mùa khô ở Cà Mau luôn có người túc trực.

Các đơn vị liên quan còn ký phối hợp PCCCR với các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng, cũng như tổ chức tuyên truyền kết hợp tổ chức ký cam kết thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đối với 4.300 hộ dân các xã có rừng.

Ngoài 381 lực lượng đang trực tiếp tham gia “canh lửa” mùa khô, sẳn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào, trong trường hợp cần thiết, lực lượng chức năng Cà Mau có thể huy động thêm hơn 1.500 người tham gia dập lửa”.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà đầu mùa khô 2020-2021 đến nay, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo của tỉnh Cà Mau chưa xảy ra vụ cháy nào.

Hiện, các mặt công tác PCCCR đang được các đơn vị chức năng ở Cà Mau thực hiện đồng bộ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng lãnh đạo tỉnh này cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lực lượng chức năng và các đơn vị chủ rừng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là công tác ứng trực, phải luôn tăng cường kiểm soát các đối tượng không phận sự không được ra vào rừng; phải kịp thời phát hiện, xử lý mầm cháy từ những lúc đầu tiên để dập tắt, nếu có cháy cũng không để xảy ra cháy lớn.