Nguy cơ mất an toàn hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía bắc

Hiện nay, trên địa bàn cả nước đang vận hành gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, với sức chứa gần 14 tỷ m3 nước. Riêng các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc có khoảng 1.750 hồ chứa vừa và nhỏ, hơn 40 nghìn đập dâng...

Đập Đẩm Thìn, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có dung tích 600 nghìn m3 bị vỡ tháng 5-2020 gây thiệt hại hoa màu của nhân dân.
Đập Đẩm Thìn, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có dung tích 600 nghìn m3 bị vỡ tháng 5-2020 gây thiệt hại hoa màu của nhân dân.

 Tuy nhiên, các công trình này hầu hết được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ.

Hiểm họa từ những "bom nước"

Là tỉnh miền núi, đầu nguồn của chi lưu sông Hồng, sông Chảy, sông Ðà, thuận lợi cho việc tích nước làm hồ thủy lợi và làm thủy điện vừa và nhỏ, Yên Bái có 186 công trình hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, nhiều hồ lớn như: Từ Hiếu, Roong Ðen, Ðầm Hậu, Chóp Dù… có diện tích mặt nước lớn, bảo đảm tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất lúa hai vụ.

Các hồ chứa thủy lợi sau chuyển đổi mô hình quản lý, đến nay được giao cho ba công ty TNHH một thành viên quản lý vận hành theo Luật Thủy lợi. Trao đổi với chúng tôi, Chi cục Trưởng Thủy lợi tỉnh Yên Bái Phạm Quốc Hưng cho biết, những năm qua, việc duy tu bảo dưỡng các hồ chứa chưa được chú trọng trong bối cảnh lượng mưa lớn tập trung vào một vùng, dẫn đến tình trạng một số thân đập hồ đắp bằng đất bị vỡ, gây thiệt hại về tài sản. Ðặc biệt, hồ Thái Lão, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ có diện tích mặt nước hơn 2,6 ha, đã bị vỡ đến hai lần. Năm 2020, tỉnh Yên Bái quyết định đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây mới hồ thủy lợi Thái Lão, bảo đảm an toàn cho khu dân cư phía sau hồ mỗi khi mùa mưa bão đến.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện có 230 hồ chứa, 135 đập dâng, trong đó, có 93 hồ, đập hư hỏng đang có nguy cơ gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ sắp tới. Trong số đó phải kể đến các hồ đang có nguy cơ gây mất an toàn là hồ Tải Giang, Ðá Mài, Khoang Tải (huyện Thanh Sơn); Suối Rồng, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy); Trầm Sắt (huyện Thanh Ba); Suối Ðẫu (Ðoan Hùng), hồ Dộc Giang, hồ Kén (huyện Yên Lập), hồ Ðá Trắng, hồ Ðát Ðội, hồ Khán Thanh (huyện Cẩm Khê)... Các hồ, đập này có dung tích từ hơn 425 nghìn m3 đến 1,6 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 300 ha/năm đến 1.200 ha/năm đất nông nghiệp. Hiện các hồ nêu trên có hiện tượng mái đập đất hạ lưu đang bị sụt lún tạo thành hố sâu; khớp nối cống lấy nước dưới đập bị hở, không đóng được van hạ lưu để tích nước; có hồ bị sụt lún thành hố sâu từ 1,2 đến 3 m2...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chi cục Trưởng Thủy lợi tỉnh Phú Thọ Lâm Việt Tuấn cho biết, hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn đều được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế. Ðến nay phần lớn các hồ, đập đã bị xuống cấp. Hằng năm, ngành nông nghiệp có rà soát để đầu tư nâng cấp, tuy nhiên nguồn kinh phí còn hạn hẹp dẫn đến việc tu sửa gặp nhiều khó khăn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là, nhiều công trình giao cho các hợp tác xã làm dịch vụ thủy lợi tại các địa phương cho nên năng lực quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được quy định về năng lực tối thiểu đối với các tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa. Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi vẫn xảy ra ở một số nơi như trồng cây cối, lấn chiếm hành lang công trình dẫn đến các sự cố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ, đập khó phát hiện; tình trạng xả rác thải xuống công trình gây ách tắc dòng chảy vẫn xảy ra... Cùng với đó, do thiếu kinh phí cho nên các công trình chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, chắp vá. Ðặc biệt hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình hồ chứa nào được lắp đặt các thiết bị quan trắc và đo đạc các số liệu khí tượng, thủy văn. Việc quan trắc mực nước hồ chứa hằng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường. Ðiều này dẫn đến việc kiểm soát cũng như theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận, trước mùa mưa bão năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng toàn bộ các hồ đập trên địa bàn. Qua đánh giá, có 212 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 332 hồ hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 38,9% tổng số hồ chứa toàn tỉnh. Các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không bảo đảm khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước... Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh trong thời gian tới cần phải có kế hoạch để sửa chữa 107 công trình hồ, đập với tổng kinh phí dự kiến là 606,8 tỷ đồng...

