Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở miền trung và khu vực Tây Nguyên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 27-11, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng yếu đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.

Mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Ngày 28-11, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 27-11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biển ở mức 16 - 19oC, vùng núi phổ biến 13 - 16oC, vùng núi cao dưới 10oC.

* Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp nhiễu động gió đông, từ ngày 28-11 đến 1-12, các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị khả năng ở mức BÐ1 và trên BÐ1; các sông ở Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên ở mức BÐ1-BÐ2, có sông trên BÐ2; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên có khả năng lên mức BÐ2 - BÐ3, các sông nhỏ có khả năng lên trên mức BÐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

* Bộ NN và PTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật nhanh chóng lập hồ sơ, trình Bộ ra quyết định công nhận hai loại giống sắn mới HN3 và HN5 kháng được bệnh khảm lá đã trồng thử nghiệm có kết quả tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; đồng thời, ban hành quy trình chăm sóc, nâng cao năng suất và chữ bột của hai loại giống này để các tỉnh, thành phố nhân rộng, sản xuất đạt hiệu quả cao. Cùng đó, quy trình chuẩn về quản lý giống tiếp tục được cập nhật; kiên quyết loại bỏ giống đã nhiễm bệnh nặng như HLS11 để tránh lây lan; khuyến cáo nông dân trồng luân canh với các loại cây trồng khác và cách ly nguồn bệnh.

* Nhằm góp phần xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thực hiện dự án "Ứng dụng Khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc", nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Mục tiêu chính là nhân giống, trồng trọt, thu hoạch hà thủ ô đỏ theo tiêu chuẩn GACP-WHO, bảo quản, sơ chế, sản xuất cao và một số sản phẩm từ hà thủ ô đỏ của huyện Bảo Lạc.

* UBND tỉnh Hà Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ xuân năm 2020, triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2021. Theo đó, vụ xuân năm 2021, tỉnh có kế hoạch gieo trồng hơn 34.300 ha; trong đó, diện tích gieo cấy lúa hơn 29.400 ha, diện tích cây màu, cây khác hơn 4.600 ha, diện tích tích tụ sản xuất nông sản sạch liên kết với doanh nghiệp hơn 870 ha. Mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa. Ðồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp bằng các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon phù hợp chân đất. Giá trị sản xuất vụ xuân năm 2021 phấn đấu đạt 1.424 tỷ đồng.

* Tại hội nghị triển khai "Ðề án sản xuất trồng trọt vụ xuân 2021", Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An đã đưa ra biện pháp chỉ đạo sản xuất là tập trung gieo cấy các giống lúa thuần VT-NA6, TBR 225, Thiên ưu 8, ADI 168, Nếp 97... và lúa lai Thái xuyên 111, VT 404, Phú ưu 978, Kinh sở ưu 1588... Mỗi một địa phương chỉ nên chọn một đến hai giống, tối đa không quá bốn đến năm giống để gieo cấy. Tuyệt đối không gieo cấy trước lịch thời vụ quy định do Sở đề ra đã được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

* Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, với các ưu điểm vượt trội của giống nho mới NH01-152 về chất lượng, chống chịu bệnh và thời tiết nóng hạn đã mở ra triển vọng cho người sản xuất. Trung tâm đã xây dựng mô hình "Thâm canh giống nho mới theo hướng GAP và liên kết chuỗi" để chuyển giao kỹ thuật cho bà con huyện Tuy Phong. Ðây là giống nho do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu và chọn tạo, được Bộ NN và PTNT cho phép sản xuất thử tại tỉnh Ninh Thuận và phía bắc tỉnh Bình Thuận.

* Tại thành phố Cần Thơ, tổng diện tích trồng cây ăn trái của thành phố hơn 18.500 ha, tăng hơn 556 ha so cùng kỳ năm trước. Hiện hầu hết các chủng loại cây ăn trái ngon của miền nam đều được trồng tại địa phương, như vú sữa, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, cam, bưởi, chuối, thanh long, mít... Ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng tốt cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

* Chiều 26-11, đoàn công tác tổ chức Plan International Việt Nam (PIV) làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua. Tại buổi làm việc, đại diện PIV thông báo thực hiện hỗ trợ và tái thiết sau lũ lụt tại địa phương với tổng kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng (bao gồm cả gói 1,65 tỷ đồng thực hiện trong tháng 10-2020). Ngoài ra, PIV đang huy động các nguồn tài trợ để tăng kinh phí thực hiện việc hỗ trợ, tái thiết sau lũ tại Quảng Bình lên khoảng 2,5 tỷ đồng.

* Nhằm chủ động ứng phó diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, giao ngành nông nghiệp khẩn trương triển khai xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du của đập ngăn nước do địa phương, đơn vị mình quản lý, hoàn thành trong năm 2021; Lập đề cương, dự toán chi tiết xây dựng bản đồ ngập lụt lưu vực sông Dinh (Ninh Hòa) và bản đồ ngập lụt vùng hạ du của bốn hồ chứa nước: Cam Ranh, Suối Hành, Ðá Ðen, Am Chúa.

PV và CTV