Nâng cao khả năng học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số

NDO -

Sau ba năm triển khai dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, tỷ lệ đọc hiểu của học sinh tiểu học đã tăng từ 20% đến 44%.

Nâng cao khả năng học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số

Ngày 6-11, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Tại hội thảo, tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã chia sẽ kết quả báo cáo khảo sát cuối kỳ tại 18 trường mầm non và tiểu học thuộc địa bàn dự án, với sự tham gia của 585 học sinh và 224 người chăm sóc trẻ. 

Sau ba năm thực hiện dự án, khả năng sẵn sàng đi học khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non tăng từ 36% lên 63%. Môi trường học tập tại nhà và thái độ trong việc thực hành hỗ trợ con học tại nhà của cha mẹ có sự thay đổi đáng kể, trên 80% người chăm sóc trẻ đã giúp con phát triển các kỹ năng đọc viết và toán thông qua việc kể chuyện và tổ chức những trò chơi đơn giản. Tỷ lệ đọc hiểu của học sinh tiểu học đã tăng từ 20% đến 44%. 

Môi trường học đọc viết của trẻ tại trường cũng được cải thiện, thể hiện qua sự đa dạng trong các phương pháp mà giáo viên nhằm tăng khả năng sẵn sàng cho việc đi học của trẻ như phương pháp Tăng cường khả năng làm quen với đọc viết và toán (ELM) và Tăng cường kỹ năng tiếng Việt (LB).

Bên cạnh báo cáo kết quả Dự án, kế hoạch bảo đảm duy trì và nhân rộng hoạt động cũng đã được thảo luận và chia sẻ bởi các đối tác địa phương, giáo viên và phụ huynh.

Bà Dragana Strinic, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em chia sẻ, những thành tựu này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các đối tác dự án, các Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo, và đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh - những người luôn cố gắng hết mình để nâng cao kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại ba huyện dự án. 

“Những điểm mạnh và tính hiệu quả của hai phương pháp tiếp cận được dự án áp dụng, bao gồm phương pháp Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán, và phương pháp Tăng cường kỹ năng đọc viết cho học sinh tiểu học đã được chuẩn hóa và công nhận bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi hy vọng những phương pháp này sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi để tất cả trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn”, bà Dragana Strinic nói. 

Dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam”:

Dự án hướng đến mục tiêu cải thiện khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số từ 3 đến 11 tuổi tại 12 xã vùng khó khăn tại huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam, huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái, Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu này, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã và đang thúc đẩy việc nhân rộng các phương pháp tiếp cận chung của mình trong việc phát triển các kỹ năng làm quen với đọc viết và toán nhằm giúp các em sẵn sàng đến trường. Những cách tiếp cận này đã được thử nghiệm trên toàn thế giới và hiệu quả của chúng đã được chứng minh trong việc giải quyết chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Tăng cường kỹ năng đọc viết có bốn hợp phần chính bao gồm hoạt động đánh giá, đào tạo giáo viên, phát triển tài liệu và các hoạt động cộng đồng, nhằm cải thiện đáng kể các kỹ năng đọc và viết cốt lõi của trẻ em tại các trường tiểu học. Chương trình cũng tăng cường khả năng mở rộng vốn từ vựng, củng cố sự tự tin và khả năng diễn đạt khi đọc, đồng thời mở rộng cơ hội luyện đọc cả trong và ngoài lớp học.

ELM là phương pháp dựa trên các bằng chứng thực tiễn, các hoạt động học mà chơi hỗ trợ trẻ em từ 3-6 tuổi, giúp các em phát triển kỹ năng làm quen đọc viết và toán cũng như bảo đảm khả năng sẵn sàng đi học ở bậc tiểu học.

ELM tại trường cung cấp hơn 120 hoạt động vui chơi cho giáo viên mầm non để giúp trẻ học năm kỹ năng đọc viết mới và năm kỹ năng toán; trong khi đó ELM tại nhà giúp người chăm sóc hỗ trợ việc học của trẻ bằng các trò chơi đơn giản và tương tác.

Để nhân rộng các tiếp cận trong tương lai, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ tiếp tục vận động chính sách cho việc áp dụng các phương pháp ELM và LB nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em thiệt thòi. Ngoài ra, dự án còn tiếp tục các nỗ lực vận động chính sách của mình để củng cố việc thực thi các chính sách giáo dục, đặc biệt là các chính sách hướng đến trẻ em dân tộc thiểu số.