Lào Cai tập trung giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo đã được các ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua 5 năm, toàn tỉnh có hơn 39 nghìn hộ thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 5,17%, với 7.800 hộ/năm, vượt gần 30% kế hoạch so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt 103,4% kế hoạch so với mục tiêu Đề án “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020”.

Cán bộ hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trồng cây ăn quả. Ảnh: Quốc Hồng
Cán bộ hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trồng cây ăn quả. Ảnh: Quốc Hồng

Nhờ những chính sách đồng bộ trong công tác giảm nghèo, cả hệ thống chính trị và người dân Lào Cai đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển dần được thu hẹp; mặt bằng dân trí được nâng cao; nguồn nhân lực cán bộ dân tộc thiểu số được chú trọng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
 
 Giai đoạn 2020 - 2025, Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 đến 4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm trở lên; phấn đấu 50% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác giảm nghèo; chỉ đạo các cấp, ngành phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững. Tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính kết nối, phục vụ sản xuất và dân sinh.
 
 ★ Giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 đã triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo trong công tác dân vận. Trong đó, nổi bật là Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019 - 2025. Đề án nhận được sự đồng thuận, ủng hộ lớn về cơ chế chính sách, đất đai, kinh phí của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Với hơn 45 tỷ đồng do Quân khu hỗ trợ, các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Long An đã xây dựng 34 điểm dân cư với 170 căn nhà, đưa dân lên định cư ở biên giới, hình thành lực lượng tại chỗ, hỗ trợ lực lượng dân quân, biên phòng bảo vệ biên cương. Đồng thời, thực hiện chủ trương “gắn kết, thân thiện, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo”, LLVT Quân khu 7 đã phối hợp xây 380 nhà tình nghĩa quân - dân tặng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ 11 công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao tặng các cơ sở tôn giáo trên địa bàn, tổng kinh phí 35,4 tỷ đồng.
 
 Bên cạnh đó, công tác dân vận được triển khai đa dạng, với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân - dân, gắn kết giữa các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số với LLVT Quân khu và cấp ủy, chính quyền; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.
 
 Giai đoạn 2020 - 2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 7 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp dân vận; phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan quân sự địa phương tăng cường, phát huy vai trò, nhiệm vụ tham mưu, phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác trên địa bàn làm công tác dân vận theo hướng “thực tâm, thực chất, hiệu quả” và xác định rõ, “an dân, lo cho dân” là nhiệm vụ chính trị của LLVT Quân khu…