Nam Ðịnh nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, sau khi hoàn thành xây dựng một năm nông thôn mới, các cấp ủy và chính quyền tỉnh Nam Ðịnh tiếp tục quán triệt tinh thần tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác này góp phần nhân rộng mô hình những miền quê đáng sống.

Khung cảnh khang trang “sáng, xanh, sạch, đẹp” của huyện nông thôn mới Hải Hậu (Nam Ðịnh).
Khung cảnh khang trang “sáng, xanh, sạch, đẹp” của huyện nông thôn mới Hải Hậu (Nam Ðịnh).

Không ngừng phát huy, lan tỏa phong trào

Tháng 7-2019, Nam Ðịnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình này. Ðây là thành tựu to lớn, đáng khích lệ của cả hệ thống chính trị và nhân dân Nam Ðịnh sau chín năm đồng thuận phấn đấu, huy động mọi nguồn lực vì mục tiêu chung. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân trong tỉnh được nâng cao, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Không tự bằng lòng với những gì đã đạt được, Nam Ðịnh tiếp tục bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao, đồng thời chọn lựa một số địa phương, mô hình để xây dựng NTM kiểu mẫu. Từ giữa năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch triển khai mục tiêu này. Trên cơ sở đó, Văn phòng điều phối NTM tỉnh và các sở, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương thực hiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; thôn, xóm NTM kiểu mẫu; mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tuyến đường kiểu mẫu...

Ðể hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, hỗ trợ huyện Hải Hậu 10 tỷ đồng xây dựng NTM kiểu mẫu; một tỷ đồng cho mỗi xã/thị trấn xây dựng NTM nâng cao, 500 triệu đồng cho mỗi xã/thị trấn xây dựng NTM kiểu mẫu. Tháng 6-2020, tỉnh đã hoàn thành thẩm định cho 13 xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao năm 2019. Năm 2020, các huyện, thành phố đăng ký thêm 77 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; ba xã xây dựng NTM kiểu mẫu; 112 xã, thị trấn có mô hình thôn, xóm NTM kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có từ 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 mô hình NTM kiểu mẫu và 100 sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh, Nguyễn Phùng Hoan, dù hơn một năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp,  ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân, nhưng nhìn chung phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu vẫn được triển khai như một cuộc vận động lớn, lan tỏa sâu rộng. Từ thành tựu của giai đoạn đầu, người dân Nam Ðịnh nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, tiếp tục đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Ðây là động lực quan trọng nhất để tỉnh phấn đấu triển khai thành công những mục tiêu lớn này, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp, hoạt động thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn.

Những cách làm sáng tạo, hiệu quả

Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM,  Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng)  là một xã thuần nông xa trung tâm huyện, kinh tế kém phát triển. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ủng hộ của nhân dân, năm 2014, xã đạt chuẩn NTM, nhưng về cơ bản vẫn chưa tìm được hướng bứt phá đi lên.

Bí thư Ðảng ủy xã Trịnh Xuân Bình cho biết: Qua thực hiện dồn điền, đổi thửa, Nghĩa Minh quyết định quy hoạch 65 ha để thu hút đầu tư vào công nghiệp, được huyện, tỉnh ủng hộ về chủ trương. Nung nấu ý tưởng này, lãnh đạo xã đi khắp nơi tìm “kênh” đưa các doanh nghiệp về. Từ những viên gạch đầu tiên, đến nay Nghĩa Minh đã hình thành khu công nghiệp, thu hút chín doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 9.000 lao động, trong đó có tới 90% số con, em ở độ tuổi lao động của xã. Khi công nghiệp phát triển, kéo theo các hoạt động thương mại, dịch vụ, Nghĩa Minh lại dành hơn 2 ha để quy hoạch khu dân cư tập trung, cho đấu giá quyền sử dụng đất. Ðây là nguồn lực quan trọng để Nghĩa Minh nâng cao các tiêu chí về cơ sở vật chất cho NTM, cũng như từng bước xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu về đô thị hóa nông thôn và ca-mê-ra an ninh.

