Nhìn lại năm 2019

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Bộ luật Lao động sửa đổi thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021; công tác giáo dục nghề nghiệp chuyển biến mạnh mẽ cả về "lượng" và "chất" là tiền đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế... Ðây được xem là những kết quả nổi bật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ,TB và XH) trong năm 2019.

Tiệm cận tiêu chuẩn lao động quốc tế

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ luật Lao động sửa đổi đã tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Ðáng chú ý, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Có thể thấy, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có những nội dung quan trọng. Thứ nhất là mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động năm 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.

Một nội dung được người lao động quan tâm là việc tuổi nghỉ hưu tăng lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ. Theo Ðiều 169 Bộ luật Lao động sửa đổi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam; đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng với lao động nam; bốn tháng với lao động nữ. Riêng người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.

Ðiều 20 Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn hai loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động, nhằm bảo vệ người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động "lách luật", không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ... Bên cạnh đó, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng. Thậm chí, trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước...

Về thời giờ làm thêm, tại Ðiều 107 Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã quyết định không tăng thời gian làm thêm giờ trong năm. Ðiều khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm giờ quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 với Bộ luật Lao động năm 2012 là: Số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ và cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…

Thay đổi quan trọng trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là bốn nguyên tắc được đặt ra trong tám Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998. Việt Nam đã phê chuẩn sáu trong số tám công ước này, hai công ước còn lại là Công ước số 105 về lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về tự do hiệp hội - dự kiến sẽ được phê chuẩn lần lượt vào năm 2020 và 2023. "Bộ luật Lao động sửa đổi đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO", Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận định, "bởi Bộ luật tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Ðiều này cũng sẽ góp phần đáng kể để đạt được tiến bộ về việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ".

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam hiện nay phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng tay nghề cao. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lượng lao động đứng thứ ba ASEAN, nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt hơn 22%, chỉ bằng một phần ba Hàn Quốc, Xin-ga-po... Trước thực tế này, Chính phủ đã giao Bộ LÐ,TB và XH "đẩy mạnh kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo" và phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư "nghiên cứu, xây dựng Ðề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", với chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN" do Bộ LÐ,TB và XH phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, được xem là diễn đàn quốc gia về GDNN lớn nhất từ trước nay, với mục đích khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Thông điệp của Diễn đàn là: Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường, tạo đột phá về quy mô và chất lượng GDNN, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải bảo đảm ba nguyên tắc để GDNN phát triển. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị, Bộ LÐ,TB và XH cần sớm thiết kế và đề xuất một "hiệp ước xã hội", đó là cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm. Doanh nghiệp được tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập liên thông doanh nghiệp - nhà trường trong quá trình đào tạo học viên khi tốt nghiệp. Nhà trường tập trung tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng giảng dạy, trang thiết bị học tập, thực hành. Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi với tinh thần cơ sở GDNN nào, doanh nghiệp nào tham gia đào tạo, sử dụng nhiều học viên từ cơ sở GDNN thì được hưởng ưu đãi.

Ði lao động tại nước ngoài hợp pháp và an toàn

Theo ước tính của Bộ LÐ,TB và XH, hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, họ gửi về nước khoảng 2 tỷ đến 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, rủi ro.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LÐ,TB và XH), trong những năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hằng năm, trung bình gần 10 nghìn người lao động một năm. Năm 2017 có 134.751 người; năm 2018 là 143 nghìn người và riêng tháng 10-2019, có khoảng 120 nghìn người. Phần lớn lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, trong đó thị trường khu vực Ðông Bắc Á (Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng mạnh, chiếm hơn 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài; thị trường Ma-lai-xi-a, Trung Ðông có xu hướng giảm còn từ 7 đến 8%, còn lại các thị trường Bắc Phi và châu Âu.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc theo bốn hình thức sau: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (thường gọi là Doanh nghiệp xuất khẩu lao động hay Doanh nghiệp dịch vụ); thông qua tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LÐ,TB và XH đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đi Nhật Bản theo Chương trình hợp tác với IM Japan, hay đi học tập và làm việc tại CHLB Ðức theo Chương trình hợp tác với Công ty Vivantes của Ðức); thông qua các doanh nghiệp đưa người lao động của doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề; Và cuối cùng là đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân. Ngoài ra, thời gian gần đây có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, chủ yếu là lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời hạn ngắn (ba tháng)...

Gần đây, do kinh tế phát triển ổn định, cho nên một số nước khu vực châu Âu do thiếu nhân lực trong một số lĩnh vực, có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước thuộc châu Âu với khoảng sáu nghìn người, chủ yếu ở các nước như Ru-ma-ni, Ba Lan, Síp, Xlô-va-ki-a… với mức thu nhập trung bình khoảng 500 đến 1.000 USD, tùy theo từng ngành nghề, công việc.

Tuy nhiên, do số lượng tiếp nhận lao động của các nước này còn hạn chế, trong khi có rất nhiều người lao động có nhu cầu đến làm việc, thêm vào đó người lao động không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, tâm lý muốn được đi nhanh, không muốn mất thời gian chờ đợi, làm thủ tục theo quy định để được đi làm việc ở nước ngoài; hy vọng có mức lương, thu nhập cao hơn; nghe theo lời dụ dỗ, hay các thông tin không trung thực của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo; người lao động không lường trước được những hậu quả, rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động cần phải nhận thức được việc ra nước ngoài làm việc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận, để được pháp luật bảo vệ, đi làm việc bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. Ðể bảo đảm đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, hợp pháp, người lao động cần phải tìm hiểu các thông tin về: Thị trường lao động ngoài nước, các quy định pháp luật liên quan đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đến đúng các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những thông tin như vậy có thể tra cứu trên các trang thông tin chính thống của cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở LÐ,TB và XH địa phương), các doanh nghiệp, các tổ chức sự nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đến trực tiếp các cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi cư trú để có thêm thông tin...

Nhằm bảo đảm việc tuyển đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng cung cấp thông tin, đầy đủ và rõ ràng về người sử dụng ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Cần làm rõ các khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài, cũng như yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp thu tiền phải có hóa đơn, trên đó ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức. Nếu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không cung cấp được thông tin, cũng như hóa đơn thu tiền rõ ràng... thì việc tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài đó không đáng tin cậy và không đúng theo quy định của pháp luật.