Làng biệt thự xây dựng không phép trên đất rừng

NDO -

Hơn 50 ngôi nhà kiểu dáng biệt thự tại tiểu khu 268, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), thấp thoáng dưới tán rừng, cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; thoạt nhìn, cứ ngỡ “làng biệt thự” được quy hoạch đàng hoàng, ai ngờ lại xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp.

“Làng biệt thự” xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
“Làng biệt thự” xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Nhà không phép “mọc” tự nhiên?

Khu vực được ví là “làng biệt thự” này nằm bên đường hoa Đỗ Quyên, nối Khu khu lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Theo quan sát, phần lớn các công trình được dựng bằng gỗ, kết cấu kiểu dáng nhà sàn, móng trụ kiên cố, mỗi căn có diện tích khoảng 70 đến 150 m2. Nhiều “biệt thự” vừa đưa vào sử dụng, số còn lại vẫn đang được gấp rút hoàn thiện. Các công trình này đều xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, thuộc dự án của Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam (Công ty Phương Nam), đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao quản lý, bảo vệ, trồng rừng khoanh nuôi, làm giàu rừng kết hợp xây dựng khu du lịch dã ngoại từ năm 1992, tổng diện tích hơn 355 ha. Đến năm 1999, Công ty được UBND tỉnh phê duyệt dự án định canh, định cư làng dân tộc Đarahoa, thuộc xã Hiệp An.

2_Nhung_cong_trinh_khong_phep_tr-1604032056124.jpg
Những công trình không phép trong “làng biệt thự”.

Theo chủ đầu tư dự án, cách đây hơn một năm, khu vực này vẫn được rừng bao phủ và rẫy cà-phê, cùng vài căn chòi canh rẫy của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhưng vài năm gần đây, nhất là khi tuyến đường nhựa được mở, nối Khu khu lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc Liên Khương - Prenn vào năm 2017, tình trạng mua, bán đất trái phép nơi đây trở nên nhộn nhịp và giờ đã thành làng, mà được ví là “làng biệt thự” hẳn hoi, với tất cả hơn 50 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, tổng diện tích khoảng 45 ha.

Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Phương Nam: “Khi xuất hiện một ngôi nhà chúng tôi đã báo cáo và xã cùng Công ty tổ chức giải tỏa thành công, đến cái thứ hai cũng thành công. Sau đó xuất hiện thêm mấy căn nữa thì chịu. Vì vậy mà chúng tôi kêu cứu nhiều nơi, tỉnh giao cho huyện, huyện giao xã vài lần rồi, nhưng không thực hiện được. Từ đó, chúng tôi làm đơn (tạm gọi là kêu cứu khẩn cấp) nhưng vẫn cứ kéo dài…”

6_Kho_de_tuong_tuong_day_la_lang-1604032055670.jpg
Khó có thể tưởng tượng đây là “làng biệt thự” trái phép.

UBND xã Hiệp An cho biết, mới đây cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc tác động, san gạt mặt bằng và xây dựng 15 công trình trái phép trên đất lâm nghiệp thuộc dự án của Công ty Phương Nam. Thời gian qua, lực lượng của xã cùng cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng đã đến hiện trường kiểm tra, nhưng các ngôi nhà đang xây dựng trái phép đều “vắng chủ”. UBND xã Hiệp An đã tiến hành dán thông báo tìm hàng chục chủ công trình vi phạm tại tiểu khu 268. Trong các thông báo đều nêu hiện trạng công trình sai phạm và ra điều kiện, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày ban hành thông báo), nếu các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư công trình không đến liên hệ với UBND xã Hiệp An để giải quyết, xã sẽ tổ chức giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu.

Đừng để “nhờn thuốc”

“Trước đây, rừng núi cộng với cà-phê một màu xanh ngắt. Bây giờ, nơi đây đã trở thành “ngôi làng” thì quá sức tưởng tượng của chúng tôi”, Giám đốc Công ty Phương Nam Nguyễn Đức Phúc thảng thốt. Theo ông Phúc, bà con đồng bào dân tộc nói, thời gian qua, nhiều người từ Đà Lạt đến đây mua đất dựng nhà trái phép, trong đó có cả cán bộ. “Họ nói tôi nghe, nhưng là ai thì tôi không biết”, ông Phúc nói. Công ty ông cũng đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền các cấp vào cuộc để ngăn chặn sự việc, vì công ty không đủ sức, nhưng bây giờ vẫn thành “làng biệt thự”.

3_Nhung_cong_trinh_dang_gap_rut_-1604032056053.jpg
Các công trình không phép đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Dù chuyện đã rồi, nhưng cũng cần xác định rõ, trước hết là trách nhiệm chủ dự án khi được giao quản lý, bảo vệ, trồng rừng khoanh nuôi, làm giàu rừng… Sau đó đến nhiệm vụ phối hợp của các đơn vị, ban, ngành liên quan. 

Những ngày trong tháng 10, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục ra các văn bản chỉ đạo xử lý các nội dung liên quan đến dự án Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam. Trong đó, tại văn bản ngày 7-10, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty xây dựng phương án giải tỏa; đồng thời, báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc dự án để quản lý, sử dụng đúng mục đích được giao/thuê; hoàn thành xong trước ngày 15-11; củng cố, bố trí lực lượng đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Tại văn bản ngày 19-10, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến, việc lập phương án giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, thuộc trách nhiệm của đơn vị được giao/thuê đất, rừng; các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan ở địa phương là đơn vị phối hợp…

4_Can_canh_mot_trong_nhung_ngoi_-1604032055984.jpg
Cận cảnh một trong những ngôi nhà xây dựng không phép trên đất rừng.

Và mới nhất, ngày 28-10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm tại tiểu khu 268, thuộc xã Hiệp An. Trong đó, giao UBND huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra thực tế, kịp thời lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục và xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 2-11. Các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo đối với dự án Công ty Phương Nam.

Sau văn bản hỏa tốc trên một ngày, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc lập tức chủ trì cuộc họp, với sự tham gia của UBND huyện và các ngành, để chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án của Công ty Phương Nam. Bí thư Huyện ủy Đức Trọng chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại “làng biệt thự”, thuộc tiểu khu 268, xã Hiệp An; xây dựng kế hoạch giải tỏa toàn bộ khu vực (có phân chia giai đoạn để phù hợp với yêu cầu thực tế), kết hợp cưỡng chế với vận động thuyết phục người dân tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; xây dựng phương án sử dụng đất sau giải tỏa. Đồng thời, cần xác định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án trong việc vận động, thuyết phục các hộ dân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; chịu trách nhiệm pháp lý khi để đất bị lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép. Huyện ủy Đức Trọng đề nghị UBND huyện yêu cầu công an huyện khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý các đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo người dân ngăn chặn việc giải tỏa, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại khu vực trên.

5_Ngoi_lang_moc_len_ben_cung_duo-1604032056673.jpg
Ngôi làng “mọc” lên bên cung đường nhựa.

“Làng biệt thự” với những công trình không phép xây dựng trên đất rừng đã hình thành. Có nghĩa, chuyện đã rồi. Trách nhiệm các bên rồi cũng sẽ được làm rõ. Việc bây giờ là giải quyết, xử lý rốt ráo sự việc để không gây hệ lụy, trở thành “mẫu” soi chiếu ở những dự án khác, mà dân gian thường nói là “nhờn thuốc”.

Sau khi nắm bắt thông tin về hàng loạt công trình trái phép “mọc” trên đất rừng, thuộc dự án của Công ty Phương Nam, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc, báo cáo thường trực tỉnh ủy trước ngày 2-11.