Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn

Niềm vui mới ở Linh Sơn

Nhiều năm qua, người dân xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phải dùng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng để sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe. Ðược Nhà nước đầu tư đưa vào sử dụng công trình cấp nước hợp vệ sinh ổn định lâu dài, người dân rất vui, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Người dân xã Linh Sơn (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được cấp nước sạch, không còn phải sử dụng máy lọc.
Người dân xã Linh Sơn (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được cấp nước sạch, không còn phải sử dụng máy lọc.

Là xã vùng ven của TP Thái Nguyên, cuộc sống người dân xã Linh Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Với mật độ dân số đông, nguồn thải từ bể phốt của các hộ dân lớn và do chăn nuôi lợn phát triển, nhiều năm đã ngấm vào lòng đất làm cho nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Những năm qua, người dân các thôn Bến Ðò, Hùng Vương, Ngọc Lâm, Núi Hột, Làng Phan và Mỏ Ðá đều dùng nước từ giếng khoan bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Ðiển ở xóm Bến Ðò chia sẻ: "Nước hút từ giếng khoan có mầu đỏ lòm, mùi tanh nồng cho nên hầu hết các hộ phải bơm lên téc nước, sau đó dẫn vào máy lọc thì mới dùng để ăn, uống được. Tuy nhiên, nước bị ô nhiễm nặng, nên máy lọc thường xuyên bị tắc, để tiết kiệm tiền thay củ lọc mới thì cứ một, hai ngày tôi lại tháo ra để rửa củ lọc, dù vậy cứ vài ba tuần phải thay củ lọc mới nên rất tốn kém. Nhiều nhà dùng củ lọc nước cỡ lớn để lọc thô, sau đó mới dẫn vào máy lọc".

Nguồn nước ở xóm Ngọc Lâm cũng bị ô nhiễm nặng nề. Trưởng xóm Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Thắng cho biết, hút từ giếng khoan lên thấy nước có mầu đỏ, mùi tanh nồng. Ðể có nước ăn uống hằng ngày, nhiều năm qua gia đình ông phải lắp đặt máy lọc nước. Khi ông Thắng tháo củ lọc từ máy ra có mầu đen sì và bao phủ một lớp cặn chung quanh, ông bảo củ lọc mới thay ba hôm trước. Ðể tiết kiệm tiền thay mới, cứ khoảng ba ngày ông lại phải tháo ra súc rửa cho sạch và chống tắc. "Khổ nhất là chị em phụ nữ phải dùng nước bị ô nhiễm để tắm giặt, tỷ lệ bị mắc bệnh phụ khoa rất cao. Ai bị bệnh ngoài da dùng nước để tắm giặt thì một lúc sau bị mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu. Ðồ dùng gia đình, như máy giặt, bình nóng lạnh, khóa vòi nước rất nhanh hư hỏng", ông Thắng nói.

Trước tình trạng nguồn nước sử dụng để sinh hoạt hằng ngày bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân, ngày
20-11-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3619/QÐ-UBND phê duyệt lại báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tiểu dự án nước 4 - cấp nước sinh hoạt xã Linh Sơn với tổng vốn đầu tư gần 9,6 tỷ đồng (trong đó người dân đóng góp 456 triệu đồng), do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình cấp nước sinh hoạt xã Linh Sơn được xây dựng, hoàn thành cuối năm 2019.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục bảo đảm chất lượng. Công trình bao gồm hai giếng khoan sâu 50 m, hệ thống đường ống dẫn lên các bể tạo áp, bể xử lý nước đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh, hệ thống đường ống dẫn, vòi tại các hộ gia đình. Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên La Hồng Chung cho biết: Thời gian vừa qua, chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương đã khắc phục nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, việc xây dựng công trình đi qua nhiều nơi có địa hình phức tạp... Sau khi nghiệm thu, từ đầu tháng 6-2020, chúng tôi đã khẩn trương giao cho đơn vị có chuyên môn quản lý, khai thác, thực hiện nhiệm vụ cấp nước ổn định, lâu dài cho người dân.

Từ đầu tháng 6-2020, hơn 500 hộ dân xã Linh Sơn vui mừng phấn khởi vì hằng ngày được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, không phải bơm hút, không phải thường xuyên thay củ lọc tốn kém như trước.