Nơm nớp lo flycam uy hiếp sân bay

NDO -

NDĐT - Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, flycam (phương tiện bay không người lái) phát triển đa dạng, được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ nên flycam đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu, một trong những phương thức được sử dụng trong âm mưu khủng bố, trong đó có hoạt động khủng bố đối với hàng không dân dụng.

Flycam hoạt động gần sân bay, uy hiếp an toàn hàng không.
Flycam hoạt động gần sân bay, uy hiếp an toàn hàng không.

Flycam bủa vây sân bay

Ngày 16-10 vừa qua, tàu bay Airbus A321-271N, số đăng ký VN-A607 của hãng hàng không Vietjet thực hiện chuyến bay VJ331 từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, khi vừa hạ cánh, nhân viên kỹ thuật đã phát hiện chóp mũi che ra-đa thời tiết của máy bay bị móp một vết, nhưng không có biểu hiện va đập của chim. Theo báo cáo của cơ trưởng, trong quá trình bay, máy bay gặp mưa to kết hợp mây giông và tàu bay có biểu hiện rung lắc nhẹ, tuy nhiên, theo quan sát thực tế, thời tiết không có biểu hiện mưa đá.

Chuyến bay VNA362 từ Hà Nội đi Frankfurt (LB Đức) mới đây, khi vừa cất cánh, tổ lái đã báo cáo Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài về hiện tượng có ba vật phát sáng lao thẳng về phía máy bay. Tọa độ của vật phát sáng được xác định ở khu vực Yên Phong, Bắc Ninh. Do xác định vật thể lạ ở phía dưới máy bay, không gây nguy cơ mất an toàn, nên tổ bay vẫn tiếp tục hành trình như kế hoạch.

Nhiều chuyên gia nhận định, những vật thể bay phát sáng này là flycam chụp ảnh và quay phim từ trên không. Hiện nay, một số loại flycam có thể bay cao tới 500 m, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao đối với an toàn hàng không.

Trước đó, ngày 20-9, tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T’way Air (Hàn Quốc) cũng đã gặp phải hiện tượng tương tự (móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết) khi hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, khoảng 0 giờ 6 phút ngày 20-9, Đài kiểm soát không lưu khu vực phía Nam thông báo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về trường hợp máy bay 737 thực hiện chuyến bay TW 123 từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP Hồ Chí Minh bị gặp trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất khi hạ cánh.

Kết quả kiểm tra, nhân viên kỹ thuật đã phát hiện tàu bay bị móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết, gây hư hỏng nặng. Thời điểm hiện tại, hai sự cố tàu bay trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra.

Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) Hồ Minh Tấn cho hay, kết quả điều tra ban đầu, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định khả năng máy bay va chạm với vật thể lạ, do tác động từ bên ngoài, không phải là chim. Việc xác định là vật thể nào vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

Do không tìm thấy dấu vết va đập của chim ở trong hai vụ nêu trên, nhiều chuyên gia nghi ngờ có khả năng tàu bay đã bị va chạm với flycam.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện cả flycam bay ngay trong khu vực lân cận sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng tại sân bay này, có thời điểm lực lượng chức năng phát hiện tới 30 quả bóng bay vi phạm tĩnh không sân bay. Các trường hợp tổ lái thông báo bị chiếu đèn lazer cũng liên tục được báo cáo.

Được biết, trong năm 2018, tại 21 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đang quản lý, xảy ra 38 trường hợp chiếu đèn lazer vào tàu bay, xảy ra chủ yếu tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Pleiku, Cam Ranh, Liên Khương, Nội Bài, Thọ Xuân,... 10 trường hợp vi phạm tĩnh không khác cũng được phát hiện như thả bóng bay, thả diều, flycam tại khu vực lân cận sân bay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9-2018, tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), vào các buổi tối, Đài kiểm soát không lưu đã 5 lần phát hiện vật thể bay phát sáng xuất hiện trên trục tiếp cận chóp đường cất hạ cánh 09. Vật thể xuất hiện liên tục, có lần xuất hiện ở khoảng cách thềm đường cất hạ cách 13 km về hướng Tây Nam và có những thời điểm kéo dài tới gần 30 phút.

Sự xuất hiện của vật thể bay phát sáng đã trực tiếp uy hiếp an toàn bay, khiến một chuyến bay của hãng hàng không Vietjet từ sân bay Liên Khương đi Nội Bài trong buổi tối 31-7-2018 phải chờ ở đường băng trong nhiều phút.

Phó Trưởng Đài kiểm soát không lưu Liên Khương Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Trách nhiệm kiểm soát của Đài kiểm soát không lưu Liên Khương có bán kính 30 km từ điểm quy chiếu tâm sân bay, vì vậy, vật thể lạ đó đã tiếp cận trong vùng trời kiểm soát của Đài. Những vật thể bay như vậy hết sức nguy hiểm đến các chuyến bay tại sân bay.

Xác định đây là hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay của sân bay Liên Khương, ngay sau khi nhận được báo cáo của Cảng vụ Hàng không miền nam tại sân bay Liên Khương, Công an Lâm Đồng đã tiến hành khoanh vùng, xác minh.

Tại địa bàn huyện Đức Trọng, Lâm Hà, lực lượng chức năng xác định có một tổ chức và sáu cá nhân sở hữu và sử dụng flycam. Mở rộng xác minh trong khu vực tĩnh không của sân bay Liên Khương trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, lực lượng Công an đã xác định thêm 9 trường hợp sở hữu và sử dụng thiết bị flycam. Tất cả các trường hợp này đã được công an yêu cầu ký cam kết không sử dụng thiết bị khi chưa được phép, có trường hợp đã tự giác giao nộp thiết bị.

Uy hiếp an toàn bay

Trên một số trang mạng bán hàng trực tuyến, rao bán nhan nhản các loại flycam, chỉ cần vài triệu đồng là người chơi có thể sở hữu chiếc flycam ưng ý phục vụ các nhu cầu cơ bản.

Việc quản lý hoạt động của flycam ở Việt Nam thực hiện theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho một lần bay.

Theo đánh giá, quy định này được cho là chặt chẽ, phiền toái quá mức, gây khó cho nhiều người sử dụng, nhiều người đành lén lút sử dụng, không xin phép. Một người chơi flycam nói thẳng: Dân ảnh chúng tôi đặc biệt thích flycam. Do thủ tục phức tạp, phải xin phép Bộ Tổng Tham mưu, thời gian chờ đợi quá lâu, nên chúng tôi thường bay… trộm và thực tế cũng chưa thấy lực lượng nào kiểm soát, ngăn chặn cả.

Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn nhận định: Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang dần trở nên phổ biến, chủ yếu qua hình thức các thiết bị bay điều khiển từ dưới đất để chụp ảnh, quay phim (flycam).

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, flycam được phát triển đa dạng, sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội. Về khoa học, công nghệ, phương tiện này liên tục được cải tiến, nâng cấp, dễ sử dụng, có giá thành rẻ.

Tuy nhiên, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, điều khiển và lắp ráp, sử dụng, giá thành rẻ, công tác quản lý chưa chặt chẽ nên phương tiện bay không người lái cũng là thiết bị uy hiếp an toàn hoạt động hàng không, gây thiệt hại lớn đối với hoạt động hàng không dân dụng do sự chủ quan của người sử dụng.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng xác định, hàng không dân dụng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên của các tổ chức và đối tượng khủng bố. Đây cũng là một trong số các phương thức khủng bố được ICAO đặc biệt quan tâm và cũng đánh giá mức độ rủi ro an ninh ở mức phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu phù hợp. Trên thực tế, đã có nhiều vụ khủng bố được thực hiện bằng cách sử dụng phương tiện bay không người lái.

Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines Nguyễn Thái Trung cho hay, các nhà chức trách hàng không trên thế giới như EASA hay FAA đều ban hành quy định chặt chẽ để quản lý flycam, các thiết bị phải được đăng ký quản lý, có tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn mới được sử dụng.

Vì thế, cơ quan quản lý cần có các quy định và hướng dẫn cụ thể về flycam, từ việc quản lý, đăng ký, thậm chí cấm một số thiết bị nếu có tính năng đặc biệt có thể gây hại, uy hiếp an ninh hàng không.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ và tổng thể giữa các Bộ: GTVT, Quốc phòng, Công an để có các chế tài đồng bộ, mạnh mẽ trong việc quản lý flycam và có hành động cần thiết khi xảy ra tình huống mất an toàn đối với chuyến bay do flycam gây ra.

Tại sân bay, cần có phương án lắp đặt hệ thống phát hiện, cảnh báo flycam hoạt động, giúp cho sân bay, hãng hàng không và các lực lượng chức năng có hành động nhanh chóng và chính xác, kịp thời bảo đảm tuyệt đối an toàn an ninh trong vận tải hàng không ngày càng cao trong thời điểm này.

Trước nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động trái phép của flycam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1545/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công thương, GTVT Công an,… và các bộ, ngành liên quan; UBND các địa phương có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng không, ngăn ngừa các sự cố đối với hàng không dân dụng xảy ra do flycam.