Một ngày phòng, chống dịch nCov nơi tuyến đầu biên giới

NDO -

NDĐT - Áp lực, khẩn trương, kiên quyết, chính xác nhưng cũng nhẹ nhàng, chia sẻ với những con người trở về từ vùng dịch, những tài xế xe container đường dài chở hàng nông sản thông thương biên giới cho nhu cầu đời sống của xã hội; cái bực bội nén vào trong, làm việc liên tục không ngơi nghỉ, có lúc nhịn đói quá bữa, tối nhọ mặt người mới được trút bỏ bộ quần áo phòng hộ, rời khẩu trang y tế bịt kín mặt để trở về nhà - một ngày của những người ở tuyến đầu chống dịch Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) là như thế.

Thông quan hàng hóa, bảo đảm chống dịch nCoV ở Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).
Thông quan hàng hóa, bảo đảm chống dịch nCoV ở Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

Thời tiết vẫn rét, gió thổi từ sông Hồng hất lên buốt lạnh, lại lắc rắc mưa phùn buổi sớm khiến bầu trời âm u, sẫm màu chì nhờ nhợ. Đúng giờ làm việc, 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Hàng trăm chiếc xe container xếp kín bãi kiểm hóa rộng lớn.

Kể từ khi thực hiện tạm dừng thủ tục xuất nhập cảnh du khách và hoạt động biên mậu ở Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Lào Cai - Hà Khẩu) thì mọi hoạt động dường như đổ hết về đây. Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành vốn trước chỉ dành cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch thì nay phải “cõng” thêm việc xuất nhập cảnh cho người, đa số là công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và các tài xế xe container chở hàng nông sản, phân bón, thiết bị máy móc xuất nhập cảnh qua biên giới. Ở cửa khẩu, bộ đội biên phòng là lực lượng bảo đảm chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới, trật tự an toàn ở khu vực cửa khẩu chính và hai bên cánh gà, chạy dọc theo bờ sông Hồng, với khá nhiều lối mòn, lối mở biên giới.

Mới sáng sớm mà các chiến sĩ biên phòng đã ai vào vị trí người nấy duy trì hoạt động ở đây, có đứng gần cũng khó nhận ra, vì người nào cũng khẩu trang y tế kín mặt, chỉ hở đôi mắt đang chăm chú quan sát từng chuyến xe, từng dòng người ra, vào khu vực biên giới. Thượng úy Nguyên Đạt Phong, Trạm phó Trạm Biên phòng Cửa khẩu Kim Thành ra từng mệnh lệnh ngắn gọn, rõ ràng cho từng tổ công tác, từng sĩ quan và chiến sĩ vào vị trí làm việc, duy trì hoạt động bình thường ở cửa khẩu, thực hiện nghiêm ngặt phân luồng xuất cảnh và nhập cảnh, bảo dảm thủ tục biên phòng và quy trình y tế trong phòng, chống dịch bệnh nCoV đang ở mức cao, nguy hiểm. “Càng trong những ngày chống dịch căng thẳng thì chúng tôi càng phải duy trì an ninh trật tự biên giới, vừa bảo đảm thông thương vừa phối hợp lực lượng kiểm dịch y tế tại đây tập trung phòng, chống dịch nCoV nguy hiểm, không để xáo trộn cửa khẩu trong những ngày này, đó là mệnh lệnh”- Thượng úy Phong nói.

Hằng ngày, các sĩ quan, chiến sĩ trạm biên phòng này chia làm ba ca “trực chiến”, chìa quyển sổ mang theo người, Trạm phó Phong giải thích: Ca 1 từ 7 giờ sáng đến 10 giờ rồi rời vị trí về Trạm nằm cách xa hơn một cây số để ăn cơm, trong khi đó ca tiếp theo các chiến sĩ đi ăn cơm sớm và “trực chiến” từ 10 giờ đến 13 giờ, tiếp đó cả đơn vị lên cửa khẩu “trực chiến” đến 17 giờ, ca cuối trực từ đó đến 19 giờ đêm để giải quyết khi có tình huống phát sinh. “Liên tục, từ hôm siết chặt cửa khẩu đến nay, tất cả sĩ quan và chiến sĩ của Trạm cửa khẩu không một ai được nghỉ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Ai có việc thật cần thiết thì chúng tôi báo cáo lãnh đạo Đồn giải quyết, nhưng rất ít. Anh em đều xác định chống dịch như chống giặc nên sát cánh bên nhau “chiến đấu” vì an toàn sức khỏe của cộng đồng” - Trạm phó Phong chia sẻ.