Năm 2017, Nghĩa Minh dành hơn 300 triệu đồng từ ngân sách xã để lắp 65 cụm ca-mê-ra giám sát tình hình trên địa bàn. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt của người dân ngày càng văn minh, hiện đại. Ông Tống Hồng Quý, Bí thư chi bộ xóm 3, thôn Thắng Thượng hồ hởi cho biết: Từ lúc  lắp ca-mê-ra, xóm không xảy ra vụ việc mất an ninh, trật tự nào. Ðường làng lúc nào cũng “sạch bong” vì không ai dám bỏ rác bừa bãi. Xóm có bốn dong, mỗi dong lại vận động bà con đóng góp hơn 10 triệu đồng lắp đèn cao áp. “Ở đây là vùng quê, nhưng sáng, đẹp, hiện đại, có khi còn hơn thành phố!” - ông Quý cười bảo.

Chỉ sau gần 10 năm, Nghĩa Minh “lột xác” từ một xã có điểm xuất phát thấp nhất huyện thành xã đạt NTM nâng cao, tiến tới kiểu mẫu. Sự linh hoạt, sáng tạo trong việc chọn hướng phát triển địa phương giúp Nghĩa Minh tự lực trong xây dựng NTM. Tổng kinh phí riêng giai đoạn NTM nâng cao của xã là hơn 63 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã chiếm 64,01%. Tuy phát triển công nghiệp, dịch vụ, Nghĩa Minh quyết không bỏ hoang ruộng. 200 ha đất nông nghiệp của xã vẫn được cày cấy, và còn liên kết một số công ty để sản xuất lúa hữu cơ (10 ha) hay làm rau màu (20 ha). Từ 29 triệu đồng/người/năm, đến nay mức thu nhập bình quân của xã đã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Nói về xây dựng NTM ở Nam Ðịnh, không thể không nhắc đến huyện Hải Hậu. Là huyện giàu truyền thống cách mạng với bốn lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Hải Hậu là địa phương duy nhất trên cả nước được chọn làm điểm để xây dựng NTM từ các cấp thôn, xã đến huyện. Năm 2015, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện tự xây dựng, triển khai bộ tiêu chí NTM nâng cao. Năm 2019, Hải Hậu  phát huy sự chủ động, sáng tạo bằng việc lập Ðề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025, được Trung ương và tỉnh phê duyệt.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Hải Hậu, Vũ Văn Triển, đến nay, huyện đã có 524 trong số 546 xóm, tổ dân phố duy trì NTM nâng cao từ ba đến bốn năm; bình quân toàn huyện, các xã, thị trấn đạt 17,5 trong số 19 tiêu chí; tất cả 9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn. Hiện 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019 đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị thẩm định. Về xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu, tháng 7-2020, 131 trong số 546 xóm, tổ dân phố đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019-2023. Hải Hậu đã cơ bản hoàn thành ba xã NTM kiểu mẫu gồm Hải Thanh, Hải Quang và Hải Châu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.

Với phương châm “gia đình là cơ sở, thôn xóm là hạt nhân”, huyện ban hành bộ tiêu chí “gia đình NTM kiểu mẫu”, để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường, nếp sống văn minh; giao bí thư, trưởng xóm trực tiếp đánh giá, giám sát. Từ đó tiếp tục lan tỏa phong trào, tạo không khí thi đua xây dựng NTM kiểu mẫu từ nhà lên xóm, từ xóm lên xã, từ xã lên huyện.

“Bí quyết” của Hải Hậu trong các giai đoạn xây dựng NTM là huy động sự tham gia thường xuyên của hệ thống chính trị, nhân dân và cả các chức sắc tôn giáo. Với tỷ lệ đồng bào Công giáo lên đến gần 40%, huyện tích cực phát huy vai trò của các linh mục trong tuyên truyền, vận động người dân và con, em ở xa góp sức xây dựng quê hương. Giai đoạn 2016-2019, Hải Hậu huy động được hơn 100 tỷ đồng đóng góp từ cộng đồng dân cư và con, em xa quê. Còn giai đoạn 2010-2015, huyện huy động được 600 tỷ đồng và hơn 345 ha đất nông nghiệp, 25 ha đất ở được hiến tặng, cùng hơn 150 nghìn ngày công lao động.

