Mưa, lũ tại Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, khó lường

* Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão

* Hỗ trợ khẩn cấp người dân miền trung bị ảnh hưởng mưa, lũ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 10-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 111,9 độ kinh đông, cách Quảng Nam khoảng 380 km, cách Quảng Ngãi khoảng 320 km, cách Bình Định khoảng 300 km về phía đông, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm ATNĐ. Trong 12 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Người dân vùng lũ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải dùng ghe di chuyển khi nước lũ ngập sâu. Ảnh: ANH ĐÀO
Người dân vùng lũ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải dùng ghe di chuyển khi nước lũ ngập sâu. Ảnh: ANH ĐÀO

Đến 10 giờ ngày 11-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,9 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Từ sáng nay 11-10, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2 đến 4 m; biển động rất mạnh. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có khả năng nước dâng do bão cao tới 0,5 m.

Từ nay đến ngày 13-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500 đến 700 mm, có nơi hơn 700 mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400 đến 600 mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300 đến 500 mm. Ở phía nam Hà Tĩnh và khu vực bắc Tây Nguyên từ 200 đến 300 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

* Ngày 10-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 22 gửi các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận cùng các bộ, ban, ngành liên quan về việc ứng phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ lớn trong những ngày tới. Các địa phương cần theo dõi diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các tàu, thuyền trên biển di chuyển thoát ra vùng ảnh hưởng của ATNĐ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền. Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, bảo đảm an toàn. Khẩn trương cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên tàu gặp nạn tại vùng biển Quảng Trị...

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Văn bản số 428 gửi các tỉnh, thành phố: đồng bằng, trung du Bắc Bộ cùng các bộ, ngành liên quan về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình. Theo đó, hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở một cửa xả đáy vào ngày 10-10 với lưu lượng xả dự kiến khoảng 3.900 m3/giây.

* Đợt mưa, lũ tại miền trung đến nay làm tổng số 161 xã thuộc 28 huyện của năm tỉnh, thành phố bị ngập, cụ thể: hai xã thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh); 28 xã thuộc sáu huyện (Quảng Bình); 68 xã thuộc chín huyện (Quảng Trị); 51 xã, thuộc năm huyện (Thừa Thiên Huế); 12 xã, phường thuộc bảy quận, huyện (Đà Nẵng); Quảng Nam cũng có nhiều điểm bị ngập sâu. Tổng số 33.386 nhà bị thiệt hại; 93 điểm quốc lộ bị sạt lở, 19 điểm quốc lộ bị ngập, 2.200 m tỉnh lộ bị sạt lở; sáu tàu vận tải bị sự cố, chìm một tàu cá; 52 ha lúa, 1.957 ha hoa màu bị ngập; 772 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 21.620 con gia súc, 34.730 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 30 điểm trường bị ngập; 9.060 m bờ biển bị sạt lở...

Theo thông tin từ T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ngày 10-10, T.Ư Hội đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp bước đầu cho các gia đình bị thiệt hại bởi mưa lũ từ ngày 7 đến 9-10 tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam với trị giá hàng hóa hơn 476 triệu đồng.

Theo đó, T.Ư Hội hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 250 thùng hàng gia đình, 11 thùng viên lọc nước Aquatabs trị giá gần 194 triệu đồng; hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 150 thùng hàng gia đình, 11 thùng viên lọc nước Aquatabs trị giá hơn 130 triệu đồng; hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 200 thùng hàng gia đình, tám thùng viên lọc nước Aquatabs trị giá hơn 152 triệu đồng. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã thành lập nhiều đoàn công tác nhanh chóng tiếp cận các địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để hỗ trợ người dân nhu yếu phẩm.

* Liên quan việc cứu hộ những người mắc kẹt trên tàu Vietship 01 tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị), sáng 10-10, trong quá trình tiếp cận tàu, một ghe cứu hộ với bốn thành viên, đã bị sóng đánh chìm. Rất may, ba thành viên trong đội cứu hộ bơi được vào tàu Vietship 01, một người bị rơi xuống biển đã được cứu vào bờ. Sự việc này đã khiến số người mắc kẹt trên tàu Vietship 01 tăng lên thành 11 người.

Chiều cùng ngày, thuyền cá do ngư dân Võ Văn Dũng (ở khu phố 6, thị trấn Gio Linh) điều khiển cùng với ba người khác đã cứu hộ thành công hai thành viên tham gia cứu hộ bị mắc kẹt. Khi được cứu, sức khỏe của hai người này vẫn ổn định. Như vậy, trên tàu Vietship 01, vẫn còn chín người đang bị mắc kẹt (trong đó có tám thuyền viên của tàu và một thành viên của ghe cứu hộ).

