Lượng mưa ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, từ ngày 1 đến 10-3, khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 30 mm. Cũng trong thời gian này, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 10C.

Cán bộ, chiến sĩ Hạt Kiểm lâm Thạch Thành (Thanh Hóa) phối hợp nhân dân xã Thành Long tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: NGỌC THẮNG
Cán bộ, chiến sĩ Hạt Kiểm lâm Thạch Thành (Thanh Hóa) phối hợp nhân dân xã Thành Long tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: NGỌC THẮNG

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020; các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung vào thời kỳ từ ngày 12 đến 16-3 và từ ngày 27-3 đến 1-4; riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ ngày 9 đến 14-4 và từ ngày 24 đến 30-4, sau giảm dần.
 
 * Theo dự báo, từ ngày 1 đến 3-3, các địa phương khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có chỉ số về tia cực tím (UV) cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao. Theo đó, tại TP Đà Nẵng lần lượt là 9-9-8, TP Hội An là 9-8-8, TP Nha Trang là 8-10-9, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Cà Mau là 10-10-10.
 
 * Tổng cục Thống kê cho biết, hai tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn cả nước ước đạt 15.800 ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,7 triệu cây. Trong hai tháng, cả nước có 200 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy là 82,9 ha.
 
 Thiên tai xảy ra trong hai tháng đầu năm nay làm một người mất tích, một người bị thương, 634 nhà dân bị sập, đổ và hư hỏng, 3.300 con gia súc và gia cầm bị chết, 288 ha lúa và 110 ha hoa màu bị hư hỏng; ước giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 27 tỷ đồng.
 
 * Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 tại khu bảo tồn tre, trúc của Học viện. Học viện phấn đấu trồng khoảng 164 loài tre, trúc phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
 
 * UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) vừa tổ chức Tết trồng cây, hưởng ứng phong trào trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Tại chương trình, các đại biểu và nhân dân đã trồng gần 200 cây xanh bóng mát. TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa phối hợp Công ty cổ phần Than Cao Sơn phát động Tết trồng cây. Sau lễ phát động các đại biểu, lực lượng vũ trang, công nhân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trồng hơn 1.000 cây xanh. Huyện Quản Bạ (Hà Giang) vừa tổ chức phát động Tết trồng cây năm 2021. Sau lễ phát động, các đại biểu và nhân dân đã trồng 2.500 cây cảnh quan, trong đó gồm 2.000 cây hoa dã quỳ, 500 cây hoa anh đào.
 
 * Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang vừa phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động phát động Tết trồng cây. Tại lễ phát động, các đại biểu trồng 1.500 cây xanh tại khu vực Trạm bảo vệ rừng Khe Ủy. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên vừa tổ chức lễ phát động Tết trồng cây. Các cán bộ, chiến sĩ đã trồng cây xanh, cây ăn quả trong khuôn viên đơn vị.
 
 * Năm 2021, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được giao kế hoạch trồng 550 ha rừng, trong đó trồng rừng sau khai thác 500 ha, trồng rừng phân tán 50 ha, cơ cấu giống chủ yếu là mỡ, keo và quế. Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) có hơn 29.500 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là gần 14.800 ha. Trồng rừng hiện nay không chỉ có tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
 
 * Để thực hiện hiệu quả kế hoạch trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại vị trí để bố trí khu vực trồng phù hợp; phát động phong trào trồng cây vào thời điểm thích hợp và điều kiện của địa phương.
 
 * Từ tháng 1 đến tháng 2, tỉnh Thanh Hóa đã phát dọn đốt vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng thông khu vực có nguy cơ cháy cao với diện tích 936 ha. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
 
 * Tại tỉnh Cà Mau, hiện có 110.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 94.000 ha rừng tập trung. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện trực phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả; tổ chức lực lượng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
 
 * Đến nay, các địa phương trên cả nước đã tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho hơn 27 nghìn con trâu, bò. Hiện cả nước có 44 ổ dịch xảy ra ở các địa phương là: Nam Định, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị và Thanh Hóa.
 
 * UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2021. Tỉnh phấn đấu hơn 80% số gia súc, gia cầm được tiêm phòng. Riêng đối với bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 85% tổng đàn.
 
 * Vụ lúa đông xuân năm nay, tỉnh Nghệ An gieo cấy 90.700 ha.
 
 Tuy nhiên, hiện nay có gần 400 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhân dân phun thuốc phòng trừ và bắt thủ công bằng tay.
 
 * Tại Bình Thuận, theo dự báo từ nay đến tháng 5 nếu không có mưa, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh… có nguy cơ thiếu nước cục bộ. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo nhân dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; không sản xuất tại các vùng, khu vực không bảo đảm nguồn nước để ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt…
 
 * Thời gian gần đây, nhiều khu vực bờ biển tại TP Vũng Tàu, hai huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng, tại hai xã Bình Châu và Phước Thuận (Xuyên Mộc) có gần 18.000 m bờ biển bị xói lở. Từ đầu tháng 1 đến nay, tỉnh Hậu Giang xuất hiện sáu điểm sạt lở đất tại huyện Châu Thành. Tổng chiều dài sạt lở 127 m, diện tích mất đất là 643 m2; ước tổng thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
 
 * Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.700 ha thanh long, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… với sản lượng thu hoạch hằng năm đạt gần 700 nghìn tấn/năm.
 
 * Năm 2021, tỉnh Bình Định có kế hoạch thả nuôi tôm với diện tích 2.107 ha. Do năm trước vắng lũ, ao hồ nuôi tôm không được nước lũ thau rửa nên vụ tôm năm nay đối mặt với nhiều khó khăn vì ô nhiễm.
 
 * Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, hôm nay 1-3, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, sau đó đến khu vực phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm 1-3, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Từ ngày 2-3, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18oC, vùng núi có nơi dưới 14oC. 
 

Kết nối tiêu thụ nông sản cho nhân dân vùng dịch
 
 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, trên địa bàn còn khoảng 30 nghìn tấn cà-rốt chờ thu hoạch. Cùng với đó, khoảng 5.000 tấn cà-rốt đã thu hoạch, đang được bảo quản trong kho lạnh chờ xuất khẩu. Ngày 27-2, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã liên hệ đặt mua cà-rốt để chuẩn bị xuất khẩu đi Hàn Quốc. Đây là một tín hiệu vui cho nông dân trong tỉnh sau một thời gian gặp khó khăn khi tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
 ★ Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) tồn đọng hơn 100 tấn cà chua, su hào, gần 100 tấn hoa quả. Huyện Yên Mỹ đã có công văn khẩn mời các công ty và phát động các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nhân dân. Bước đầu đã tiêu thụ được gần 100 tấn.
 
 ★ Niên vụ 2020 - 2021, huyện Bắc Quang và Quang Bình (Hà Giang) có gần 7.000 ha cam sành. Hiện nay, sức tiêu thụ cam giảm mạnh nên sản lượng cam chưa xuất bán của hai huyện còn khoảng 30 nghìn tấn. Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), hiện nay ước tính số bưởi tồn đọng ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây khoảng 500 tấn chưa tiêu thụ được.