Những người giữ yên mặt hồ

Một chút luyến tiếc khi đến Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai mà không đi rừng Mã Ðà ngắm hoa lành ngạnh rực rỡ giữa những cơn mưa đầu mùa. Nhưng bù lại, việc khám phá lòng hồ thủy điện Trị An mang đến cho chúng tôi nhiều điều mới mẻ nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ thuộc Trạm kiểm lâm số 3 hồ Trị An.

Một góc hồ Trị An.
Một góc hồ Trị An.

Lực lượng mỏng, địa bàn rộng

Do chúng tôi di chuyển từ TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai cho nên chỉ mất khoảng 30 km với gần một giờ đồng hồ là đã đến Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển. Năm 2011, khu bảo tồn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Ðồng Nai.

Văn phòng của khu bảo tồn nằm lặng lẽ giữa những hàng hoa phượng đỏ rực. Tuy không gặp được Hạt trưởng Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo như đã hẹn trước do ông có công việc đột xuất, nhưng chúng tôi đã nhận được đề nghị dẫn đi tham quan lòng hồ của Hạt phó Kiểm lâm Trương Ðình Minh. Ở tuổi 51, trông ông Minh vẫn rắn rỏi và nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng khi chỉ đạo sắp xếp các cán bộ chuẩn bị xe đưa chúng tôi ra bến tàu nằm cách văn phòng khoảng 3 km.

Tại đó đã có con tàu của Trạm kiểm lâm số 3 hồ Trị An chờ đưa chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá hồ Trị An. Theo lời giới thiệu của ông Minh, hồ Trị An nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai. Mặc dù hồ được hình thành do việc đắp đập ngăn sông Ðồng Nai để xây dựng công trình thủy điện Trị An năm 1984 nhưng đầu năm 2004 khu bảo tồn mới được thành lập nhằm khôi phục sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Ðồng Nai và vùng Ðông Nam Bộ; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên, bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích…

Hiện nay, với diện tích mặt nước hồ 323 km2, hồ Trị An có 76 đảo lớn nhỏ. Cũng vì vậy mà nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm tại đây càng nặng nề hơn, bởi ngoài việc giữ vững trật tự an ninh - quốc phòng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm, hủy hoại tài nguyên đa dạng sinh học, lấn chiếm đất lâm nghiệp và mặt nước hồ Trị An; phòng cháy, chữa cháy rừng; họ phải bảo đảm việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của người dân không vi phạm các quy định của Nhà nước. Ðây thật sự là một vấn đề nan giải khi hồ Trị An đã và đang góp phần tạo dựng cuộc sống của hơn 1.000 hộ dân sinh sống quanh hồ.

Theo Trạm trưởng kiểm lâm số 3 Trần Anh Ðào, Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn có ba trạm kiểm lâm ở hồ Trị An được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 3. Mỗi trạm có một tàu và một ca-nô, trên mỗi tàu có bảy người với một trạm trưởng, một trạm phó và năm cán bộ. Với diện tích mặt nước hồ 323 km2, lực lượng này là quá nhỏ và cho thấy rõ sự vất vả của mỗi đơn vị khi phải theo dõi, giám sát trung bình 100 km2 diện tích mặt hồ ở từng khu vực phụ trách của mình.

Cũng vì thế mà mỗi đợt tuần tra của các trạm thường kéo dài ba ngày, ba đêm hoặc lâu hơn tùy theo nhiệm vụ hay điều kiện thời tiết. Thường thì công việc sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ của ngày hôm nay đến 9 giờ ngày hôm sau. Thậm chí, họ sẵn sàng lên đường ngay khi nhận được tin báo từ 14 cộng tác viên nếu có tình hình bất thường. Ông Minh cho biết, thật tiếc khi chúng tôi không thể cùng Trạm kiểm lâm số 3 hồ Trị An tham gia một buổi tuần tra như thông lệ vào ban đêm, để được chứng kiến công việc của mỗi cán bộ, tận mắt ngắm nhìn cảnh hồ lung linh trong ánh đèn điện của hàng trăm tàu thuyền đánh bắt thủy sản hay sự nhộn nhịp, ồn ào vào lúc trời hửng sáng ở chợ cá.

Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu đi ban đêm, chúng tôi có thể làm ảnh hưởng công việc của các anh, nhất là khi nhiệm vụ của mỗi tàu là giám sát, phát hiện những hoạt động đánh bắt sai trái trên lòng hồ. Nếu người dân vi phạm, các anh sẽ dùng lời lẽ mềm mỏng để giải thích, thuyết phục nhưng nếu có trường hợp chống đối, sự có mặt của chúng tôi sẽ cản trở công tác bảo đảm trật tự an ninh chung của các trạm.

Ðể luồn lách, di chuyển vào sát những lồng bè nuôi cá hay một số đảo, thường thì các cán bộ kiểm lâm sẽ sử dụng ca-nô cho thuận tiện. Khi chúng tôi đặt câu hỏi làm sao có thể xác định được phương hướng ban đêm, ông Minh cho biết, ngoài kinh nghiệm của bản thân, họ có được sự hỗ trợ của ứng dụng Google Maps. Ứng dụng này cho phép tàu xác định được vị trí của mình và hướng di chuyển theo thời gian thực. Nhờ đó, họ sẽ biết chính xác khu vực và phạm vi của mỗi đơn vị.

