Ngăn chặn tệ nạn ma túy trên địa bàn Tây Nguyên

Gia Lai và Kon Tum là hai tỉnh thuộc bắc Tây Nguyên; địa bàn có hai cửa khẩu quốc tế là: Bờ Y (Kon Tum), giáp Lào; Lệ Thanh (Gia Lai) giáp Cam-pu-chia. Bên cạnh thuận lợi trong giao thương, buôn bán giữa người dân hai nước, thì cửa khẩu còn là nơi bọn buôn lậu lợi dụng để đưa ma túy vào trong nước tiêu thụ. Do vậy, cuộc chiến chống “cái chết trắng” trên địa bàn luôn căng thẳng, phức tạp…

Ngày 6-8-2019, hàng trăm cảnh sát thuộc Bộ Công an bất ngờ ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Sau quá trình khám xét, lực lượng công an đã bắt bảy đối tượng có quốc tịch Trung Quốc, thu giữ hàng trăm lít dung dịch; 13 tấn hóa chất, tiền chất ma túy và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị chuyên dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Đây là vụ án liên quan đến ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Tây Nguyên.

Để phá thành công chuyên án này, ngoài dành nhiều thời gian theo dõi, điều nghiên, Bộ Công an Việt Nam chủ động phối hợp Bộ Công an Trung Quốc cùng công an các tỉnh, thành phố: Kon Tum, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Đoàn 3, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Vụ Kiểm sát điều tra án ma túy (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Kho xưởng sản xuất ma túy nêu trên được phát hiện nằm trong khuôn viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên, do ông Trần Ngọc An, 48 tuổi, trú xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (Bình Thuận) đứng tên đại diện pháp luật, với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng, buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu. Tuy nhiên, khi vào cuộc điều tra phá án, các cơ quan chức năng phát hiện, việc đăng ký buôn bán nêu trên chỉ là trá hình. Xưởng do ông An làm chủ, cho một số người Trung Quốc thuê lại để tập kết vật chất tiền ma túy, máy móc hóa nghiệm, dụng cụ tinh chiết phục vụ sản xuất ma túy.

Ở cửa khẩu Bờ Y, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cùng các lực lượng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng người Lào vận chuyển trái phép ma túy đá vào Việt Nam. Thượng tá Hoàng Minh Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Kon Tum), cho biết: Với địa thế đường Hồ Chí Minh đi ngang qua, ma túy từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về, các đối tượng rất thuận tiện để vận chuyển về TP Đà Nẵng, ra các tỉnh phía bắc, hoặc hướng khác là qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông vào các tỉnh miền Đông và TP Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Gia Lai), hiện nay, tình trạng người sử dụng nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, trong số này, số người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 52% tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chức năng cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy vẫn đang gặp nhiều khó khăn, khi phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và thường xuyên thay đổi. Nhiều vụ phạm pháp hình sự đã xảy ra có nguyên nhân từ việc đối tượng phạm tội đã sử dụng ma túy.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy. Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Gia Lai), trong năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 102 vụ, với hơn 1.300 đối tượng liên quan đến ma túy. Trong số này, Cơ quan Điều tra đã khởi tố 62 vụ, với 64 bị can; xử lý hành chính 31 vụ, với 261 trường hợp. Tuy nhiên, tội phạm ma túy vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Hiện, toàn tỉnh có 817 người nghiện ma túy sống ở 130 trong số 222 xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, tình trạng các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của các cơ sở kinh doanh lưu trú, ka-ra-ô-kê, quán ba để sử dụng trái phép ma túy gia tăng. Ngành chức năng đã phát hiện xử lý hơn 35 vụ với 247 đối tượng tham gia. Điển hình lúc 0 giờ 30 phút ngày 24-12-2019, Công an TP Pleiku đã bất ngờ kiểm tra hành chính quán ba S.E.F Lounge & Chill, tại địa chỉ số 08, đường Hoàng Văn Thụ, phường Ia Kring, TP Pleiku. Lúc này, tại quán ba có 188 khách đang chơi. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện có 118 đối tượng nam, nữ dương tính với chất ma túy. Điều đáng nói là, đây là lần thứ ba trong năm 2019 cơ sở này bị các cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm như nêu trên. Không chỉ ở TP Pleiku, thời gian qua, tình trạng thanh niên tụ tập sử dụng ma túy trong quán ka-ra-ô-kê cũng đã lan xuống cả những huyện vùng sâu, vùng xa và không hiếm các đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số như ở Đăk Đoa, Phú Thiện, Krông Pa…

Nhìn vào những vụ mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy bị lực lượng công an phát hiện, xử lý thời gian qua, không ai không cảm thấy lo ngại, nhất là khi phần lớn những trường hợp sử dụng ma túy lại đang ở độ tuổi thanh niên và trong đó có không ít đối tượng là nữ. Vậy đâu là nguyên nhân gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy; những cuộc “bay lắc” tập thể trong quán ka-ra-ô-kê vẫn diễn ra ở nhiều nơi?

Đề cập vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) khẳng định: Trước hết, bắt nguồn từ lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên trong xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chắc chắn những thanh niên này đều biết rõ tác hại của ma túy đối với sức khỏe người sử dụng. Họ cũng biết rõ sử dụng ma túy là hành vi vi phạm pháp luật. Biết nhưng vẫn cố tình hoặc bị lôi kéo sử dụng thì không có lý do nào để giải thích ngoài sự buông thả, ăn chơi thác loạn của bản thân của những thanh niên này. Cùng đó là sự tiếp tay của những kẻ buôn bán ma túy và cả chủ một số quán ba, ka-ra-ô-kê, vì lợi nhuận mà buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật. Một nguyên nhân gián tiếp khiến tình trạng “bay lắc” trong quán ka-ra-ô-kê diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng đó là sự lơi lỏng trong công tác quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở và ngành chức năng. Những quán ka-ra-ô-kê, quán ba cho khách sử dụng ma túy, hoạt động quá giờ quy định, rõ ràng không phải là không thể phát hiện. Thế nhưng, khi phát hiện vi phạm, việc xử lý còn thiếu kiên quyết, không tước giấy phép kinh doanh (cho nên mới có việc quán ba S.E.F Lounge & Chill vi phạm đến ba lần mà vẫn… vi phạm!). Điều này phần nào làm giảm sức răn đe đối với những cơ sở kinh doanh các hoạt động nhạy cảm như: vũ trường, ba, ka-ra-ô-kê vi phạm.

Thực trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trên địa bàn Tây Nguyên đang diễn biến hết sức phức tạp, gây nhức nhối dư luận xã hội. Thiết nghĩ, ngoài việc các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các hoạt động theo dõi, kiểm tra, điều tra tích cực phá án; kiên quyết đưa ra xét xử vụ án và bị can; đồng thời rất cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thanh niên, thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung về tác hại của ma túy nhằm ngăn chặn tiến đến đẩy lùi “cái chết trắng” đang có nguy cơ tàn phá tương lai các thế hệ, gây bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội...