Nỗ lực hoàn thành công tác thu thập dữ liệu dân cư

 Những ngày này, lực lượng công an trên khắp cả nước đang tích cực triển khai công tác thu thập dữ liệu để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để công tác này đạt hiệu quả, thông tin về dân cư chính xác, rất cần sự hợp tác một cách chặt chẽ của người dân.

 Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cùng lực lượng công an xã thu thập dữ liệu người dân trên địa bàn.
Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cùng lực lượng công an xã thu thập dữ liệu người dân trên địa bàn.

Huy động tối đa lực lượng
 
Tháng 3-2020, Bộ trưởng Công an ban hành Kế hoạch số 82 về việc triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương của Bộ Công an là phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh cho công dân trước ngày 1-12-2020; hoàn thành dự án trước ngày 30-4-2021.
 
Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, công an các địa phương đã và đang tích cực thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư tại địa bàn. Đây được coi là khâu “nền tảng” giúp hoàn thành cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư một cách đầy đủ, chính xác.
 
Ghi nhận thực tế tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an quận Long Biên (Hà Nội) những ngày này cho thấy, 100% cán bộ, chiến sĩ của Đội đều tập trung vào công tác thu thập dữ liệu dân cư.

Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đội trưởng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an quận Long Biên cho biết, Công an quận đã xây dựng kế hoạch đến 14 công an phường, yêu cầu trưởng công an các phường tập trung chỉ đạo các lực lượng thực hiện Dự án CSDL quốc gia về dân cư. Công an quận trưng dụng 31 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ công an các phường thu thập dữ liệu dân cư.

Tại huyện Thanh Oai, Công an huyện thành lập “Trung tâm nhập liệu Công an huyện Thanh Oai” tại xã Phương Trung, với điều kiện cơ sở vật chất tốt, trưng dụng tổng số 58 hệ thống máy tính và huy động 76 đồng chí là cán bộ, chiến sĩ công an các xã, thị trấn tiến hành nhập dữ liệu phiếu thông tin vào phần mềm dùng chung của Bộ Công an. Công an huyện Thanh Oai thường xuyên tổ chức giao ban giữa lãnh đạo Công an huyện, đội cảnh sát QLHC về TTXH, công an các xã, thị trấn để giải đáp các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc việc rà soát, đánh giá chất lượng và hoàn chỉnh dữ liệu dân cư của thành phố phục vụ triển khai CSDL quốc gia về dân cư.
 
 “Gõ cửa” từng nhà dân
 
 Trong khoảng thời gian “nước rút” này, cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tại Công an quận Long Biên, huyện Thanh Oai cũng như các đơn vị công an khác trên cả nước gần như thường trực tại công an các phường để cùng tiếp nhận thông tin từ người dân đến kê khai. Công việc chính là phát phiếu kê khai thông tin cho người dân, tiếp nhận, xác thực và đưa thông tin vào máy tính nhằm số hóa dữ liệu. Công việc này thật sự vất vả vì lượng dân cư tại các địa bàn đều có mật độ đông. Đối với những người cao tuổi, gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc người ban ngày đi làm việc tại địa bàn khác, chỉ ở nhà vào buổi tối, lực lượng công an phải áp dụng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tới tận nhà dân và làm thêm vào các buổi tối, làm cả thứ bảy, chủ nhật để thu thập dữ liệu dân cư. Nhiều trường hợp, cảnh sát khu vực (CSKV) phải đi đến nhà nhiều lần mới lấy đủ thông tin các thành viên trong hộ.
 
 Đến thời điểm hiện tại, theo Thượng tá Phạm Đình Tuyến, Phó trưởng công an huyện phụ trách Cảnh sát QLHC về TTXH huyện Thanh Oai, với phương châm quyết tâm hoàn thành công việc, bảo đảm tiến độ của dự án xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, Công an huyện đã thu thập, rà soát thông tin dân cư trên địa bàn huyện Thanh Oai đạt tỷ lệ 80% và đang nhập thông tin dân cư vào hệ thống dùng chung của Bộ Công an.

Tại quận Long Biên, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an quận đã kiểm tra 220.603 phiếu thu thập thông tin về dân cư. Trong đó, số phiếu bảo đảm thông tin chính xác là 214.282 phiếu và đang hoàn tất xử lý những phiếu còn thiếu hoặc sai thông tin.
 
 Cần sự hợp tác chặt chẽ của người dân
 
Thực tế triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc. Một số CSKV do luân chuyển địa bàn, chuyển từ lực lượng khác, mới ra trường cho nên phải làm quen với địa bàn mới, khả năng tiếp cận còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa hiểu việc kê khai, dẫn đến phiếu thông tin bị sai nhiều hoặc cố tình không quan tâm đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình dẫn đến kê khai phiếu mang tính chất đối phó.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp dù đã được CSKV hướng dẫn nhưng đến khi thu lại phiếu vẫn có tình trạng một người ký thay cho cả hộ gia đình từ đó CSKV lại mất công hướng dẫn lại. Một số người có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đi làm xa, ít có thời gian về nhà cho nên công an phải đợi lấy chữ ký của công dân. Việc thu thập thông tin và xác định nhóm máu cũng gặp khó khăn do phần lớn người dân không có chứng minh kết quả xét nghiệm phân loại nhóm máu.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), để công tác thu thập dữ liệu dân cư hoàn thành một cách đầy đủ, chính xác, không chỉ cần sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng công an mà cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía người dân. Chỉ khi người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khai báo đầy đủ thông tin dân cư, khi ấy dữ liệu về dân cư mới chính xác tuyệt đối.

Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, khi CSDL quốc gia về dân cư hoàn thành, người dân chính là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất. CSDL quốc gia về dân cư chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.