Nhiều cây trồng ở Nhị Hà "chết khát"

NDO -

NDĐT - Xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có 525 ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất vì khô hạn. Từ đầu năm 2020 đến nay, nắng hạn kéo dài khiến hơn 70 ha cây trồng lâu năm như bưởi, mãng cầu, dừa, xoài… của bà con chết khô, nông dân gần như mất trắng.

Đã nhiều tháng qua, anh Bùi Anh Thọ chua xót nhìn hàng trăm cây bưởi, mãng cầu chết khô vì thiếu nước tưới.
Đã nhiều tháng qua, anh Bùi Anh Thọ chua xót nhìn hàng trăm cây bưởi, mãng cầu chết khô vì thiếu nước tưới.

Ngày 25-3, phóng viên Nhân Dân điện tử đến xã Nhị Hà, xen lẫn những vùng đất sản xuất bỏ hoang, đất nứt nẻ, khô khốc, cây cỏ xác xơ… là nhiều vườn trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như: bưởi, mãng cầu, dừa, xoài,… của bà con chưa kịp thu hoạch đã chết khô vì thiếu nước tưới.

Thăm một ha vườn trồng bưởi, xoài, mãng cầu, dừa… hơn ba năm tuổi của hộ Bùi Anh Thọ ở thôn ba. Anh Thọ chua xót, nói: “Đầu tư gần 200 triệu đồng, tốn công chăm sóc dài dằng dặc, năm trước, thu hoạch cây mãng cầu được hai vụ/năm, bán được 15 triệu đồng. Năm nay, cả vườn chết khô, mất cả chài lẫn chì”.

Hiện tại, anh Thọ đang cố gắng cứu một sào (1.000m2) đang trồng ớt hơn 60 ngày đang cho quả bằng cách chở nước từ nhà lên tận rẫy để tưới, mong có mưa để vớt vát chút đỉnh, nhưng hy vọng không nhiều.

Nhiều nông dân nơi đây cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, bà con thấy vườn bưởi, vườn xoài… ngày càng chết khô, để cứu cánh, nhiều người đã tìm đến các vựa thu gom ve chai, tìm mua hàng nghìn vỏ chai nước khoáng làm bằng nhựa loại hơn 1,5 lít về độ chế thành những bình nước tưới tiết kiệm, bình quân mỗi ngày, mỗi hộ chở hơn 200-300 lít nước (tùy theo diện tích vườn trồng cây ăn quả) từ nhà lên tận rẫy rồi cho nước vào các vỏ chai nhự tự chế để tưới tiết kiệm từng gốc cây trồng, tuy nhiên cũng đành xót xa nhìn cây trồng chết dần. Nhiều hộ trồng dừa, đành bỏ hoang cả vườn.

Gần đó, hộ anh Trần Văn Thưởng trồng hơn bốn ha các loại cây lâu năm, như: bơ, ổi, mãng cầu, mít, tuy nhiên, hơn 90% vườn trồng đã chết khô.

Phó Chủ tịch xã, Lê Quyết Thắng, cho biết, đã gần một năm, trên địa bàn xã không có mưa, các hồ, ao chứa nước nằm trong kế hoạch chống hạn đã cạn kiệt, khiến cây trồng của bà con chết rất nhiều. Tất cả những nỗ lực của người dân coi như “đem muối bỏ biển”. Xã chỉ còn cách báo cáo lên huyện, tỉnh để có giải pháp giúp đỡ bà con. Nếu nắng hạn kéo dài, thì coi như diện tích trồng cây lâu năm toàn xã sẽ thiệt hại hoàn toàn. Tại thời điểm này, xã đang phối hợp với Trạm Thủy nông huyện điều tiết nước sinh hoạt phục vụ người dân hai lần/tháng. Riêng nước uống cho gia súc và cây trồng lâu năm, chỉ còn cách đợi mưa.

Phó Chủ tịch xã cho biết thêm, mấy tháng nay, ngoài việc vận động bà con khẩn trưởng nạo vét các ao, hồ, đã cử cán bộ phối hợp với người dân đi khảo sát, tìm những vùng nào có khả năng khoan giếng nước ngầm để kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí đào giếng, khoan giếng, giúp bà con có nước tưới, để giảm thiểu thiệt hại.

Hiện tại, hàng chục ha trồng cây keo lá tràm, cây bưởi, mãng cầu... hơn 36 tháng tuổi của bà con đã chết khát, quả bưởi rụng đầy dưới gốc cây, nông dân nơi đây đang rơi vào tình cảnh bị mất trắng.