Nỗi khổ "đường giao thông" ở huyện vùng sâu Krông Bông

NDO -

NDĐT - Gần 10 năm nay, hơn 50km tỉnh lộ 12 thuộc huyện vùng sâu Krông Bông (Đác Lắc) đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong huyện.

Tỉnh lộ 12 đoạn qua xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, bị xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn giao thông của người dân.
Tỉnh lộ 12 đoạn qua xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, bị xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn giao thông của người dân.

Con đường “đau khổ”

Trong những ngày đầu tháng 7-2019, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng sâu Krông Bông và không khỏi tự hào về truyền thống cách mạng của con người và vùng đất nơi đây. Toàn huyện có 13 xã, thị trấn thì có đến năm xã là vùng căn cứ cách mạng, hai tập thể là Du kích xã Khuê Ngọc Điền và đơn vị An ninh nhân dân H9 (tên gọi của vùng căn cứ cách mạng của huyện Krông Bông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) và Đảng bộ, quân và dân huyện Krông Bông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, khi rẽ vào tuyến tỉnh lộ 12 nối từ Quốc lộ 27 ở ngã ba xã Yang Ré đi qua các xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, thị trấn Krông Kmar, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong và ba xã vùng căn cứ cách mạng là Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao của huyện Krông Bông với tổng chiều dài chỉ khoảng 53 km nhưng chúng tôi phải đi mất hơn hai giờ đồng hồ và phải vượt qua nhiều “ổ trâu”, “ổ voi” gập gềnh trên suốt tuyến đường.

Ngồi trên chiếc xe xóc nảy liên hồi, nhiều lần cả người và máy móc bị đẩy về phía trước do xe thắng gấp khi gặp “ổ voi”. Một anh bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi than phiền: “Tôi làm phóng viên thường trú hơn 20 năm nay ở Tây Nguyên và đã đến hầu hết các huyện trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên, nhưng không có một tuyến đường nào dẫn về trung tâm huyện lại xấu như tuyến Tỉnh lộ 12 về huyện Krông Bông này. Đây là vùng căn cứ cách mạng và là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Đác Lắc, đáng ra thì được tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông... để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Thế nhưng, ở đây lại khác hoàn toàn”.

Trên dọc con đường “đau khổ” này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng chục xe ô-tô từ loại năm, bảy chỗ ngồi đến các loại xe tải hàng chục tấn chở hàng hóa, nông sản nối đuôi nhau ì ạch “bò” trên tuyến đường.

Anh Nguyễn Văn Đạo, một người con của huyện Krông Bông hiện đang công tác và lập nghiệp ở thành phố Buôn Ma Thuột đang chở con về nghỉ hè ở nhà ông bà nội tại xã Khuê Ngọc Điền than thở: “Ba mẹ tôi ở dưới này nên cuối tuần vợ chồng tôi thường xuyên về thăm ông bà. Thời gian đầu, khi tuyến tỉnh lộ 12 này mới làm xong việc đi lại giữa huyện Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột khá thuận lợi, đi ô-tô chỉ mất khoảng 45 đến 50 phút là đến nơi. Thế nhưng khoảng 10 năm nay, tuyến đường huyết mạch này ngày càng xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đường xấu với nhiều “ổ voi”, “ổ trâu” chằng chịt nên mỗi lần nghĩ đến việc về thăm nhà là toát cả mồ hôi, bởi khi lái xe chỉ sơ suất một tí là có thể gây tai nạn hoặc bánh xe sập xuống “ổ voi” là khổ. Tuyến đường này đã hư hỏng nhiều năm nay nhưng không hiểu vì sao, tỉnh lại chưa sửa chữa, nâng cấp để người dân yên tâm đi lại?”.

