Nâng cao chất lượng cuộc sống người có công

Thanh Hóa có 74 nghìn người có công, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Ði đôi với thực hiện tốt chính sách hiện hành, khơi dậy ý chí, nghị lực vượt khó của mỗi cá nhân, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở Thanh Hóa, cộng đồng xã hội luôn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công với cách mạng.

Những thương binh, bệnh binh giàu nghị lực

Tìm đến nhà bệnh binh Mai Ðức Mộc, chúng tôi thấy ông đang mải mê làm vườn dù trời đã non trưa. Sau đổi điền, dồn thửa, ông Mộc tạo được quỹ đất rộng 7.000 m2 để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ngoài 3.500 m2 ao nuôi thả thủy sản, ông trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 1.000 m2, xây dựng 1.000 m2 nhà kính, nhà màng, trồng ba vụ hoa màu/năm. Từng chiến đấu ở chiến trường miền Ðông Nam Bộ, tham gia giải phóng Sài Gòn, bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1981 ông xuất ngũ, về địa phương tiếp tục tham gia xây dựng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, rồi nghỉ công tác. Siêng năng, yêu lao động, ông tự tìm hiểu thêm các mô hình tăng gia, sản xuất để học tập, làm theo, cùng các cựu chiến binh trong thôn giúp đỡ nhau tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi. Hiện trang trại của bệnh binh Mai Ðức Mộc cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm. Xã Nga Yên có tới 56 trang trại, gia trại  của  các cựu chiến binh đạt lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm nhờ phát triển trang trại, gia trại. Chị Hoàng Thị Dung, cán bộ chính sách xã Nga Yên trao đổi: Người có công cùng nhân dân trong xã cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo phát triển kinh tế hộ cho nên Nga Yên có mặt bằng kinh tế khá; xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới, hiện tập trung nâng cao chất lượng nông thôn mới. Năm vừa qua xã hỗ trợ tám hộ có công sửa chữa nhà ở, tạo điều kiện cho 11 hộ vay 22 triệu đồng mua cây con giống tổ chức trồng trọt, chăn nuôi để có thêm thu nhập. Hiện 94 gia đình chính sách, người có công trong xã có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống của cư dân nơi cư trú.

Cùng cán bộ chính sách huyện Hoằng Hóa đến thăm, trò chuyện với cựu chiến binh Lê Ðồng Ðức ở thôn Hoằng Lộc, thị trấn Bút Sơn, chúng tôi càng thêm trân trọng những cống hiến, hy sinh, khâm phục nghị lực của anh Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh và thời bình. Nhập ngũ năm 1972, tiếp bước thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thanh niên Ðức cùng đồng đội vừa hành quân sang chiến trường C, vừa huấn luyện, phối hợp  bộ đội Pa Thét Lào chiến đấu, giải phóng Cánh Ðồng Chum... Lê Ðồng Ðức cùng đồng đội tham gia các trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột... Xuất ngũ, hưởng chế độ bệnh binh khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, anh và vợ, con về quê ở xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, phát triển kinh tế hộ, góp sức xây dựng quê hương. Tiên phong đề xuất, nhận khoán khắc phục đoạn đê vỡ,  canh tác đồng cói, hợp đồng có thời hạn rồi trúng thầu quản lý, khai thác chợ Bút, cựu chiến binh Lê Ðồng Ðức dần trưởng thành trong kinh doanh. Doanh nghiệp Phúc Thắng còn tham gia thi công xây lắp các công trình xây dựng, đầu tư khách sạn kinh doanh du lịch Hải Tiến. Doanh nghiệp hiện tạo việc làm thường xuyên cho sáu cựu chiến binh, con em của họ; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Trăn trở trước gia cảnh khó khăn của những đồng đội hy sinh trong trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, doanh nghiệp Phúc Thắng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Ðức Bảy ở xã Ðiện Trung, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dịp này, doanh nghiệp hỗ trợ 50 triệu đồng, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương trợ giúp gia đình liệt sĩ Dương Huệ ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa khắc phục khó khăn về nhà ở. 

