Ninh Thuận hỗ trợ hơn 145 nghìn người gặp khó khăn do Covid-19

NDO -

Ngày 21-10, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh điểm cầu chính của hội nghị sơ kết tại trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận.
Quang cảnh điểm cầu chính của hội nghị sơ kết tại trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận.

Hội nghị trực tuyến với bảy đầu cầu, gồm các huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và TP Phan Rang-Tháp Chàm. Theo đó, trong dịp lễ 30-5 và 1-5, có 118.422 người thuộc bốn nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ trong thời gian ba tháng/người với tổng số tiền hơn 104.717 triệu đồng (chỉ nêu số tròn). Cụ thể: 2.898 Người có công, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng; 18.403 người thuộc diện bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng; 43.072 người thuộc diện hộ nghèo, mức hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng; 54.049 người thuộc hộ cận nghèo, mức hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng.

Cùng với đó, đã hoàn thành xét duyệt 22.686 hồ sơ về hỗ trợ theo quy định cho các nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với tổng số tiền hỗ trợ 22.840 triệu đồng. Cụ thể: 193 người lao động/20 doanh nghiệp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; 612 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm; 10 lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 21.871 người ao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc.

Theo quy định tại khoản 2, điều 7, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Ninh Thuận đã hoàn thành việc xét duyệt hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương (50% từ kinh phí ngân sách + 50% từ nguồn kính phí xã hội hóa do Mặt trận Tổ quốc tỉnh quản lý) chi hỗ trợ cho tám nhóm đối tượng với 3.976 người/3.976 triệu đồng. Cụ thể: 837 hồ sơ giáo viên, người lao động có hợp đồng lao động tại các cơ sở mầm non tư thục, nhóm nhà trẻ hộ gia đình được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; 177 hồ sơ người lao động có hợp đồng lao động nhưng không có tham gia bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; 2.172 người lao động, chủ hộ kinh doanh trong các dịch vụ hớt tóc nam, nữ; 28 người lao động, chủ hộ kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như sân bóng mini, khu vui chơi trẻ em; 94 hồ sơ người lao động, chủ hộ kinh doanh trong các dịch vụ Karaokê có dịch vụ ăn uống kèm theo; 499 người lao động bốc vác cho các nhà xe, vận chuyển hàng hóa; 123 hồ sơ người lao động bán hàng căn tin trong các trường học; 51 người lao động bán hàng rong tại bãi biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều đối tượng và lao động tự nguyện đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ, tuy nhiên đã từ chối nhận để chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình. Tinh thần này đáng trân trọng, biểu dương, nhân rộng, đã thể hiện trách nhiệm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và những người khó khăn hơn.

Việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp do tình hình dịch Covid-19, nhân dân rất phấn khởi, góp phần ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh.