Một số vấn đề nảy sinh khi sáp nhập xóm ở Thanh Chương

NDO -

NDĐT - Sau khi thực hiện chủ trương sát nhập theo quy định, Thanh Chương sẽ giảm hơn nửa số xóm, thôn, bản, khối (gọi tắt là xóm) hiện có. Tuy nhiên, sẽ có một số vấn đề nảy sinh trước mắt sau khi sáp nhập cần tập trung giải quyết.

Tổ chức lấy ý kiến của người dân về chủ trương sáp nhập thôn, xóm ở Thanh Chương. (Ảnh: HỮU THỊNH)
Tổ chức lấy ý kiến của người dân về chủ trương sáp nhập thôn, xóm ở Thanh Chương. (Ảnh: HỮU THỊNH)

Lợi ích đã rõ

Thanh Chương là huyện miền núi trung du của tỉnh Nghệ An có số lượng đơn vị hành chính đông nhất tỉnh, với 40 xã, thị trấn và 506 xóm. Trong số này hầu hết là xóm có quy mô dân thấp; khi có đến 321 xóm có quy mô số hộ đạt dưới 50% số hộ theo quy định (250 hộ/xóm và 300 hộ/khối); 182 xóm có quy mô đạt hơn 50% số hộ và chỉ có ba xóm đạt tiêu chí về quy mô số hộ. Số lượng xóm lớn, cùng với đó số cán bộ không chuyên trách đông, với khoảng 5.200 người (bình quân 10,3 lượt người/xóm được hưởng phụ cấp từ ngân sách). Trong lúc quy mô dân số ở các xóm không đồng đều nhưng vẫn phải bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách như nhau. Đây cũng là thực trạng chung ở Thanh Chương tồn tại nhiều năm qua. Trong lúc chất lượng đội ngũ không chuyên trách tại nhiều xóm chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của địa phương.

Theo đánh giá của Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương Nguyễn Cao Thanh: Quy mô các xóm giữa các khu vực và ngay cả trong cùng một xã cũng không đồng đều; đặc biệt các xóm có quy mô nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao mà việc huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn so với những xóm có quy mô dân số lớn. Số lượng xóm lớn cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách. Với số lượng xóm và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước, không những ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH T.Ư Đảng lần thứ 6, Khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thanh Chương cũng đang quyết liệt triển khai quá trình sáp nhập xóm trên địa bàn toàn huyện. Các địa phương, các đoàn thể, chi bộ, Ban Chỉ huy các khối, xóm tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến đảng viên, nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập các khối, xóm... Đến nay, việc triển khai thực hiện đề án sáp nhập xóm trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành. Huyện đang chỉ đạo các địa phương lấy ý kiến sáp nhập từ nhân dân và trình HĐND các xã để ra Nghị quyết, báo cáo về UBND huyện trước ngày 20-4.

Trên cơ sở đặc biệt quan tâm đến các yếu tố địa bàn, truyền thống, phong tục, tập quán, tôn giáo, dân tộc cũng như quy mô dân số theo quy định để các địa phương tính toán phương án sáp nhập hợp lý nhất. Theo đó, sau sáp nhập, toàn huyện Thanh Chương chỉ còn 233 xóm có quy mô theo quy định; giảm được 273 đơn vị cùng với đó là giảm được 2.800 lượt người làm các chức danh ở cấp xóm; đồng nghĩa với việc, giảm ngân sách hơn 24 tỷ đồng/năm (phụ cấp cho 10,3 lượt các chức danh cấp xóm). Không chỉ có vậy, việc sáp nhập sẽ khắc phục các điểm yếu của xóm có quy mô nhỏ nêu trên.

Trong những ngày này, ở các địa phương huyện Thanh Chương đang tiến hành quy trình xin ý kiến nhân dân về sáp nhập xóm. Lấy ý kiến nhân dân để tổ chức sáp nhập làm sao cho hiệu quả nhất; chứ không phải bàn, sáp nhập hay không?! Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để ý Đảng hợp với lòng dân; để sau sáp nhập, nhân dân đồng thuận, phấn khởi, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Việc xin ý kiến người dân tập trung vào phương án sáp nhập như dự thảo đề án đã phù hợp chưa ? Trung tâm xóm mới đặt ở đâu ? Tên gọi của xóm mới (sau khi sáp nhập) đã phù hợp ?... Các đoàn công tác chỉ đạo sáp nhập lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải thích thấu lý đạt tình, và tiếp thu có chọn lọc để hoàn thiện đề án.

