Nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân

Chức năng nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCÐ) có liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lực lượng từ Trung ương đến địa phương. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, lực lượng CSCÐ đã sử dụng đồng bộ, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng cảnh sát cơ động trong Lễ xuất quân bảo vệ Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần hai.
Lực lượng cảnh sát cơ động trong Lễ xuất quân bảo vệ Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần hai.

Thực hiện Nghị định số 77/NÐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, ngày 15-12-2009, Bộ trưởng Công an đã ký, ban hành Quyết định số 4058/QÐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh CSCÐ. Trải qua 10 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển lực lượng CSCÐ luôn luôn được Ðảng ủy Công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm kiện toàn theo hướng chuyên sâu, tập trung thống nhất, bảo đảm đầy đủ và phân định rõ ràng, rành mạch. Theo đó, ở Bộ có Bộ Tư lệnh CSCÐ là đơn vị nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc, tham mưu giúp Ðảng ủy Công an T.Ư và Bộ trưởng về công tác vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CSCÐ. Trong Bộ Tư lệnh hiện nay gồm có bốn lực lượng: Lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm; lực lượng Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu; lực lượng Cảnh sát huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Ở Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bố trí Trung đoàn CSCÐ; ở các tỉnh, thành phố còn lại bố trí cấp Tiểu đoàn, Ðại đội CSCÐ. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh và CSCÐ Công an các địa phương bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn trọng điểm, bảo đảm khoa học, tạo nên thế trận an ninh vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ động, tiếp ứng nhanh chóng khi có tình huống xảy ra.

Có thể nói ở đâu có "điểm nóng" an ninh trật tự các tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội thì ở đó có mặt lực lượng CSCÐ. Ðiển hình như: Tham gia giải quyết vụ chống phá của các phạm nhân tại Trại giam Ðịnh Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tháng 1-2010. Hỗ trợ Công an Ninh Bình giải quyết vụ một số phần tử quá khích chống đối giải phóng mặt bằng tại khu vực Chùa Bái Ðính, Ninh Bình; vụ tụ tập đông người đòi thành lập "Vương quốc Mông" tại Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên (năm 2011) và biểu tình chống người thi hành công vụ giải phóng mặt bằng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (tháng 4-2012). Lực lượng CSCÐ tại chỗ của Bộ Công an và công an các địa phương cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đóng quân tại Hà Nội đã nhanh chóng hành quân kịp thời phối hợp quân và dân trên địa bàn chặn đứng các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Tháng 5-2014, lợi dụng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, những đối tượng xấu đã kích động công nhân ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh xuống đường biểu tình phản đối, đập phá hàng rào, bảng hiệu, đốt nhà xưởng, tràn vào lấy nhiều hàng hóa, tài sản của các công ty. Thực hiện lệnh của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCÐ đã điều động hàng nghìn CBCS và gần 200 xe các loại ở các đơn vị ứng trực, ra quân làm nhiệm vụ trấn áp các đối tượng quá khích. Trong chín ngày tham gia, lực lượng CSCÐ đã bắt giữ, bàn giao cho công an các địa phương 632 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật, tài sản khác, bảo vệ an toàn cho 54 công ty trong nước và nước ngoài, giải cứu an toàn 41 chuyên gia và nhân viên nước ngoài, dập tắt các đám cháy, cứu khối lượng tài sản lớn ước tính hơn 3.000 tỷ đồng...

