Làm rõ kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO -

NDĐT- Nhận thấy tổng nguồn vốn đề xuất cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu, chỉ còn hơn 41%, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét kỹ tổng mức vốn cho Chương trình, làm rõ tính khả thi với nguồn lực bố trí như dự kiến.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến

Sáng 28-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình mục tiêu quốc gia).

Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được thực hiện trong 10 năm, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025; Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030. Địa bàn thực hiện là vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên. Phân định theo trình độ phát triển, bao gồm địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn), địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I). Mục tiêu đề ra là giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia gồm 10 dự án thành phần. Chính phủ đã dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng; Giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỷ đồng.

Tại Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày, Hội đồng Dân tộc cho rằng để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ tại Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88 của Quốc hội thì tổng nguồn vốn đề xuất trên đây chưa đáp ứng yêu cầu và thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (335.421,367 tỷ đồng, bằng 41,04% khái toán ban đầu), trong khi các mục tiêu đều không thay đổi.

Do vậy, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ tính khả thi của Chương trình, với nguồn lực bố trí như dự kiến. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét kỹ tổng mức vốn cho Chương trình và hằng năm tiếp tục quan tâm cân đối, bổ sung, bố trí thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Chương trình chủ yếu là Ngân sách trung ương (khoảng hơn 76%). Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đóng góp cho Chương trình, đồng thời các địa phương có cam kết, bảo đảm bố trí vốn địa phương để thực hiện. Về cơ cấu vốn, giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư phát triển là 50.629 tỷ đồng/vốn sự nghiệp là 54.324 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị bố trí tăng chi đầu tư phát triển. Tính toán lại các nội dung dự án liên quan nguồn kinh phí sự nghiệp phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Về 10 dự án đề xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc nhận thấy là phù hợp với nội dung đã được xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Tên các dự án đã thể hiện nội hàm của chính sách. Do vậy, đề xuất triển khai 10 dự án của Chính phủ là hợp lý, bao quát khá đầy đủ các nội dung cần giải quyết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.