An toàn giao thông

Nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

Mỗi năm, trung bình nước ta có khoảng 8.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có tới 1.500 trường hợp là trẻ em. Đáng chú ý, trong số này có 50% trường hợp trẻ em bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong là do không đội mũ bảo hiểm (MBH). Dù đã có quy định bắt buộc trẻ em hơn sáu tuổi phải đội MBH khi ngồi trên xe máy, song thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tự giác đội MBH cho con mình, chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH khi tham gia giao thông.

Nhiều cha mẹ học sinh vẫn thờ ơ trong việc đội mũ bảo hiểm cho chính bản thân và con mình.
Nhiều cha mẹ học sinh vẫn thờ ơ trong việc đội mũ bảo hiểm cho chính bản thân và con mình.

“Quên” đội mũ

Theo quan sát của chúng tôi tại một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Hà Nội vào giờ đến lớp buổi sáng, nhiều cha mẹ học sinh và các em học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông. Thậm chí, một số cha mẹ học sinh dù mang MBH theo, nhưng chỉ nhằm đối phó, treo trên xe chứ không đội cho con. “Quên” là câu biện minh khá phổ biến khi được hỏi lý do không đội MBH cho con mình khi tham gia giao thông. Thậm chí, nhiều cha mẹ học sinh còn tỏ vẻ khó chịu, viện cớ do nhà gần, đi một đoạn là tới, cho nên không việc gì phải mang MBH, bất tiện khi không có nơi cất, sợ mất,... Gặp chị Lê Hằng Nga, trú tại khu đô thị Xa La - Hà Đông (Hà Nội) đang đưa con học tại Trường tiểu học Văn Yên, hỏi chị vì sao không đội mũ cho con, chị phân trần: “Nhà chỉ cách trường có 500 m, thường ngày buổi chiều đi học về, cháu được ông bà đi bộ đến đón cho nên tôi cũng không đội mũ cho con do lích kích nhiều đồ. Bình thường nếu ông bà đưa đi, cháu nghiêm chỉnh chấp hành lắm”.

Trong cuộc sống hằng ngày, đâu đó chúng ta vẫn nghe, thấy thông điệp “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ” để nhắc nhở những bậc làm cha, mẹ hãy đội MBH cho con khi tham gia giao thông nhằm phòng tránh thương vong cho trẻ em khi xảy ra TNGT. Đó không chỉ thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con trẻ mà còn là trách nhiệm của thế hệ đi trước đối với những mầm non, thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng thực tế, hằng ngày người đi đường vẫn bắt gặp cảnh bố mẹ đội MBH đầy đủ nhưng chở theo con thì đầu trần, không đội mũ. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, vì lo sợ bị xử lý, lập tức quay đầu đi ngược chiều ngay giữa dòng xe đang di chuyển gây nguy hiểm cho bản thân, con mình và những người chung quanh.

Cũng như người lớn, khi tham gia giao thông bằng các phương tiện xe hai bánh, trẻ em cũng phải đối mặt với các nguy cơ TNGT. Thực tế khi xảy ra TNGT, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ TNGT xảy ra với trẻ em hết sức thương tâm và gây nhức nhối dư luận xã hội. Nhiều người chở ba, bốn em nhỏ hoặc một tay bế con trẻ đứng lên yên xe, một tay điều khiển xe máy lao vun vút trên đường. Nhiều trường hợp dù chỉ va chạm nhẹ, nhưng khi ngã xuống đường, trẻ em rất dễ bị chấn thương sọ não, thậm chí thiệt mạng nếu không đội MBH. Khi ấy, câu nói “giá như” lại được thốt lên như một bài học đắt giá cho nhiều cha mẹ. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan của người lớn còn tạo nên ý thức không tốt đối với các em trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông (ATGT).

Bắt đầu từ người lớn

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu đội MBH đạt chuẩn khi xảy ra TNGT, nguy cơ tử vong sẽ giảm tới 42%, nguy cơ chấn thương vùng đầu giảm tới 69%. Vì vậy, MBH là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, phòng tránh các chấn thương trong TNGT. Thế nhưng tại nhiều địa phương, ý thức của người lớn trong việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông vẫn chưa thật sự được nâng lên. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chương trình tặng MBH cho trẻ em do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp các cơ quan ban, ngành và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trao tặng hàng triệu MBH đạt chuẩn cho trẻ em trên cả nước, nhằm góp phần bảo đảm ATGT và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân cho trẻ em ngay từ trên ghế nhà trường. Đến nay, tỷ lệ đội MBH ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 đã tăng từ 52% vào năm 2018 lên 70% vào năm 2019.

Nhận thức tầm quan trọng của việc đội MBH cho con, anh Lê Tuấn Linh phụ huynh của cháu Lê Minh Đạt, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ khi được tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ em, tôi luôn tạo thói quen cho con khi đã ngồi lên xe máy là phải đội MBH để bảo vệ an toàn cho bản thân. “Trước đây cháu đi học toàn đầu trần, do bố mẹ nghĩ trẻ em không cần phải mua và đội MBH, nhưng từ năm trước, khi nhà trường phát MBH và vận động đội mũ, cứ ngồi lên xe máy là cháu hình thành thói quen đội mũ. Theo lời dạy của các cô giáo, đội MBH để đề phòng khi TNGT xảy ra sẽ hạn chế thương vong nên ở lớp cháu bây giờ, ai cũng đội MBH để làm gương cho các bạn khác học tập, kể cả đi bộ ra cổng trường chờ bố mẹ đón, các bạn cũng đội cho đỡ nắng để tạo thói quen. Bây giờ mỗi khi đi học, lúc nào bố mẹ quên không đưa MBH, cháu luôn là người nhắc bố mẹ nhớ đội MBH là để bảo vệ cho bản thân khỏi TNGT” anh Linh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, đối với một số em nhỏ còn chưa nhận thức đầy đủ, chưa tự chịu trách nhiệm đầy đủ về hành vi của mình, cộng với việc cha mẹ học sinh tỏ ra thờ ơ với quy định đội MBH cho con thì việc thực hiện nghiêm túc quy định đội MBH cho trẻ em vẫn còn là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, để cải thiện điều này, một vấn đề quan trọng là cha mẹ học sinh phải luôn làm gương cho trẻ trong việc tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, coi việc đội MBH cho bản thân và trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, tạo nền nếp, ý thức chấp hành luật lệ giao thông nói riêng, pháp luật nói chung ở các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.