Trong lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế; phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm khác, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCÐ đã tích cực phối hợp hiệu quả với đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương, ra quân bắt, khám xét trong các chuyên án lớn với hàng trăm đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", các tụ điểm phức tạp về ma túy, đánh bạc; và các chiến dịch chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Tiêu biểu như: Việc tăng cường lực lượng vây bắt Vàng A Khua, đối tượng truy nã nguy hiểm về tội buôn bán ma túy; tham gia triệt phá đường dây sử dụng trái phép thiết bị điện tử công nghệ cao xuyên quốc gia tại TP Hồ Chí Minh và triệt phá băng nhóm tổ chức đánh bạc và tổ chức đánh bạc Vũ Hoàng Oanh cầm đầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2010); triệt phá tổ chức buôn lậu, hàng tiêu dùng cao cấp (chuyên án 788V) tại Hải Phòng (tháng 9-2011)...; hỗ trợ cơ quan điều tra bắt, khám xét hàng trăm đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy; các tụ điểm đánh bạc với quy mô lớn liên tỉnh ở Thạch Thất, Sóc Sơn (Hà Nội), Chùa Dận (Bắc Ninh), TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Hỗ trợ tham gia bảo vệ hiện trường vụ án vận chuyển, buôn bán gỗ lậu tại Ðăk Mil; truy bắt các đối tượng truy nã vì tội buôn bán ma túy tại bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; phối hợp truy bắt tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia tại TP Hồ Chí Minh và thu giữ ma túy với khối lượng lớn (năm 2019). Phối hợp các lực lượng tham gia bảo vệ an toàn các kỳ Ðại hội Ðảng, các kỳ họp Trung ương, Quốc hội; các chuyến thăm Việt Nam của các nguyên thủ quốc gia; các sự kiện quan trọng của quốc gia và quốc tế được tổ chức ở nước ta, như: Hội nghị cấp cao ASEAN; ASEM; APEC; Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần 2... Những kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nhân dân khen ngợi, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, lực lượng CSCÐ luôn tham gia thực hiện tốt, nổi bật là đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ gây ra ở các tỉnh Ðiện Biên, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, gia đình chính sách, có công với cách mạng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa, điểm trường mầm non tại: Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam, Cần Thơ, An Giang... Các hoạt động trên đã để lại trong lòng nhân dân hình ảnh người CSCÐ gần gũi, thân thiện, "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và bầu cử Ðại biểu Quốc hội khóa XV. Các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh thực hiện âm mưu biểu tình, bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Trật tự an toàn xã hội luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tính chất, mức độ nghiêm trọng của các loại tội phạm vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp...

Những vấn đề trên sẽ tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của lực lượng CSCÐ, vì vậy, công tác xây dựng lực lượng CSCÐ xứng đáng là lá chắn thép xung kích bảo vệ Ðảng, Nhà nước và nhân dân, luôn xác định phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Thực hiện nghiêm túc quy trình công tác, đặc biệt là quy trình ra quân, tham gia xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT phải quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy dân làm gốc" và đề cao phương châm 4 tại chỗ; (2) Nâng cao công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác huấn luyện, diễn tập, thực binh nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng CSCÐ; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; (3) Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tiếp tục xây dựng lực lượng CSCÐ thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về đạo đức, lối sống theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời huấn thị của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "Danh dự là điều thiêng liêng và cao quý nhất". Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị và cấp ủy viên các cấp; (4) Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ðề án, kế hoạch của Ðảng ủy Công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an về tinh gọn tổ chức bộ máy; phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy sau khi được sắp xếp, kiện toàn. Tập trung triển khai Trung đoàn không quân CAND, Trung đoàn CSCÐ kỵ binh và kết luận của Bộ trưởng Công an tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh về công tác chính trị tư tưởng, tổ chức, cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập; hoạt động của Ðoàn Nghi lễ CAND thuộc Bộ tư lệnh CSCÐ. (5) Hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện Ðề án "Hiện đại hóa lực lượng CSCÐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030" và các dự án liên quan; đồng thời nghiên cứu, xây dựng Luật CSCÐ thay thế pháp lệnh CSCÐ; coi đây là nội dung quan trọng, làm cơ sở, tiền đề nâng cao năng lực, sức chiến đấu và xây dựng lực lượng CSCÐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bộ Tư lệnh CSCÐ tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Ðảng ủy Công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh CSCÐ sẽ tiếp bước xứng đáng truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước.