Nỗi lo từ tuyến đê biển Cà Mau

Ðầu tháng 8 vừa qua, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây. Ðây là năm thứ tư liên tục, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng nêu trên trong mùa mưa bão. Trước diễn biến khó lường của thời tiết cực đoan, ven tuyến bờ biển Tây Cà Mau luôn trong tình trạng bất ổn...

Triều cường và sóng dữ gây sạt lở chân đê biển Tây, đoạn bờ bắc cống Kênh Mới.
Triều cường và sóng dữ gây sạt lở chân đê biển Tây, đoạn bờ bắc cống Kênh Mới.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Mới đây, trong chuyến khảo sát tình hình ven biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các huyện dọc tuyến đê biển Tây phải khẩn trương di dời hơn 600 hộ dân, vì nhiều lý do còn sinh sống phía ngoài đê. Ðộng thái quyết liệt nêu trên đưa ra ngay sau sự cố triều cường và sóng dữ bất ngờ ập vào bờ biển Tây, làm hư hỏng nghiêm trọng chân đê vào ngày 3-8-2019. Chiều hôm đó, vào lúc 15 giờ 5 phút, anh Trần Bá Ni ở ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời và một số người bạn có nhà sau đê biển Tây đang bàn chuyện mùa vụ thì nghe tiếng sóng ầm ầm dội bờ. Ra xem mới biết, sóng biển đánh phủ qua thân đê biển Tây và tàn phá những thứ mà chúng đi qua. "Sau khoảng 35 phút, nước rút đi, ven đê biển bị sạt lở loang lổ, có nơi hằn sâu vào tới đường bê-tông phía trên mặt đê" - anh Ni kể lại. Chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng các đơn vị liên quan đã xuống hiện trường và ghi nhận, toàn bộ vải bạt xử lý tạm chân đê biển Tây trong mùa mưa bão năm 2018, đoạn bờ bắc cống Kênh Mới đã bị tốc và hư hỏng hoàn toàn. Dưới chân đê, một đoạn dài khoảng 365 m bị sạt lở nham nhở. Ðặc biệt, có hai vị trí với chiều dài 7 m đã bị vỡ mất chân đê phía ngoài, xói lở vào đến thân đê (phần mặt đường bê-tông) và làm cho cát trong thân đê chảy ra ngoài. Các điểm còn lại hầu như đã sạt lở sát thân đê, nguy cơ xảy ra vỡ đê bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết: "Hơn 20 năm rồi, Cà Mau mới xuất hiện đợt triều cường hung hãn và cao như vậy. Thân đê xây dựng có cao trình dương 3 m nhưng cũng bị sóng tràn qua, cao hơn đỉnh đê từ 1 đến 1,7 m".

Kiểm tra toàn tuyến đê biển Tây sau sự cố triều cường, ngoài khu vực bờ bắc Kênh Mới, cơ quan chức năng Cà Mau ghi nhận tổng chiều dài bị sạt lở hơn 12,5 km, trải dài từ Vàm Ba Tĩnh đến cống Kênh Mới, Tiểu Dừa và khu vực bờ nam Sông Ðốc, đe dọa vùng ngọt hóa phía bắc của tỉnh Cà Mau. Không chỉ vậy, đợt triều cường chiều 3-8 còn gây ngập và làm hư hỏng hơn 1.800 nhà dân khu vực ven biển, một trường học, 2.540 m đường giao thông, ngập úng hơn 108 ha lúa hè thu..., ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản hơn 30 tỷ đồng.

Bị mất toàn bộ căn nhà sau đợt triều cường đầu tháng 8 vừa qua, đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Huyền ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vẫn còn ở nhờ nhà người thân. Bà Huyền nhớ lại thời khắc kinh hoàng: Sóng cao như nóc nhà, tràn qua dãy rừng lưa thưa ngoài kè Ðá Bạc rồi ập vào nhà chúng tôi. Quá bất ngờ, bảy người trong gia đình tôi chạy ra khỏi nhà trước khi chúng đổ sập. "Giờ gia đình tôi trắng tay, mong chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ và bảo vệ người dân, chứ ven biển bây giờ nguy hiểm quá", bà Huyền chia sẻ.

Ngay trong đêm xảy ra sự cố triều cường, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động hơn 300 người cùng phương tiện, máy móc và vật tư để bảo vệ đê biển Tây, đoạn bờ bắc cống Kênh Mới và một số điểm nguy hiểm khác trên tuyến. Ðến nay, việc gia cố đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai, các giải pháp mà tỉnh vừa thực hiện chỉ mang tính tạm thời, không bảo đảm trong điều kiện sóng lớn. Vì thế, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp để có giải pháp hữu hiệu về lâu dài, nhằm bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ vùng ngọt hóa phía trong đê.

