Mối quan hệ giữa dân số và nghèo đói

Quỹ Tiền tệ quốc tế trong báo cáo thường niên năm 2003 đã nêu: "Quản lý kinh tế vĩ mô thông minh đã tạo ra một môi trường tích cực cho việc tăng trưởng, đồng thời việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là một yếu tố then chốt cho quá trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam". Thật vậy, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua đã gắn liền sự phát triển xã hội, thể hiện rõ ở các chương trình mục tiêu của quốc gia, như Chiến lược dân số Việt Nam 2001 - 2010, Chiến lược gia đình Việt Nam, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo, Chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005, Chương trình 135... Công cuộc đổi mới của Việt Nam trong 20 năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Ðảng, đem lại những thành tựu lớn trong tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, an ninh xã hội. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục phát huy những thành tựu đó, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Trong đó, vấn đề dân số là một nhân tố quan trọng và là cơ bản đối với vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, ngày 22-3-2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 47-NQ/T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Trong bài này sẽ tập trung phân tích mối quan hệ giữa phát triển dân số và nghèo đói ở Việt Nam hiện nay.

Mối quan hệ giữa dân số và tăng trưởng kinh tế

Nhiều nhà nhân khẩu học kinh tế đã xây dựng mô hình và đưa ra học thuyết đã được nhiều nước ứng dụng (các nhà nhân khẩu học Ấn Ðộ đã đưa vào giáo trình giảng dạy chính thức về dân số học). Theo học thuyết này, giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển dân số có mối tương quan chặt chẽ tỷ lệ nghịch, "Ðể bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội như hiện tại, nếu tốc độ phát triển dân số là 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đương phải là 4%". Như vậy, theo mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế - xã hội, mỗi quốc gia phải xác định và khống chế tốc độ tăng dân số ở mức hợp lý để bảo đảm cho việc phát triển kinh tế bảo đảm có khả năng tích lũy.

Qua các số liệu chúng ta thấy chỉ sau những năm hòa bình lập lại, với tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ, nền kinh tế mới có tích lũy. Từ năm 1960 đến 1990 nền kinh tế có khó khăn thì không có tích lũy và âm. Trong những năm 1990 cùng với phát triển kinh tế và những thành tựu đạt được về DS-KHHGD, nền kinh tế đã có tích lũy trở lại. Mặc dù vậy, những số liệu của những năm tiếp theo cũng cho thấy rõ xu thế tích lũy còn thấp và hoàn toàn chưa ổn định.

Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng, đồng thời với tăng trưởng kinh tế và giảm được tỷ lệ phát triển dân số thì mới cho hiệu quả dương, tức tăng về đời sống nhân dân. Khi năm 2002, mức giảm sinh đạt tốt nhất thì mức độ nâng cao đời sống cũng lớn, năm 2003, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế tăng, nhưng vì dân số tăng trở lại dẫn đến mức độ cải thiện đời sống thấp. Năm 2004, tỷ lệ phát triển dân số giảm, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng do vậy mức độ phát triển đời sống tăng đáng kể. Như vậy, chúng ta thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa tỷ lệ tăng dân số và tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội.

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong dân số. Dựa vào các phương pháp tính toán dự báo về dân số và tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam, vào năm 2010 sẽ có khoảng 37% số người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong khi tổng số người thuộc dân tộc thiểu số chỉ chiếm 13% số dân toàn quốc; 49% số người có mức chi tiêu dưới ngưỡng nghèo sẽ vẫn là đồng bào dân tộc thiểu số. Với cơ cấu phân hóa thành thị nông thôn hiện nay ở Việt Nam là 20% số dân sống ở thị thành và 80% số dân sống ở nông thôn và các vùng hẻo lánh, đời sống, mức thu nhập và cơ hội có nhiều việc làm chất lượng cao của người dân rất khác nhau, dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng.

Hai vùng có tỷ trọng nghèo ngày càng tăng đó là vùng Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, mặc dù Tây Nguyên có mật độ dân số thấp, cả bốn tỉnh đến năm 2002 mới có 4,407 triệu người, nhưng chiếm 10% trong tổng mức nghèo ở Việt Nam. Hiện tại, vùng núi phía bắc, vùng Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên chiếm hơn hai phần ba tổng số người nghèo lương thực ở Việt Nam. Ðến năm 2002, mức giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ổn định và tỷ lệ nghèo đạt thấp nhất nước; trong khi 80% số người dân tộc vùng Tây Nguyên sống dưới ngưỡng nghèo. Số người dân tộc thiểu số sống ở vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và Ðông Nam Bộ chiếm khoảng 15% số dân. Ba phần tư số dân này có mức tiêu dùng dưới ngưỡng nghèo. Tỷ trọng người dân tộc thiểu số nghèo chiếm trong số người nghèo ở Việt Nam tăng, từ 20% năm 1993 lên 30% năm 2002; tỷ trọng người dân tộc thiểu số trong số người nghèo lương thực cũng tăng, từ 30% năm 1993 lên gần 53% năm 2002. Do đó, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số, nhất thiết phải áp dụng các chính sách ưu tiên và bảo trợ xã hội cho từng nhóm dân cư, bị thiệt thòi trong cơ chế thị trường thông qua các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005. Giải quyết vấn đề này cũng là nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số trong chính sách dân số của Chính phủ.

Một số biện pháp xóa đói, giảm nghèo thông qua chiến lược về dân số. Ðể hoàn thành một số mục tiêu về dân số của nước ta đến năm 2010 cần thực hiện các mục tiêu cơ bản sau:

- Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện linh hoạt các cơ chế, chính sách trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân công bằng và hiệu quả trong điều kiện cơ chế thị trường và tiếp tục giảm sức ép của sự gia tăng dân số, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là áp dụng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tiến hành hoàn chỉnh hệ thống luật pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo, từ đó thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả cao.