Xử lý vi phạm hành chính:

Mức phạt 200.000 đồng đối với hành vi “sàm sỡ trong thang máy” là không phù hợp

NDO -

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, mức phạt 200.000 đồng đối với các hành vi như “sàm sỡ trong thang máy” là không phù hợp. Cần quy định một mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Ngày 22-10, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định.

Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề cụ thể như: quy định về tái phạm, nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần, các hành vi bị nghiêm cấm; hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt; việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính,...

Đáng chú ý, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhiều ý kiến tán thành tăng mức phạt tiền tối đa như dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng...; ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), đối với hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội như quấy rối, sàm sỡ trẻ em, phụ nữ, trong dự thảo Luật quy định có mức phạt từ 30 triệu đồng, 40 triệu đồng, nhưng trong thực tế hiện nay đối với hành vi đó vẫn chỉ xử phạt 200.000 đồng. Do đó, cần phải xem xét và xử lý ngay những tồn tại bất hợp lý này.

Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết luật chỉ quy định mức phạt tối đa, phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực. Còn mức phạt đó được áp dụng trong từng lĩnh vực đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể như thế nào, mức phạt bao nhiêu trong khung của mức phạt tiền tối đa đó do Chính phủ quy định.

“Hành vi vi phạm như hành vi sàm sỡ trong thang máy mà hiện nay quy định mức phạt 200.000 là không phù hợp. Chỗ này nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định một mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV