Nhân rộng mô hình tự quản an ninh trật tự ở cơ sở

Hoạt động theo cơ chế tự quản, không chế độ hỗ trợ, nhưng nhờ sự nhiệt tình của mỗi thành viên tham gia, cho nên các mô hình phòng, chống tội phạm từ cơ sở của tỉnh Điện Biên đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, ngăn chặn hiệu quả tội phạm và tệ nạn từ các khu dân cư.

Thành viên Ban bảo vệ dân phố phường Nam Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tuyên truyền công tác an ninh - trật tự.
Thành viên Ban bảo vệ dân phố phường Nam Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tuyên truyền công tác an ninh - trật tự.

Đánh giá hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm từ cơ sở của tỉnh Điện Biên, Đại tá Nguyễn Quý Khiêm, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Công an tỉnh Điện Biên), cho biết: Trải khắp các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao, biên giới, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 4.038 tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ theo các mô hình: cụm liên kết an ninh trật tự (ANTT); tổ tự quản; dòng họ bình yên; câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và mô hình ký túc xá an toàn về ANTT. Hoạt động của các mô hình này đã hỗ trợ đắc lực công an trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; triển khai các giải pháp ngăn chặn di cư tự do; tham gia giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện xảy ra vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình trong các mô hình này phải kể đến hoạt động của ban “Bảo vệ dân phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng loa di động” của phường Nam Thanh; mô hình “Dòng họ bình yên” ở huyện Tủa Chùa; tổ tự quản về ANTT ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên...

Theo sự giới thiệu của Đại tá Nguyễn Quý Khiêm, chúng tôi về phường Nam Thanh để tìm hiểu thực tế hoạt động của ban “Bảo vệ dân phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng loa di động”, đúng lúc ông Nguyễn Xuân Long, Trưởng ban chuẩn bị đi tuyên truyền. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Long vui vẻ cho biết: Thành lập từ tháng 1-2017, từ đó đến nay dù nắng hay mưa thì mỗi tháng bốn lần chúng tôi đi tuyên truyền trên tất cả các tuyến phố, ngõ xóm trên địa bàn phường Nam Thanh về các nội dung đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội; phương thức hoạt động của tội phạm. Gần đây loại tội phạm lừa đảo qua mạng có chiều hướng gia tăng thì chúng tôi tìm hiểu về phương thức, thủ đoạn của tội phạm đó và soạn thành nội dung ngắn gọn đi tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác. Người dân cũng chủ động cung cấp thông tin nghi vấn về hoạt động của một số đối tượng trên địa bàn để Ban bảo vệ dân phố tổng hợp, chuyển Công an phường tiếp tục theo dõi, đấu tranh. Nhờ đó, nhiều điểm phức tạp về trật tự xã hội trên địa bàn như: ngã ba bản Pom Loi, ngã ba bản Khá và khu vực tổ dân phố 6 đã ổn định, không còn tình trạng tụ tập, mua bán lẻ chất ma túy tại những khu vực này như trước nữa.

Cũng là mô hình tự quản về ANTT hiệu quả ở Điện Biên, thời gian qua mô hình Tổ tự quản của bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) với sự tham gia của 20 thành viên đã góp phần quan trọng bảo đảm ANTT địa bàn, đưa bản Na Sang 2 ra khỏi danh sách địa bàn là điểm nóng về tình trạng trộm cắp, nhiều đối tượng nghiện các chất ma túy. Anh Lò Văn Biển, Tổ trưởng

Tổ an ninh tự quản bản Na Sang 2 cho biết: Trước thực trạng tội phạm trộm cắp vặt phức tạp trên địa bàn, năm 2012, bản Na Sang 2 đã thành lập tổ an ninh tự quản có sự tham gia của đồng chí trưởng bản, bí thư chi bộ và an ninh bản. Thường xuyên nắm bắt hoạt động của các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn, thành viên tổ an ninh tự quản bản Na Sang 2 còn đến từng gia đình có người nghiện ma túy vận động hướng dẫn các gia đình cách quản lý, giáo dục con em, người thân không tham gia mua bán ma túy, không trộm tài sản. Vào mùa thu hoạch nông sản tổ an ninh tự quản phân công các thành viên tăng cường tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm để bảo đảm an toàn nông sản cho bà con. Với cách làm đó của tổ tự quản, tình hình ANTT bản Na Sang 2 chuyển biến rõ rệt, tình trạng trộm cắp vặt trên địa bàn không phức tạp như trước, người nghiện ma túy giảm nhiều qua các năm. Từ hiệu quả của mô hình tổ tự quản bản Na Sang 2, Công an xã Na Sang đã tuyên truyền, động viên các bản trong xã, các tổ chức hội, đoàn thể thành lập các tổ tự quản của bản, đoàn thể. Đến nay toàn xã Na Sang đã thành lập được 12 tổ an ninh tự quản, 12 tổ hòa giải, 12 tổ dân phòng phòng, cháy chữa cháy, một câu lạc bộ phòng, chống tội phạm. Hoạt động của các tổ tự quản ở Na Sang góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại thiên tai.

Tùy theo tập quán dân tộc và điều kiện địa bàn, mỗi địa phương thành lập, duy trì tổ tự quản theo mô hình khác nhau, song đều trên tinh thần tự nguyện, chung mục đích giữ gìn ANTT tại cơ sở. Ví như huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé có mô hình tự quản được thành lập theo nhóm dòng họ chú trọng các hoạt động tuyên truyền, ngăn chặn tôn giáo trái pháp luật, vận động con cháu không di cư tự do, không xuất cảnh trái phép; các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, TP Điện Biên Phủ... hoạt động theo mô hình tổ tự quản đã giáo dục cảm hóa 91 đối tượng vi phạm pháp luật, vận động hai đối tượng tự thú; ở huyện Điện Biên Đông mô hình tự quản hoạt động theo cụm liên kết đã tích cực vận động triệt phá hơn 30 ha cây thuốc phiện...

Ghi nhận hoạt động hiệu quả các mô hình tự quản ANTT ở cơ sở, các năm 2017 và 2018, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tỉnh Điện Biên đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng mới ba mô hình tự quản, gồm: “Vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTQ theo hướng tự quản, tự phòng” tại xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ); mô hình “gia đình năm không, ba sạch”, “Câu lạc bộ liên thế hệ” tại phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ). Bước đầu, các mô hình này đều hoạt động hiệu quả, nền nếp, thúc đẩy phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” của tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút “đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm từ cơ sở.