Cần giải pháp cấp bách

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy dẫn tới động đất ở một số vùng. Vì vậy, vấn đề an toàn hồ đập trở nên vô cùng cấp bách, cần được đặc biệt quan tâm, có giải pháp hiệu quả ngay trước mùa mưa lũ.

Bảo đảm an toàn các hồ chứa, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các xã có hồ chứa trên địa bàn quản lý, phối hợp các chủ hồ để chỉ đạo điều hành và quyết định khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Với các hồ chứa lớn như Ðầm Hậu, Từ Hiếu, các đơn vị lập phương án phòng, chống lũ lụt hạ du riêng, với các hồ nhỏ hơn thì các đơn vị lập phương án nằm trong phương án chung phòng, chống thiên tai được cấp trên phê duyệt. Theo kế hoạch giai đoạn 2019- 2030, nhằm bảo đảm an toàn cho 133 hồ có nguy cơ cao, Yên Bái đã lập kế hoạch chi hơn 22 tỷ đồng phục vụ nâng cao năng lực an toàn hồ, đập chứa nước an toàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đề xuất, để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm nghiên cứu, rà soát, ban hành các văn bản về đầu tư, xây dựng, vận hành các hồ chứa, bởi nhiều văn bản đã ban hành quá lâu, không còn phù hợp thực tế hiện tại, không phù hợp sự phát triển, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, hiện lượng mưa tập trung lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, một số công trình hồ đập được xây dựng có tuổi hơn 40 năm, nằm ở vị trí gần khu dân cư, nguy cơ mất an toàn cao, rất cần nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vững chắc, kiên cố, nhằm tránh các quả "bom nước" từ các vụ vỡ đập.

Xử lý cấp bách các sự cố hồ chứa trước mùa mưa bão đang được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Phú Thọ, năm vừa qua, tỉnh đã phê duyệt xử lý khẩn cấp sự cố vỡ đập Ðầm Thìn tại xã Cấp Dẫn (huyện Cẩm Khê). Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã tiến hành xử lý khắc phục sạt lở kè Xuân Huy đê tả Thao; khắc phục sạt lở kè Bản Nguyên đoạn Km84+250 - Km84+500 đê tả Thao (huyện Lâm Thao); xử lý 12 cống dưới đê, 900m kè, 500m mặt đê; khắc phục sự cố tràn đê tả sông Thao đoạn từ Km11,0 - Km15,0 (huyện Hạ Hòa); đắp mái đê bị sạt lở của đê tả, hữu sông Bứa (huyện Tam Nông và Cẩm Khê); nâng cấp hệ thống tiêu ngòi Hiêng (huyện Hạ Hòa), trạm bơm tiêu Ðoan Hạ (huyện Thanh Thủy). Trong năm 2021, từ các nguồn vốn, tỉnh đã bố trí để tu sửa và chuẩn bị tu sửa 31 trong số 93 hồ chứa hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Ðối với các công trình chưa kịp sửa chữa, tỉnh bố trí cán bộ có năng lực để chỉ huy, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, bảo đảm ứng cứu kịp thời; xây dựng phương án điều tiết nước hồ chứa hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình thực tế để bảo đảm an toàn cho công trình, dân cư vùng hạ du. Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thực hiện theo đúng quy trình đã được duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân chủ động phương án phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngoài những khu vực trọng điểm mất an toàn, các địa phương tiếp tục rà soát điểm xung yếu khác, từ đó chủ động phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra.

Ðể nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Ðinh Công Sứ cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đối với công trình đang thi công; lập phương án ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa đang hoạt động. Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa bão 2021, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý công trình. Ðối với các hồ đập đang thi công cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục chính bảo đảm cao trình chống lũ, đồng thời không thực hiện tích nước hồ và cắt xẻ đập. Trường hợp thi công trong mùa mưa, các đơn vị phải có biện pháp thi công phù hợp, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập, tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép. Những công trình hồ chứa đang thi công còn thiếu vốn, đề nghị UBND các huyện, thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để hoàn thành công trình.

Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Trần Quốc Bình cho biết, để ứng phó thiên tai phục vụ sản xuất, cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể. Trên cơ sở đó xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa. Ðồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá năng lực tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

NGỌC SƠN và LONG HẢO