Nam Ðịnh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa

Tỉnh Nam Ðịnh phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh.

 Người dân thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TIẾN MẠNH
Người dân thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TIẾN MẠNH

Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, tỉnh đã chỉ đạo các ban, sở, ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển văn hóa; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước thôn, xóm, tổ dân phố, đề cao vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tỉnh chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Ðối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành và địa phương triển khai hiệu quả nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị di sản. Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục vào cuộc trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, tạo động lực đột phá cho kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh hiện có 85% số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 96,1% số làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa". Nhiều địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển đời sống văn hóa cộng đồng.

★ Ninh Thuận đang triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn ba năm thực hiện, đã đạt được 106,38% kế hoạch. Toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 6.682 ha cây trồng cạn, trong đó, chuyển đổi luân canh cây ngắn ngày hơn 5.161 ha; chuyển đổi cây ăn quả, cỏ chăn nuôi hơn 1.520 ha. Các mô hình chuyển đổi cây trồng đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể đạt được thành quả này, tỉnh có chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phát triển các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức hợp tác liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa hợp tác xã với nông dân và hợp tác xã với doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có tám doanh nghiệp đã tham gia liên kết, cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sẽ khắc phục được tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra, bám nắm để đưa ra chính sách hỗ trợ, giải pháp kịp thời nhằm khắc phục điều kiện khí hậu nắng nóng, duy trì sản xuất.