Chống sạt lở và bảo vệ dân

Trong chuyến kiểm tra thực tế vào ngày 24-8 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách. Trong đó, chú trọng việc sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở cao. Về lâu dài, Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa, đặc biệt chú trọng các giải pháp bảo vệ đê biển phải gắn với trồng rừng phòng hộ...

Cà Mau có ba bề giáp biển, trải dài từ đông sang tây, tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km. Trong đó, tuyến bờ biển Tây dài 108 km. Dọc tuyến bờ Tây đã hình thành đê biển, được xây dựng sau cơn bão Linda năm 1997, có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ vùng ngọt hóa hơn 100 nghìn ha đất sản xuất phía bắc của tỉnh Cà Mau và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ. Tuy nhiên, do chịu tác động bất lợi từ sóng biển và triều cường dâng cao, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở ven bờ biển Tây ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Long Hoai cho biết: Sạt lở xảy ra trên toàn tuyến bờ biển Tây, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa mưa bão. Trên tuyến hiện có gần 57 trong tổng số 108 km chiều dài bị sạt lở. Trong đó, nhiều đoạn đã bị xói lở sâu và không còn đai rừng, sóng biển uy hiếp phá vỡ đê bất cứ lúc nào. "Tình trạng xói lở bờ biển và nền đất yếu trong nhiều năm liên tục đã ảnh hưởng và làm cho đê biển Tây mau chóng xuống cấp. Cao trình đỉnh đê biển Tây trước đây dương 2,5 m nhưng bị sụt lún chỉ còn từ 1,2 đến 1,8 m, đê không bảo đảm chống chịu với triều cường" - ông Nguyễn Long Hoai, khẳng định.

Năm 2010, tỉnh Cà Mau triển khai dự án đầu tư "nâng cấp đê biển Tây", chiều dài hơn 72 km với tổng mức đầu tư là 1.697 tỷ đồng. Năm 2013, dự án trên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo Chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Nhờ đó đến nay, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành việc nâng cấp đê đoạn từ Tiểu Dừa đến Sông Ðốc, tổng chiều dài hơn 49 km. Nguồn vốn hỗ trợ nêu trên còn giúp tỉnh Cà Mau thực hiện một số công trình kè ven biển kết hợp trồng rừng phòng hộ tại một số vị trí đặc biệt nguy hiểm, nhằm xử lý tình trạng xói lở, bảo vệ đê biển Tây. Tỉnh còn xây dựng một số khu dân cư, khu tái định cư phía trong đê để di dời, sắp xếp và bố trí nơi ở ổn định cho hơn 1.500 hộ dân vào sinh sống an toàn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau Lâm Minh Thời cho biết: "Lo nhất hiện nay là đoạn đê hơn 23 km từ Sông Ðốc về thị trấn Cái Ðôi Vàm, nhu cầu vốn là hơn 520 tỷ đồng nhưng chưa được Trung ương bổ sung vốn. Vì vậy, đê biển Tây chưa đồng bộ và chưa phát huy hết tác dụng như mong muốn".

Khảo sát thực tế của phóng viên ở khu vực đê biển Tây chưa nâng cấp, đoạn thuộc ấp Cái Cám (xã Tân Hải, huyện Phú Tân), mặt đê hiện bị sụt lún và khá thấp so với mực nước biển bên ngoài. Theo lời cư dân trong vùng, với đỉnh đê như hiện tại, nước biển thường xuyên tràn qua mặt đê, ảnh hưởng sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện lo lắng: Ðê biển Tây qua năm xã ven biển của huyện Phú Tân với hàng chục nghìn dân. Ðợt triều cường vừa qua, khu vực cống Kênh Mới, đê biển đã được nâng cấp nhưng sóng dữ còn tràn qua đê gây nhiều thiệt hại. Nếu tình trạng nêu trên xảy ra trên tuyến đê chưa nâng cấp của huyện, thì hậu quả sẽ khôn lường.

Là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước, Cà Mau ý thức rõ các mối nguy đến từ biển gây hại đê biển và đời sống người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn gặp khó khăn và chưa đồng bộ cho nên sự ứng phó của tỉnh thời gian qua chỉ mang tính chắp vá, chữa cháy. Ðó cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh có biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài nguồn vốn nâng cấp đê, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn hơn 70 tỷ đồng để Cà Mau hỗ trợ người dân và xử lý cấp bách tình trạng sạt lở đê biển Tây trong đợt triều cường bất thường đầu tháng 8 vừa qua. Cùng với đó là nguồn vốn hơn 700 tỷ đồng để tỉnh xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía đông (chưa xây dựng được đê biển) đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại các cửa biển xung yếu có đông dân cư sinh sống.