Nhiều địa phương công bố tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

Ngày 19-9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện tỉnh có hơn 25 km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2 km bờ sông bị sạt lở.

Trước đó, thiên tai từ ngày 2 đến 12-8 gây thiệt hại cho tỉnh hơn 51,4 tỷ đồng. Cà Mau đã kiến nghị T.Ư hỗ trợ cho tỉnh hơn 40 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, sửa chữa các tuyến kè.

* Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số nơi trên địa bàn. Theo đó, tỉnh có bốn khu vực bờ sông, bờ biển dài gần 7.000 m bị sạt lở cần xử lý khẩn cấp. Hiện, toàn tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138 km...

* Tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra hơn 30 vụ sạt lở đất bờ sông gây thiệt hại cho người dân địa phương hàng trăm triệu đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở nguy hiểm; lựa chọn đơn vị tư vấn, lập phương án xử lý cấp bách; vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn.

* Tại tỉnh An Giang tiếp tục xảy ra sạt lở tại rạch Cái Sắn, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên với chiều dài hơn 40 m; sạt lở bờ sông Ông Chưởng ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới với chiều dài hơn 10 m đe dọa nhiều hộ dân do nhà chỉ cách nơi sạt lở hơn 6 m. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo; đồng thời, mở đường tạm để các hộ lưu thông qua khu vực sạt lở...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khoảng ngày 22-9 sẽ xuất hiện một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta. Tuy nhiên, đây là đợt không khí lạnh đầu mùa, mức độ ảnh hưởng yếu, tác động không rõ rệt. Đợt không khí lạnh mạnh hơn sẽ có khả năng xảy ra trong tháng 10, 11- 2019. Một số nơi ở vùng núi phía bắc và đồng bằng Bắc Bộ trong buổi sáng từ ngày 23-9, nhiệt độ sẽ giảm nhẹ khoảng 1 đến 30C so với các ngày trước đó, nên các tỉnh ở vùng núi phía bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) nhiệt độ có thể xuống ở mức từ 18 đến 210C, vùng đồng bằng ở mức nhiệt khoảng 21 đến 230C.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Thái Nguyên, ngày 18-9, tại huyện Phú Lương xảy ra dông lốc, mưa lớn làm hư hỏng 13 ngôi nhà, thiệt hại 3 ha lúa, 1 ha hoa màu và 3 ha cây lâm nghiệp. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại và huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

* Hiện 120 ha ngô tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, TP Kon Tum (Kon Tum), đang bị sâu keo mùa thu gây hại. Theo ngành chức năng địa phương có khoảng 60% diện tích không cho thu hoạch. Sau hơn một tháng phát hiện, đến nay người dân chưa nhận được hỗ trợ về thuốc, phân bón để chống sâu bệnh, nguyên nhân là do địa phương chưa công bố dịch.

* Đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 30.373 hộ chăn nuôi (chiếm 37,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) của TP Hà Nội. Thành phố đã tiêu hủy 518.022 con lợn (chiếm 27,6% tổng đàn), trọng lượng 35.483 tấn. Ngành chức năng tiếp tục cấp hóa chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật... nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

* Hiện DTLCP đã xảy ra tại 11 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh. Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 8.253 con, trọng lượng 442 tấn. Ngành chăn nuôi đã khuyến cáo bà con không tái đàn, không nhập lợn nơi khác về giết mổ; đồng thời, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh kịp thời...

* Sau hơn sáu tháng xuất hiện tại tỉnh Điện Biên, DTLCP đã phát sinh tại gần 5.000 hộ chăn nuôi, gần 20 nghìn con lợn phải tiêu hủy. DTLCP diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan diện rộng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn khi còn dịch, đồng thời triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch.

* Ngày 20-9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả kiểm nghiệm mẫu lợn bị bệnh tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau dương tính với DTLCP. Ngày 12-9, khoảng hơn chục con lợn nái của trung tâm có biểu hiện nhiễm bệnh. Hiện, số lợn này đã được tiêu hủy.