Khoảng chín giờ, trời tạnh mưa, ở ngoài bãi hóa trường, vang động tiếng động cơ xe tải hạng nặng chuyển bánh kéo những container thanh long, mít từ miền nam, miền trung xuất khẩu sang Trung Quốc. Những “người lính” Hải quan mặc áo sẫm màu, đeo khẩu trang y tế kín mặt, cả nam và nữ vẫn nhẫn nại bên những xe hàng vừa từ bên kia biên giới chuyển đến. Mấy ngày nay, khi hàng hóa được thông quan, giao nhận tại cửa khẩu, để bảo đảm phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, các chiến sĩ phải “căng mình” ra để vừa thông hàng vừa chặn dịch.

Ở “bốt gác” đặt trong khu nhà liên ngành cửa khẩu, tôi gặp nữ giám sát Hải quan Nguyễn Thị Huệ. Từ mùng 2 Tết đến nay, ngày nào chị cũng 7 giờ sáng có mặt, 5 giờ chiều mới về, ăn trưa tại cửa khẩu, ngồi ở đây làm nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai phương tiện vận chuyển, vào sổ giám sát biển số phương tiện từ Trung Quốc nhập cảnh. Chị thường xuyên tiếp xúc với người từ bên kia biên giới, mỗi ngày chục, hàng trăm lượt, nguy cơ lây nhiễm rất cao, thế nhưng vẫn âm thầm, miệt mài nhập liệu vào hệ thống máy tính những mặt hàng, biển số xe để giám sát hải quan hàng hóa theo quy định. “Tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc nhưng mình ngồi trong nhà vẫn còn đỡ vất vả hơn so với các đồng nghiệp là nam giới ở bộ phận giám sát hàng hóa ngoài bãi kiểm hóa, họ phải “phơi trần” với chiếc khẩu trang y tế, để làm nhiệm vụ vừa thông thương hàng hóa vừa phòng ngừa, chặn dịch ngay từ cửa khẩu biên giới, bảo đảm an toàn cho nội địa phía sau” - chị Huệ giải thích.

Một ngày phòng, chống dịch nCov nơi tuyến đầu biên giới ảnh 1

Kiểm dịch y tế Lào Cai đo thân nhiệt cho công dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Kim Thành.

Ở tầng hai của nhà liên ngành, tôi gặp Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai Trần Anh Tú, anh cho biết, hơn 30 cán bộ, nhân viên hải quan ở đây không ai nghỉ chủ nhật, làm việc liên tục từ sau Tết đến nay để thông quan hàng hóa và chống dịch. Hiện tại, ở bãi kiểm hóa còn đang dồn ứ hơn 200 xe container thanh long, do tạm dừng để chống dịch nCoV, rất mừng là qua trao đổi tích cực, hai bên Kim Thành (Việt Nam) và Bắc Sơn (Trung Quốc) đã giao thương trở lại. Để đẩy nhanh thông quan mà vẫn bảo đảm chống dịch bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế, Hải quan và lực lượng biên phòng, kiểm dịch ở đây có “sáng kiến” lập ra đội lái xe chuyên biệt trung chuyển hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Kim Thành. Theo đó, đối với xe nhập khẩu, khi xe hàng từ bên kia biên giới sang, tất cả lái xe Trung Quốc sẽ được cách ly tại một khu vực riêng, tại đây bố trí lều dã chiến có đủ bàn uống nước, nhà vệ sinh phục vụ trong thời gian chờ thông quan. Sau đó xe hàng sẽ do các lái xe Việt Nam của Đội lái trung chuyển trong cửa khẩu Kim Thành phụ trách làm thủ tục và đánh xe vào bãi kiểm hóa.

Tương tự với xe đi xuất khẩu cũng có đội lái trung chuyển khác. Các đội lái phục vụ nhập và xuất ở hai khu cách ly riêng. Phạm vi của họ chỉ hoạt động trong cửa khẩu, không vượt quá bãi kiểm hóa, ăn nghỉ, sinh hoạt tại chỗ. Ai có nhu cầu trở về gia đình sẽ tiếp tục được ra cách ly tại một nơi riêng biệt khác trong vòng đủ 14 ngày theo quy định. Đội lái xe trung chuyển tại Cửa khẩu Kim Thành là giải pháp tình thế sáng tạo, theo nguyên tắc hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa người với người tại những khu vực khác nhau, giảm thiểu tối đa khả năng lây lan, phát tán dịch bệnh nCoV. “Nhờ có cách làm này, đã tăng tốc độ thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, chỉ trong bốn ngày từ 8 đến 11-2, đã có hơn 100 xe nông sản của Việt Nam được xuất khẩu, đạt tổng kim ngạch gần hai triệu USD. Chứng kiến niềm vui của cánh tài xế được trở về nhà sau hàng chục ngày “ăn chực nằm chờ”, anh em Hải quan chúng tôi mừng lắm”- Phó Chi cục trưởng Hải quan Trần Anh Tú tâm sự. Bữa cơn trưa “dã chiến” ở ngay tại cửa khẩu, những “người lính” Hải quan ăn nhanh để còn tiếp tục công việc cho dòng hàng thông quan trong điều kiện chống dịch ngặt nghèo.

