Mỗi năm có hơn 100 nghìn người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài

NDO -

NDĐT- Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết, hiện mỗi năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Đây là lĩnh vực phát triển tương đối nhanh, có nhiều tiến bộ thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại những yếu kém như tình trạng lao động trốn ở lại bất hợp pháp, hay tình trạng “cò mồi, tranh giành ở địa phương”.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 17-6, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài thời gian qua phát triển tương đối nhanh.

“Qua 12 năm thực hiện Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài (Luật số 72), có thể khẳng định luật đã từng bước đi vào cuộc sống, đem lại những hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hiện nay hằng năm bình quân có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Cả nước hiện có khoảng 580 nghìn người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, tham gia thị trường lao động tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng mở rộng.

“Theo số liệu mới nhất mà tôi có thì tỉnh có thu nhập lớn nhất từ nguồn người đi lao động ở nước ngoài mang về là xấp xỉ 300 triệu USD/1 năm”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh những mặt tích cực mà lĩnh vực này mang lại thì thời gian qua cũng có nhiều vấn đề tồn tại gây nhức nhối, nhất là ở các địa phương.

Một trong những tồn tại đó là tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp, thí dụ như tại Hàn Quốc, tỷ lệ lao động bỏ trốn trước đây ở mức cao, khoảng 56%.

“Chúng ta đã có nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết tình trạng này, kể cả phía ta và phía bạn. Qua đó, tới nay tỷ lệ bỏ trốn chỉ còn 24%, thấp hơn so với mức 30% mà chúng ta cam kết với Hàn Quốc, thấp hơn tỷ lệ của nhiều quốc gia. Đây là điều rất đáng mừng”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài hiện vẫn còn những tồn tại nhiều thách thức khác, thậm chí yếu kém như tình trạng môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài bất hợp pháp, tình trạng vi phạm hợp đồng lao động.

“Những trường hợp này phần nào làm xấu đi hình ảnh của chúng ta”, Bộ trưởng nhận xét.

Để chấn chỉnh, Bộ trưởng cho biết vừa qua Bộ LĐTB-XH đã cùng với các địa phương xử phạt và xem xét xử lý 118 doanh nghiệp khác nhau trên tổng số 459 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

“Mặc dù thời gian qua có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nhức nhối ở địa phương, đặc biệt là tình trạng cò mồi, tranh giành”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, theo luật hiện hành có bốn hình thức người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, gồm: lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; đi theo diện người Việt Nam trúng thầu, nhận công trình ở nước ngoài; đi thông qua doanh nghiệp và cá nhân tổ chức đầu tư ra nước ngoài; đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng.

Bên cạnh bốn hình thức nêu trên, từ 2 năm trở lại đây mới xuất hiện hình thức thứ 5, đó là hợp tác lao động ngắn hạn giữa các địa phương (tỉnh, thành phố) của Việt Nam với một địa phương của nước bạn.

“Đây là hình thức ký kết hợp tác lao động ngắn hạn (theo hợp đồng thời vụ khoảng 3, 4 tháng) với nhau, thậm chí đưa cả lực lượng lao động cấp xã sang nước bạn lao động thời vụ rồi trở về”, Bộ trưởng cho biết.

Thời gian tới để phát triển lĩnh vực này ngoài việc duy trì những thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, sẽ tập trung mở rộng một số thị trường lao động mới như Đức, Rumani, Ba Lan và gần đây là Hungary.