Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở Ninh Thuận

NDO -

Tối 29-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết,  theo thống kê thiệt hại ban đầu, tại huyện Thuận Bắc, có 142 nhà dân sống tại các thôn Mỹ Nhơn, Gò Sạn, Ba Tháp, xã Bắc Phong bị ngập nặng. Tại ba xã Phước Nam, Cà Ná và Phước Dinh có 270 căn nhà bị ngập.

Nhiều nhà dân ở  phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập nghiêm trọng.
Nhiều nhà dân ở  phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập nghiêm trọng.

Tại huyện Bác Ái, nhiều hộ dân ở khu vực trung tâm thôn Trà Co 2 bị ngập cục bộ, do không có hệ thống thoát nước, nước tù đọng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nước lũ tràn qua tuyến tỉnh lộ 705 (cống tràn gần điện mặt trời Thiên Tân Solar) và nhiều cống tràn, cầu tràn các tuyến đường đi từ xã Phước Trung – xã Mỹ Sơn; cầu tràn từ Suối Rua đi Ma Lâm; cầu tràn giáp ranh giữa thôn Tà Lú 3 với thôn Núi Rây; cầu tràn giáp ranh giữa xã Phước Chính và xã Phước Trung nước tràn qua và chảy rất mạnh. Tại tỉnh lộ 707 (tại Km24+050) xuất hiện xói lở hầm ếch.

Bên cạnh hư hỏng, sạt lở đường giao thông, nông dân Ninh Thuận đang đối mặt với cảnh trắng tay vì mưa lũ. Toàn tỉnh có gần 500 ha trồng lúa và cây hoa màu bị ngập nặng. Riêng huyện Ninh Phước hầu hết diện tích sản xuất đều bị ngập, địa phương chưa thống kê được để ước tính thiệt hại.

Đến 21 giờ ngày 29-11, huyện Ninh Hải đã tổ chức di dời 130 hộ/453 khẩu các khu dân cư ven suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực trũng thấp thuộc địa bàn các xã Tân Hải, Xuân Hải, Hộ Hải đến nơi an toàn. Huyện Thuận Nam đã di dời, sơ tán 166 hộ/664 khẩu thuộc các xã Phước Nam, Nhị Hà, Phước Hà đến nơi an toàn.

Hiện tại, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ để có dự báo và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục các sự cố do mưa, lũ gây ra.

* Tính từ 15 giờ ngày 28 đến 15 giờ 29-11, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận khá phức tạp, gây thiệt hại cục bộ tại các vùng trũng, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã phát thông báo lũ khẩn cấp.

Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo có Thông báo số 2908, cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 30-11, do mưa lũ.

Theo thông báo lũ khẩn cấp của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục tăng cường xuống phía nam; ở phía nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5 đến 8 độ vĩ bắc, nên toàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 140-210mm, đặc biệt như: tại TP Phan Rang 251,9mm, tại hai xã Lợi Hải và Công Hải, huyện Thuận Bắc, lượng mưa đo được  từ 284,2mm đến 313,7mm.

Hiện tại, mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang lên nhanh, trên thượng nguồn Sông Cái tại trạm Phước Bình mực nước lũ đã đạt đỉnh. Trên sông Cái tại trạm Tân Mỹ nước lũ ở mức 37,60m, trên báo động 3 là 0,10m; tại trạm Phan Rang là 2,25m, dưới báo đông 1 là 0,25m. Trên Sông Lu tại trạm Phước Hà là 62,49m, ở mức báo động 2; tại trạm Phước Hữu là 11,75m, trên báo động 2 là 0,25m. Dự báo lượng mưa phổ biến trong 12 giờ tới, ven biển phía nam từ 50 đến 100mm; vùng núi các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái, khu vực ven biển phía bắc của tỉnh có lượng mưa phổ biến từ 80 đến 150mm, riêng khu vực giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa có nơi cao hơn.

Theo đó, mực nước lũ trên các sông suối tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng nhanh hơn. Trên sông Cái tại trạm Tân Mỹ mực nước khả năng đạt đỉnh 38m, trên báo động 3 là 0,50m, vào khoảng từ 16 giờ đến 19 giờ ngày 29-11. Tại trạm Phan Rang tiếp tục tăng và khả năng ở mức báo động 2 trong 6 đến 12 giờ tới.

Trên Sông Lu tại trạm Phước Hà, do điều tiết của hồ chứa nước Tân Giang, mực nước khả năng đạt đỉnh 63,50m, trên báo động 3 là 0,50m, vào khoảng từ 16 giờ đến 19 giờ. Tại trạm Phước Hữu tiếp tục tăng và khả năng đạt ở mức 12,30m, xấp xỉ báo động 3, trong khoảng từ 3 đến 6 giờ tới.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở Ninh Thuận -0
 Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường tại TP Phan Rang - Tháp Chàm ngập sâu.

Tại các thôn, xã miền núi như: Thôn Lâm Bình, Tầm Ngân, xã Lâm Sơn; thôn Ú, Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; thôn Rã Giữa, xã Phước Trung; thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa; thôn Bậc Rây 1, Bậc Rây 2, Hành Rạc 1, Hành Rạc 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái; thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng; thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc; thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.... nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Cùng với đó, một số tuyến đường tại TP Phan Rang - Tháp Chàm ; thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước; thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải đã xảy ra ngập úng cục bộ.

Hiện tại, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 118,32 triệu m3/194,49 triệu m3 đạt 60,84%. Có 10 hồ nước đã tràn tự do, một số hồ phải mở cửa van xả lũ từ 20 đến hơn 60cm.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở Ninh Thuận -0
 Lực lượng Cảnh sát giao thông TP Phan Rang - Tháp Chàm trực chốt trên đường 21 tháng 8, hướng dẫn người tham gia giao thông tránh một điểm ngập sâu trên trục đường đi từ thành phố lên khu vực Tháp Chàm.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, tính đến 15 giờ ngày 29-11, nhiều tuyến đường bị ngập và chia cắt giao thông cục bộ. Nhà ở của hơn 140 hộ dân sống tại các thôn Gò Sạn và làng Mỹ Nhơn bị ngập từ 40 - 50cm.

Tại huyện Thuận Nam, tuyến đường thôn Văn Lâm, xã Phước Nam đi thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh bị ngập khoảng 50cm, nhiều điểm bị xói lở; tuyến đường từ thôn Sơn Hải – thôn Vĩnh Trường (đoạn suối Cò Kè) bị trôi sạt khoảng 20m; đường từ thôn Vĩnh Trường - thôn Từ Thiện (đoạn suối Sâu) cũng bị trôi sạt khoảng 15m.

Tại huyện Ninh Sơn, tràn Hà Dài và tràn Gia Rót bị ngập khoảng 30cm.  Trước diễn biến mưa lũ, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm Ban Chỉ huy tỉnh đã cử lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí chốt chặn tại các trục đường bị ngập nước để hướng dẫn người dân bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Tại các huyện đã cử thanh niên xung kích, dân quân tự vệ... trực 24/24 tại các vùng xung yếu, các điểm bị sạt lở, ngập nước để hướng dẫn bà con không băng qua những chỗ nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, đồng thời giúp người dân di dời tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.