Gần cuối chiều, khá nhiều công dân Việt Nam, chủ yếu là người miền nam và miền trung nhập cảnh trở về từ phía Trung Quốc. Trưởng khoa Kiểm dịch y tế Đỗ Văn Ngọc cho biết, đó là hơn 20 lái xe người Việt Nam chở hàng xuất sang Trung Quốc và người đi lao động bên kia biên giới trở về. Họ nhanh chóng được kiểm dịch viên Nguyễn Thị Thu Hương đo thân nhiệt bằng thiết bị cầm tay, đưa vào khu cách ly ngay trong nhà liên ngành và khám kiểm tra y tế. Sàng lọc ban đầu tại cửa khẩu cho kết quả, không ai bị sốt cao quá mức, tất cả bình thường, không ai phải đưa vào Bệnh viện đa khoa Lào Cai, nhưng theo quy định họ được đưa về khu cách ly 14 ngày đặt ở Trường Quân sự Lào Cai, cách đó 19 km. Trưởng khoa Ngọc lại tất bất điện thoại liên hệ với sĩ quan trực chỉ huy ở Trường Quân sự Lào Cai đưa xe ô-tô lên cửa khẩu đón những công dân này về cách ly theo quy định. “Áp lực công việc những ngày này rất lớn với những “người lính” kiểm dịch, số lượng người và phương tiện chuyên chở hàng hóa qua cửa khẩu tăng dần lên, vừa phải chống dịch vừa phải bảo đảm lưu thông nên 12 cán bộ, kiểm dịch viên chúng tôi phải “căng hết mình” để làm nhiệm vụ, nhưng mục tiêu cao nhất là không sót lọt, không bỏ qua bất cứ trường hợp nào, vì an toàn sức khỏe của cộng đồng” - Trưởng khoa Ngọc tâm sự.

Một ngày phòng, chống dịch nCov nơi tuyến đầu biên giới ảnh 2

Nữ kiểm dịch viên Nguyễn Thị Thu Hương đang làm việc ở Cửa khẩu Kim Thành.

Tôi hiểu những tâm tư của những kiểm dịch viên y tế đang ngày đêm chống dịch ở đây, ngày thường ít người biết đến họ, chế độ bảo đảm cũng còn khó khăn và thiếu thốn, nhưng khi tình huống xảy ra, họ không nề hà vất vả, không lo sợ hiểm nguy, lao vào công việc ở tuyến đầu chống dịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, sức khỏe cho mỗi người. Như hôm nay, ở đây tôi gặp kiểm dịch viên Nguyễn Thị Thu Hương, mặc dù đang nuôi con trai nhỏ mới 12 tháng tuổi nhưng từ mùng 2 Tết đến nay, không một ngày nghỉ, vẫn âm thầm và quyết liệt sát cánh cùng đồng đội hằng ngày trực tiếp đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn các công dân hai bên Việt - Trung ở cửa khẩu này cách phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. “Con nhỏ thì em nhờ bà ngoại trông giúp, buổi sáng vắt sữa mẹ cho vào bình để tủ mát cho con “bú”, còn buổi chiều hoặc có hôm tối về muộn thì cho con ăn sữa hộp vậy” - chị Hương cười nhỏ nhẹ. Tôi hiểu thêm phẩm chất cao đẹp của người nữ kiểm dịch viên nhỏ nhắn, với gương mặt sáng đang ở tuyến đầu chống dịch.

Mười tám giờ, trời đã tối sẫm, nữ kiểm dịch viên Nguyễn Thị Thu Hương mới bước vào căn phòng nhỏ đặt ở trong nhà liên ngành để bỏ khẩu trang, găng tay, bộ quần áo ngành đang mặc, vệ sinh khử trùng và thay bộ quần áo mới để trở về nhà. Ngày mai, cô lại tiếp tục sát cánh cùng đồng đội “chiến đấu” với dịch bệnh nguy hiểm nCoV ngay ở tuyến đầu biên giới này.