Vướng mắc trước mắt

Xã miền núi Thanh Liên có diện tích tự nhiên 1.657,4 ha với 2.030 hộ, 8.655 nhân khẩu được phân bổ ở 16 thôn. Theo Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Liên Đức Nguyễn Xuân Nghị: Theo đề án, xóm Liên Đức sẽ sáp nhập với hai xóm khác là: Liên Bang và Liên Trung. Nhân dân Liên Đức đồng tình và ủng hộ chủ trương sáp nhập song vẫn còn một số băn khoăn. Đó là việc xử lý và sử dụng như thế nào các nhà văn hóa xóm. Bởi Thanh Liên chúng tôi khi phấn đấu về đích nông thôn mới, tất cả các nhà văn hóa xóm đều được xây dựng mới khang trang với tổng mức đầu tư ngót nghét tỷ đồng/cái. Nay sáp nhập lại ba xóm thành một thì việc sử dụng nhà văn hóa như thế nào cho phù hợp. Vì nếu sử dụng cả ba nhà thì không hợp lý, mà sử dụng một trong ba nhà lại càng không hợp lý vì số lượng hộ dân đã tăng lên gấp ba, gấp bốn mà xây dựng thêm một nhà văn hóa mới nữa thì lãnh phí, tốn công vô cùng. Sau sáp nhập sẽ xảy ra tình trạng là nhà văn hóa các địa phương vừa thừa lại vừa thiếu. Nghĩa là thừa nhà văn hóa nhưng lại thiếu chỗ ngồi sinh hoạt của cộng đồng.

Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương Nguyễn Văn Vinh cũng băn khoăn: Do quỹ đất ở thị trấn khan hiếm, nên rất khó tìm địa điểm quy hoạch trung tâm khối mới để xây nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng sau sáp nhập mà sử dụng các nhà văn hóa cũ thì không phù hợp do thiếu nhiều chỗ ngồi cho bà con. Tiếp đó, mà theo Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên Phan Bá Ngọc: Quá trình sáp nhập ở xã miền núi Thanh Liên dẫn đến nhiều đơn vị xóm rộngđến ba, bốn km; dân cư lại tăng lên từ 300 đến 500 người nên ít nhiều cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, sinh hoạt hay điều hành sản xuất... Trong khi đó số lượng cán bộ xóm lại không tăng.

Việc thực hiện sáp nhập xóm cũng đã đặt ra một vấn đề lớn trong công tác giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, những cán bộ xóm được hưởng phụ cấp khi giảm hơn 2.800 người liên quan. Không chỉ cán bộ bán chuyên trách cấp xóm mà cán bộ cấp xã dôi dư sau sáp nhập cũng là vấn đề không nhỏ. Chẳng hạn như việc Thanh Chương có kế hoạch sáp nhập ba xã: Thanh Tường, Thanh Văn và Thanh Hưng lại thành một xã sẽ dôi dư đến hơn 40 công chức xã cùng nhiều cán bộ bán chuyên trách khác; trong số này có không ít cán bộ đã có nhiều đóng góp cho địa phương nhưng tuổi đời đang còn trẻ…

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã: Thực tế chuyện tách, nhập các đơn vị hành chính ở Thanh Chương cũng như các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An và cả nước đã từng xảy ra. Việc nhập thôn, xóm hay xã, phường, bước đầu triển khai bao giờ cũng gặp khó khăn; hơn nữa, chúng ta vẫn còn tư tưởng “an phận, thủ thường”, nhưng thiết nghĩ với cách làm phù hợp, cán bộ cơ sở lường trước được những khó khăn, vướng mắc sẽ diễn ra, làm tốt công tác tư tưởng; đồng thời biết lắng nghe ý kiến người dân; dân chủ trong lựa chọn cán bộ của hệ thống chính sau sáp nhập thì nhân dân sẽ đồng thuận…

Cùng với đó, ngoài nỗ lực của địa phương, Thanh Chương rất cần chính sách chung của tỉnh để hỗ trợ, giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ hoạt động và người tham gia công tác như thế nào cho hợp lý… Sau sáp nhập, thông qua khoán chi, có điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ bán chuyên trách ở địa phương cũng như tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt; kiện toàn và lựa chọn những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm đảm nhiệm trọng trách của người “vác tù và”.