Còn ông Phan Văn Xuân, 70 tuổi ở thôn 3, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông khi trao đổi với chúng tôi về tuyến đường huyết mạch này, ông ngao ngán thở dài, tỉnh lộ 12 là tuyến giao thông huyết mạch nối liền từ đông sang tây của huyện Krông Bông. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, tuyến đường này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều đoạn đường nhựa đã bong tróc để lại lớp đá gồ ghề với nhiều “ổ voi”, “ổ trâu” chằng chịt, mỗi khi trời mưa xuống là hình thành nhiều cái “ao” trên đường hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm. Thời gian qua, trên tuyến đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do tránh “ổ voi”, “ổ trâu” mà tông vào xe cơ giới hoặc xe vấp vào đá tự ngã. Khổ nhất là những hộ dân sống hai bên đường. Ngày mưa thì nước bẩn xe chạy bắn vào nhà, ngày nắng thì bụi mù mịt phải đóng cửa kín mít cả ngày. Bên cạnh đó, do chi phí vận chuyển tăng cao nên giá cả các mặt hàng tiêu dùng, giá các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng... đều tăng cao hơn nơi khác 30-40% khiến người dân ở đây vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Trong nhiều năm qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền cũng như các ngành chức năng sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm khiến người dân hết sức bức xúc.

Không chỉ anh Đạo, ông Xuân mà hầu hết người dân địa phương và những người hằng ngày thường xuyên qua lại trên tuyến đường này khi chúng tôi gặp gỡ, trao đổi đều than thở và hết sức bức xúc trước sự xuống cấp, hư hỏng của tuyến đường giao thông huyết mạch này, nhưng chậm được sửa chữa, nâng cấp.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết, Krông Bông là vùng căn cứ cách mạng, một trong năm huyện khó khăn nhất của tỉnh Đác Lắc hiện nay. Dân số của huyện hiện có hơn 20 nghìn hộ với hơn 100 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%. Đến nay, Krông Bông vẫn là huyện thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chính như trồng cà-phê, ngô, mì, lúa nước và các loại cây ngắn ngày khác... Nhiều năm nay, người dân địa phương hết sức bức xúc về sự xuống cấp của hệ thống giao thông trên địa bàn.

Cụ thể, tuyến tỉnh lộ 12 nối từ Quốc lộ 27 đến trung tâm huyện và các xã vùng căn cứ cách mạng Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Ngoài tỉnh lộ 12, tuyến tỉnh lộ 9 dài khoảng 27km nối huyện Krông Bông với huyện Krông Pắc và Quộc lộ 26 nhiều năm nay cũng bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 đã làm cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 này bị sập nhịp giữa tạo hình chữ V, sau đó dù được Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đác Lắc sửa chữa để người dân đi tạm, nhưng cũng chỉ có xe ô-tô con và xe máy qua lại được, còn các xe có trọng tải từ ba tấn trở lên không thể qua lại. Do cả hai tuyến giao thông chính đều bị xuống cấp, hư hỏng nặng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân trong huyện.

Trong những năm qua, có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, tìm cơ hội đầu tư vào huyện, nhưng sau khi đi khảo sát dù tiềm năng rất lớn, nhưng họ đều lắc đầu bỏ đi do đường giao thông quá khó khăn. Bên cạnh đó, do chi phí vận chuyển tăng cao nên giá cả các mặt hàng tiêu dùng đến các loại vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng đều tăng cao so các nơi khác. Trong khi đó, các loại nông sản do người dân sản xuất ra đều bị tư thương ép giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường... khiến đời sống của người dân ở đây vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn....

Cũng từ ngày cầu Cư Păm bị sập đến nay, hằng ngày các xe tải thu gom rác ở khu vực trung tâm huyện Krông Bông của Công ty TNHH Hoàng Phương Nam phải chở rác đi vòng 40km qua huyện Cư Kuin mới đến được bãi rác ở xã Cư Kty, thay vì theo đường tỉnh lộ 9 chỉ khoảng 8km. Để bù cho đoạn đường đi vòng này, hằng tháng huyện Krông Bông phải hỗ trợ cho công ty hơn 100 triệu đồng...