Cuối chiều cùng ngày, máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng cũng đã tham gia cứu hộ, mang theo dây, phao tròn, nhu yếu phẩm, máy bộ đàm để thả xuống tàu mắc cạn. Sợi dây được thả xuống tàu Vietship 01 nối tàu bị nạn vào đến bờ. Đây là điểm mấu chốt trong quá trình cứu hộ bởi sợi dây sẽ giúp các tàu cứu hộ tiếp cận được với tàu bị nạn để cứu những người bị nạn đang mắc kẹt trên tàu.

* Sáng 10-10, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, đã cứu được sáu thuyền viên gặp nạn trên biển và lai dắt tàu cá NA 93248 TS vào cảng Cửa Lò (Nghệ An) an toàn. Trước đó, sáng 9-10, tàu cá này khi đang đánh bắt cá cách Cửa Sót (Hà Tĩnh) khoảng 50 hải lý về hướng đông đông bắc thì bị gãy trục chân vịt, nước tràn vào, hỏng hệ thống thông tin liên lạc.

* Sóng to gió lớn kèm thủy triều dâng cao đã đánh sập tuyến kè biển Quang Phú - Hải Thành, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Kè biển này dài 860 m được đầu tư với số vốn 26 tỷ đồng, vừa mới được xây dựng hơn một tháng và chưa được bàn giao để đưa vào sử dụng.

Ngày 10-10, tại TP Đồng Hới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức tiếp nhận bốn tỷ đồng của bảy doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ủng hộ người dân trong tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Trị, mưa lớn gây ngập lụt làm gần 800 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và trôi, trong đó tập trung ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, 30 lồng nuôi cá ở Triệu Phong bị mưa lũ cuốn trôi.

* Theo cập nhật của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Nam, đến 14 giờ chiều 10-10, thủy điện A Vương xả qua tràn xuống hạ du 425 m3/giây; thủy điện Sông Bung 4 xả qua tràn lên đến 1.231 m3/giây; thủy điện Đak Mi 4 xả qua tràn 25 m3/giây, chạy máy 105 m3/giây. Lượng nước ba thủy điện xả về sông Vu Gia là hơn 1.890 m3/giây. Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để phòng, chống lũ.

* Ngày 10-10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chỉ đạo ứng phó mưa, lũ.

Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến 14 giờ ngày 10-10, mưa lũ đã khiến hai người chết, sáu người bị thương; một nhà sập; 10 nhà hư hỏng và 53.385 nhà bị ngập lụt từ 0,2 đến 1,2 m. Các lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán tại chỗ 3.727 hộ dân với 10.495 nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh...

* Sáng 10-10, theo Ban Chỉ huy PCTT thành phố Đà Nẵng, thành phố có 4 tàu cá bị nạn sau đợt mưa lớn những ngày qua. Trong đó, các tàu mang số hiệu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS đã bị chìm trên đường di chuyển về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, các ngư dân đã được an toàn; vẫn còn tàu cá mang số hiệu ĐNa 90988-TS bị mất liên lạc.

Đến 17 giờ 30 phút ngày 10-10, toàn TP Đà Nẵng đã sơ tán 4.824 hộ dân với hơn 16.170 người.

* Ngày 10-10, lãnh đạo UBND xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, (Quảng Nam) cho biết, mưa lớn khiến đập Cát Bầu tại thôn Mỹ Sơn bị vỡ cống xả trên thân đập khoảng hơn 20 m. Hàng trăm nghìn mét khối nước chảy xuống vùng hạ du gây ngập một số diện tích hoa màu và nhà dân. Vụ việc không gây thiệt hại về người. Hiện lực lượng chức năng đi đến từng nhà để sơ tán người dân đến địa điểm an toàn, đồng thời thống kê thiệt hại.

Thời tiết còn diễn biến phức tạp

Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định xu thế thiên tai khí tượng thủy văn từ nay đến hết năm 2020. Cụ thể, khu vực Bắc Bộ, từ nay đến ngày 31-10 sẽ chịu tác động của khoảng 3 đến 4 đợt không khí lạnh. Ngày 15 đến 17-10, Bắc Bộ có mưa diện rộng. Tháng 11 miền bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của 4 đến 6 đợt không khí lạnh. Tháng 12 xuất hiện đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông.

Từ nay đến hết tháng 10, do ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh các tỉnh Trung Bộ có mưa to đến rất to. Nguy cơ ngập lụt vùng trũng, đô thị ven biển và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi ở mức rất cao. Tháng 11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có khả năng chịu ảnh hưởng của hai xoáy thuận nhiệt đới. Tháng 12, Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 đến 2 xoáy thuận nhiệt đới. Trong hai tháng 11, 12; trên các sông ở khu vực Trung Bộ khả năng xảy ra 1 đến 2 đợt lũ vừa và lớn, đỉnh lũ trên các sông chính ở mức BĐ2 đến BĐ3. Nửa cuối tháng, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 200 đến 300 mm. Tháng 11 khả năng xuất hiện hai đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Trên các sông chính ở khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 1 đến 2 đợt lũ. Tháng 12 mưa giảm.