Chung tay chăm sóc người có công

Huyện Hoằng Hóa có 6.425 người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó mức phụ cấp người chăm sóc, thân nhân các thương binh, bệnh binh nặng, người nhiễm chất độc da cam còn thấp. Hiện 28 thân nhân chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng gồm thương binh nặng, nạn nhân chất độc hóa học da cam chỉ được hưởng trợ cấp 270 nghìn đồng/tháng. Triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP, các cựu thanh niên xung phong sống đơn thân, vợ liệt sĩ tái giá có hoàn cảnh khó khăn không tiệm cận chính sách hỗ trợ cho nên huyện Hoằng Hóa trích ngân sách hỗ trợ 173 vợ liệt sĩ mức 500 nghìn đồng/tháng, 74 cựu thanh niên xung phong mức 250 nghìn đồng/tháng trong thời gian ba tháng.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa Lê Văn Lộc trao đổi: Ngoài thực hiện đúng chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với người có công, thực tiễn đòi hỏi các bộ phận liên quan phải sáng tạo, công tâm, chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp, việc làm thiết thực hỗ trợ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công với cách mạng. Ðồng thời, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân ở huyện Hoằng Hóa, các tập thể, cá nhân hảo tâm, nhất là Hiệp hội Doanh nghiệp huyện có nhiều việc làm thiết thực cùng chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, gia đình chính sách. Ngoài 735 người có công ở huyện Hoằng Hóa được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm qua, huyện Hoằng Hóa hỗ trợ 37 gia đình có công xây dựng, sửa chữa nhà ở. Các doanh nghiệp tiếp tục phụng dưỡng bảy Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ các gia đình người có công khắc phục khó khăn về nhà ở. Tại thời điểm này, huyện Hoằng Hóa không có hộ chính sách là hộ nghèo, cận nghèo.

Ở huyện Nga Sơn, phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành việc làm thường xuyên, nhất là quan tâm tạo điều kiện cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có quỹ đất canh tác, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có cơ hội tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, được học tập, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, nhân rộng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế hộ. Từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa, thời gian qua, huyện Nga Sơn hỗ trợ 340 triệu đồng trợ giúp 22 hộ có công cải thiện, khắc phục khó khăn về nhà ở. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, huyện Nga Sơn trích ngân sách hơn 400 triệu đồng tặng quà hơn 4.196 gia đình, người có công trong huyện.

Ở Trung tâm Ðiều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, một số y tá, điều dưỡng, nhân viên lập gia đình với các thương binh, bệnh binh, nhân rộng mái nhà, tổ ấm, lập nên dãy dân cư mới ở phường Quảng Thọ. Chị Phạm Thị Tuyến quê ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân công tác ở Trại thương binh nặng Quảng Thọ từ năm 1986. Hằng ngày chăm sóc thương binh, chia sẻ thiệt thòi, từng cơn đau của các thương binh, bệnh binh, chị càng thêm thương, rồi yêu, quyết định lập gia đình với anh thương binh Bùi Thanh Va, quê ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy. Hai người con trai của anh chị lớn lên trong tình thương yêu của bố mẹ, anh em thân tộc, sự quan tâm động viên, khích lệ của các cô, các chú ở Trung tâm Ðiều dưỡng người có công. Cả hai đã tốt nghiệp đại học, nối nghiệp bố tiếp tục công tác, rèn luyện trong môi trường quân đội. Chị Tuyến chia sẻ, 34 năm công tác ở Trung tâm Ðiều dưỡng người có công, chị luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tận tình chăm sóc, dành tình thương yêu, sự quan tâm đặc biệt đối với các thương binh, bệnh binh, người có công; tiếp tục ý thức rõ  trách nhiệm tri ân, chăm lo vun đắp nghĩa tình đồng chí, đồng đội.

Là những người trực tiếp thực thi chính sách “đền ơn, đáp nghĩa”, mỗi cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Ðiều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa luôn quán triệt, nâng cao chất lượng phục vụ, ân cần, chu đáo chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công. Ở đây, các cán bộ, nhân viên trung tâm còn tổ chức nuôi, thả cá, trồng rau sạch để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho các thương binh, bệnh binh, người có công. Giám đốc Trung tâm Ðiều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thư cho biết: Thanh Hóa là địa phương sớm đón Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sĩ cô đơn, con người có công tàn tật, nhất là đón thế hệ thứ hai của nạn nhân chất độc da cam vào chăm sóc, điều dưỡng tập trung. Trung tâm có đơn nguyên điều trị phục hồi chức năng, cơ sở vật chất được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng người có công và hằng năm các tập thể, cá nhân hảo tâm còn đến thăm, tặng quà tổng giá trị khoảng một tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho 327 người có công cùng thân nhân người có công đang được chăm sóc, điều dưỡng tập trung.

Tỉnh Thanh Hóa có hơn 400 nghìn người tham gia kháng chiến, trong đó có gần 74 nghìn người có công, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Ði đôi với thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Ðảng, Nhà nước, bảo đảm người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân trong tỉnh nhân rộng phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, có nhiều việc làm thiết thực không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công.