Nguyễn My là một trong 13 xóm mang tên các liệt sĩ thời kháng chiến của xã Hải Thanh. Nơi đây là “vùng sâu, vùng xa” của xã, chỉ có 145 hộ và 365 nhân khẩu. Theo Trưởng xóm Ðào Xuân Ðĩnh, ngày trước bà con “chẳng bao giờ nhìn thấy cái ô-tô”. Nhưng sau các giai đoạn xây dựng NTM, xóm đã chuyển mình đến bất ngờ: Cổng chào to, đẹp chẳng thua gì cấp xã; đường kiểu mẫu rộng tám mét, có đèn cao áp đồng bộ, cây rợp bóng mát và bồn hoa ở hai bên; sông được kè kiên cố; nhà văn hóa xây mới, bên cạnh là các bộ dụng cụ thể thao ngoài trời…

Thành quả của xóm Nguyễn My là công sức đóng góp từ cả cộng đồng. Vừa rồi, xóm làm khu tưởng niệm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sĩ, cộng thêm cổng chào, vị chi hết một tỷ đồng. Ðại diện xóm  cất công vào tận miền nam để vận động con, em quê hương thành đạt. Cũng nhờ sức mạnh đồng thuận và khả năng dân vận khéo, cuối năm 2017, Nguyễn My  lắp đặt 63 cột đèn cao áp trong thời gian chỉ 12 ngày, tổ chức liên hoan ngay trên dong xóm mới, mời đại diện xã và các xóm khác. Từ đó, tạo sức bật thi đua để phong trào “sáng hóa nông thôn” lan khắp xã Hải Thanh.

Nhân rộng những miền quê đáng sống

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh, Nguyễn Phùng Hoan, tỉnh xác định việc triển khai Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Sau hơn một năm thực hiện, Nam Ðịnh đã có 62 sản phẩm OCOP, bước đầu tạo phong trào khởi nghiệp, tăng cường sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, phong trào không đồng đều: Trong 62 sản phẩm được công nhận, có 40 sản phẩm của huyện Hải Hậu, 12 sản phẩm của TP Nam Ðịnh, tám huyện còn lại chỉ đóng góp 10 sản phẩm. Một số nơi, nhận thức từ người dân đến cán bộ còn hạn chế, không mặn mà tham gia; nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đủ điều kiện nâng tầm sản phẩm.

Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nguyễn Sinh Tiến đánh giá: Tiêu chí khó duy trì, nâng cao bậc nhất trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là môi trường. Hiện nhiều nơi vẫn xử lý rác bằng cách chôn lấp, chưa có lò đốt tập trung. Lãnh đạo chính quyền những xã đã có lò đốt lại đau đầu vì sau gần 10 năm, hệ thống đã xuống cấp, đòi hỏi phải làm mới, mở rộng quy mô, hết sức tốn kém. Ðể khắc phục khó khăn này, Nam Ðịnh  hỗ trợ mỗi địa phương 250 triệu đồng thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên còn nhiều bất cập như người dân còn lúng túng, chưa quen phân biệt rác thải hữu cơ, vô cơ; việc thu gom, xử lý rác thải sau phân loại còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiêu chí về bảo hiểm y tế ở nhiều nơi cũng có dấu hiệu sụt giảm…

Hải Hậu, điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh, cũng không tránh khỏi lúng túng khi thực hiện tiêu chí nâng cao về nước sạch. Huyện có tới 30 trong số 34 xã, thị trấn chưa có nước sạch từ nhà máy nước tập trung. Người dân đa phần vẫn dùng nước hợp vệ sinh từ giếng khoan. Ở các huyện Ý Yên, Giao Thủy, nhu cầu nước sạch rất lớn, nhưng để xây dựng nhà máy nước sạch từ nguồn xã hội hóa lại khó khăn, do các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Theo Trưởng phòng NN và PTNT huyện Ý Yên, Trịnh Văn Mậu, tiêu chí vướng nhất trong xây dựng NTM nâng cao của huyện là giáo dục. Tiêu chí yêu cầu ở mỗi xã, các trường mầm non, tiểu học, THCS phải đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh, Ý Yên đã thực hiện sáp nhập để bảo đảm cơ cấu trường học ở mỗi xã. Từ đó, nảy sinh vấn đề: Thí dụ xã Yên Nhân trước đây có hai trường tiểu học, một trường đã và một trường chưa đạt chuẩn. Sau sáp nhập, trường mới bị đánh giá chung là chưa đạt, kéo theo tiêu chí NTM nâng cao của xã. Chuyện này phổ biến trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh, Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, dù còn không ít khó khăn, thời gian tới tỉnh chủ trương tập trung cao độ thực hiện phong trào xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, từng bước nhân rộng các miền quê đáng sống. Nhìn lại thành tựu của chặng đường 10 năm qua, Nam Ðịnh tin tưởng sẽ thực hiện thành công mục tiêu lớn này bằng sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của người dân.