Người sử dụng lao động buộc phải ký hợp đồng với người lao động

NDO -

NDĐT - Ngày 20-11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, gồm 17 Chương, 220 Điều, trong đó có nhiều điểm mới đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm.

Sự thay đổi của Bộ luật này đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo người lao động và cộng đồng doanh nghiệp vì có ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ lao động, đến sự xuất hiện của nhiều tổ chức đại diện tập thể lao động trong tương lai và đặc biệt tác động nhiều mặt tới quan hệ lao động-tiền lương-bảo hiểm xã hội, vốn dĩ đã rất phức tạp tại các doanh nghiệp. Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sẽ chỉ còn hai loại hợp đồng lao động là xác định thời hạn và không xác định thời hạn, loại hình hợp đồng theo mùa vụ sẽ không còn được sử dụng từ 1-1-2021. Mặc dù còn hơn một năm nữa Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới có hiệu lực, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan tâm về vấn đề này.

Nhằm giải đáp những băn khoăn của người lao động và chủ sử dụng lao động liên quan đến những điểm mới của bộ luật này, cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm tư vấn pháp luật (Trường đại học Luật Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm “Những tác động của Bộ luật Lao động sửa đổi đến doanh nghiệp và giải pháp”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, chính sách, các diễn giả cùng sự có mặt của gần 400 doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương.

Tại buổi tọa đàm có các diễn giả: TS Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Trường đại học Luật Hà Nội; PGS-TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Trường đại học Ngoại thương), ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc Nhân sự Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn Piaggio), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý lao động và tiền lương, dưới góc nhìn của người tham gia tư vấn xây dựng luật, đồng thời với kinh nghiệm của người đã từng xử lý hơn 1.000 vụ việc của hơn 200 khách hàng như Honda Việt Nam, Agribank, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Điện lực,... TS Đỗ Ngân Bình cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có 68 điểm mới, trong đó có 19 điểm có tác động mạnh và rất mạnh đến doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về hợp đồng lao động.

Theo quy định hiện nay, tùy vào nhu cầu và lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động thì hai bên có thể lựa chọn thực hiện một trong ba loại hợp đồng, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 12 tháng đến 36 tháng) và hợp đồng lao động mùa vụ (dưới 12 tháng). Tuy nhiên, tại Điều 20 Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn hai loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Người sử dụng lao động buộc phải ký hợp đồng với người lao động ảnh 1

Tọa đàm “Những tác động của Bộ luật Lao động sửa đổi đến doanh nghiệp và giải pháp”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, chính sách, các diễn giả cùng sự có mặt của gần 400 doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương.

TS Đỗ Ngân Bình phân tích thêm, tại Điều 13 của Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định về hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Với quy định này, TS Ngân Bình khẳng định, khi nhận người lao động vào làm việc thì chủ sử dụng lao động bắt buộc phải ký hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đánh giá về điều khoản mới này, PGS, TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, đây sẽ là thách thức rất lớn của doanh nghiệp, bởi chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Diễn giả Nguyễn Hoài Nam cũng đồng quan điểm với PGS, TS Nguyễn Văn Minh khi cho rằng, đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở bởi với đặc thù nghề nghiệp mang tính mùa vụ, người lao động thay đổi liên tục, mà với mỗi người lại phải ký một hợp đồng lao động là việc hết sức khó khăn đối với công tác quản lý nhân sự của doanh nghiệp.

Trong khi đó diễn giả Phạm Hồng Quân lại cho rằng, quy định này rất nhân văn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động, đồng thời cũng xóa đi cách xử lý thông minh, hay còn được gọi là "lách luật" của chủ sử dụng lao động để không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có nhiều điểm mới khác nhằm tối đa hóa việc bảo vệ quyền lợi của người lao động như việc không được gia hạn hợp đồng lao động, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, một số trường hợp không cần báo trước.

Đặc biệt, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình tại cơ sở. TS Đỗ Ngân Bình khẳng định, đây là vấn đề mới ở Việt Nam. Trong một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động dẫn đến khả năng có thể xảy ra tranh chấp giữa các tổ chức này.