Nỗi khổ "đường giao thông" ở huyện vùng sâu Krông Bông ảnh 1

Cầu Cư Păm nằm trên tỉnh lộ 9 nối huyện Krông Bông với huyện Krông Pắc và Quốc lộ 26 bị sập nhịp giữa trong cơn bão số 12 cuối năm 2017, khiến cho hệ thống giao thông bị ách tắc.

Chính vì hai tuyến giao thông huyết mạch của huyện Krông Bông bị xuống cấp, hư hỏng nặng trong nhiều năm qua khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của UBND huyện Krông Bông, đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của huyện còn chiếm tới 32,83%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 22,25%... Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, đến nay xã đạt tiêu chí cao nhất cũng chỉ 12/19 tiêu chí nông thôn mới...

Mong mỏi của chính quyền và người dân địa phương

Trước sự bức xúc của chính quyền và người dân địa phương về sự xuống cấp, hư hỏng trầm trọng của tỉnh lộ 12 và tỉnh lộ 9, trong năm 2018, UBND tỉnh Đác Lắc đã có chủ trương trong giai đoạn trung hạn 2018-2020 sẽ thực hiện sửa chữa và làm mới tỉnh lộ 12 đoạn từ xã Yang Reh vào đến trung tâm huyện Krông Bông với chiều dài gần 14km, trong đó làm mới 8,9km và sửa chữa 4,89km với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Ngày 22-11-2018, dự án sửa chữa đoạn đường này được khởi công xây dựng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc làm chủ đầu tư, thời gian thi công 730 ngày.

Tuy nhiên, dự án mới thi công được bốn tháng thì ngày 19-4-2019, Tỉnh ủy Đác Lắc có Thông báo 2969-TB/TU thông báo kết luận của đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông, trong đó có nội dung: “Về các kiến nghị, đề xuất của huyện đối với dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp 13,869km tỉnh lộ 12, giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, bố trí thêm kinh phí để sửa chữa nâng cấp bảo đảm đồng bộ trên toàn tuyến”. Từ khi có thông báo này đến nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thi công cầm chừng để chờ UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh dự án hay không, gây bức xúc trong nhân dân.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc, Phạm Văn Hạ cho biết: “Thực hiện thông báo của Tỉnh ủy, các ngành chức năng của tỉnh đề xuất cần điều chỉnh bổ sung thêm gần 40 tỷ đồng nữa để xây dựng mới toàn bộ đoạn đường này, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có chủ trương có điều chỉnh dự án hay không nên chúng tôi vẫn thi công cầm chừng để chờ quyết định của UBND tỉnh. Chúng tôi cam kết cho dù dự án có điều chỉnh hay không vẫn thi công trong thời gian 730 ngày là hoàn thành”.

Nỗi khổ "đường giao thông" ở huyện vùng sâu Krông Bông ảnh 2

Mặc dù dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp 13,869km tỉnh lộ 12 đoạn từ xã Yang Ré đến trung tâm huyện Krông Bông đã được khởi công nhưng nhiều đoạn vẫn bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho rằng, trong khi UBND tỉnh chưa có chủ trương điều chỉnh dự án hay không mà chủ đầu tư và đơn vị thi công đã dừng thi công hai tháng nay, gây bức xúc cho người dân địa phương. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công để dự án sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư vào huyện, hạn chế tai nạn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, Cư Pui là xã căn cứ cách mạng, có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và văn hóa lịch sử, tuy nhiên trong những năm qua do tỉnh lộ 12 nối từ Quốc lộ 27 đến trung tâm huyện và xã đều bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nên tiềm năng chưa được khai thác, đời sống của nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, chính quyền cũng như người dân địa phương mong mỏi tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa và thu hút các nguồn lực vào khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng căn cứ cách mạng.

Bà Trần Thị Hồng, một người dân ở thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông đề đạt, mong UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường giao thông huyết mạch này để người dân lưu thông, giao thương hàng hóa được thuận lợi, giá cả các mặt hàng trở lại bình thường... mang lại cuộc sống an bình, phát triển, tránh tai nạn giao thông và bảo đảm môi trường cho người dân địa phương.

Đây cũng là mong mỏi lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vùng sâu Krông Bông.