Như muốn cho chúng tôi thấy rõ hơn, ông Minh rút chiếc điện thoại thông minh ra thực hiện vài thao tác. Hiện lên trên màn hình là một chấm đỏ nhấp nháy và đó chính là chiếc tàu mà chúng tôi đang có mặt vào lúc này. Cách không xa chấm đỏ là đảo Năm Bầu, nơi cả đoàn chuẩn bị ghé vào.

Những người giữ yên mặt hồ ảnh 1

Cán bộ Trạm kiểm lâm số 3 hồ Trị An trong một chuyến tuần tra.

Gặp “chúa đảo” và bữa trưa trên sóng nước

Do tàu không thể vào sát bờ, chúng tôi phải di chuyển bằng ca-nô cách chỗ neo của tàu lớn khoảng 500 m. Nhìn chiếc ca-nô khá nhỏ nhưng nó có thể chở được sáu người, trong đó có ba chúng tôi, ông Minh, cán bộ Trương Văn Sơn và anh Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Ðoàn cơ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai.

Ðảo Năm Bầu được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây vì là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Văn Long, 60 tuổi, quê ở Long An, trong hơn 30 năm qua. Người dân quanh đây gọi ông là “Long chúa đảo” nhưng cái tên đảo Năm Bầu xuất phát từ ngày vợ ông (bà Năm) mang bầu đứa con đầu.

Phải thừa nhận rằng, so với những ngày đầu tiên ông Long lập nghiệp ở đảo và hiện nay, cuộc sống chung quanh đã thay đổi rất nhiều. Ông Long hiện có vài căn nhà, hoặc để ở, hoặc để làm homestay cho khách du lịch, có điện chạy bằng năng lượng mặt trời, có nước sạch, ti-vi, máy phát điện. Nhà ông còn làm nông, mỗi vụ thu hoạch được vài tấn điều, nuôi khoảng 100 con gà, vài lứa lợn… Theo ông Minh, dự kiến thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai sẽ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các đảo rồi từ đó hợp tác với các hộ dân phát triển du lịch. Ðảo Năm Bầu của ông Long có rất nhiều tiềm năng để trở thành một điểm đến trong quần thể những đảo Ó, đảo Ðồng Trường được xây dựng trước đó và đã đón khách thường xuyên.

Trò chuyện với vợ chồng ông Long một lúc lâu, ông Minh từ chối lời mời ở lại ăn trưa của “chúa đảo” chỉ bởi vì muốn cho các vị khách biết rõ hơn sinh hoạt của những cán bộ kiểm lâm trên hồ Trị An. Trở lại tàu, chúng tôi đã có dịp hiểu tường tận câu nói “tàu là nhà” của các anh.

Trên tàu kiểm lâm gần như không thiếu bất cứ thứ gì cho một gia đình sinh hoạt. Có nước sạch, có điện chạy bằng năng lượng mặt trời, có nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, có lương thực, giường nghỉ, bàn ăn hay bếp nấu… và thậm chí là rau thơm, cây ớt do các anh tự trồng. Vì thế mà khi chúng tôi từ đảo Năm Bầu trở lại, bữa cơm đã được các anh em khác chuẩn bị xong. Trên mâm có hai món chế biến từ cá, món ăn không thể thiếu ở vùng hồ này, có thịt kho trứng, có canh chua và rau xào, nhìn thì đơn giản nhưng dễ ăn và ăn rất vào.

Theo Trạm trưởng Trần Anh Ðào, mỗi chuyến tuần tra trên hồ, họ phải chuẩn bị lương thực và nhiên liệu đủ dùng trong ba đến bốn ngày. Mọi thứ nói chung không thiếu nhưng cũng không vì thế mà sử dụng hoang phí. Thí dụ như việc sử dụng điện được ghi rõ trên tấm bảng gắn ở khoang tàu, trong đó nói rõ mọi người có thể sử dụng liên tục 10 đến 12 bóng đèn, ti-vi, máy tính và hai quạt cùng một lúc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều khi có mặt trời; dùng nồi cơm điện để nấu cơm thì nên nấu lúc mặt trời có nắng nhiều nhất tầm 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều; có thể sử dụng một tủ lạnh nhỏ công suất 40 đến 80W nguyên ngày… Hay ban đêm, đèn có thể sử dụng ở các phòng có người ở; hạn chế sử dụng cùng lúc quá ba quạt trong thời gian dài; ti-vi sử dụng bình thường mỗi đêm không quá bốn đến năm giờ.

Ngoài anh Ðào đã có hơn 15 năm trong ngành kiểm lâm, bao gồm cả tham gia lực lượng canh giữ rừng và bảo vệ hồ, hay ông Minh là 30 năm, người trẻ nhất trên tàu là Sơn, quê ở Thanh Hóa và Ðỗ Văn Thảo, người quê Hà Nam nhưng lập nghiệp tại Ðác Lắc với khoảng hai năm công tác. Giữa tất cả đều có sự khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm, tính cách nhưng một điểm chung có thể thấy ở họ là tình cảm sâu sắc dành cho công việc đang gắn bó, dù mức thu nhập thật sự ít ỏi.

Vội vã trở về Biên Hòa khi đằng xa báo hiệu cơn dông sắp đến, chúng tôi chợt nhớ những câu thơ trong bài “Ðồng Nai nguồn cội” của tác giả Ðặng Hoàng Vũ rằng: Ðồng Nai còn lắm những nơi/Ði nhiều mới biết cuộc đời bao la, để thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên và chúng tôi thật bình thường bên những cán bộ kiểm lâm chấp nhận rời xa nơi ồn ào phố thị để ngày đêm giữ bình yên trên sông nước.