Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn

Lai tạo, sản xuất nhiều giống gia cầm chất lượng cao

Là đơn vị nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống gia cầm có tiếng của cả nước, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã triển khai hiệu quả công tác lai tạo, sản xuất nhiều giống gia cầm chất lượng, cung ứng ra thị trường hàng trăm nghìn con giống bố mẹ để sản xuất ra hàng chục triệu gia cầm thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Nông dân xã Ðồng Tâm (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) chăm sóc gà giống HA. Ảnh: BÍCH HÒA
Nông dân xã Ðồng Tâm (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) chăm sóc gà giống HA. Ảnh: BÍCH HÒA

Những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã chọn tạo, nhân giống và phát triển được đa dạng nhiều dòng gà lông mầu, dòng ngan và vịt có giá trị kinh tế cao. Ðó là các giống gà lông mầu nhập nội như gà Tam Hoàng 882, gà Tam Hoàng Jiang cun, gà Lương Phượng, gà Kabir, gà Sasso; giống gà lông mầu hướng trứng Ai Cập có năng suất sinh sản phù hợp điều kiện nuôi chăn thả tại các vùng sinh thái trong cả nước; chọn tạo được các dòng gà có năng suất, chất lượng cao khác như: LV, TP, HA, TN, GT... Các dòng vịt siêu thịt SD, SH từ nguyên liệu các dòng vịt chuyên thịt nhập nội, vịt nuôi sinh sản cho năng suất trứng đạt từ 230 đến 250 quả/mái/năm cao; bốn dòng vịt mới chuyên thịt từ nguyên liệu vịt SM3 Heavy ông bà nhập nội. Tiếp đến là các dòng ngan SV và V7 cho năng suất trứng/hai chu kỳ đẻ từ 192 đến 205 quả/mái, ngan nuôi thịt có khối lượng cơ thể lúc 88 ngày tuổi con trống đạt từ 4,5 đến 5,5kg; 77 ngày tuổi ngan mái đạt từ 2,5 đến 3kg...

Không chỉ có vậy, năm 1996, xuất phát từ vài cá thể đà điểu, đến nay chăn nuôi đà điểu đang trở thành nghề chăn nuôi mới với số lượng hàng trăm nghìn con phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Trung tâm đã nghiên cứu và hoàn toàn làm chủ được công nghệ chăn nuôi, quy trình thú y phòng bệnh, quy trình ấp, nở đà điểu. Ðà điểu sinh sản tốt, năng suất trứng đạt từ 43,3 đến 45,0 trứng/mái, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đứng đầu các nước ASEAN. Hiện nay, trung tâm có năm cơ sở từ bắc vào nam, từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên đến Bình Thuận. Hệ thống sản xuất giống được thiết lập từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đến các trung tâm giống thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang…

Cùng với việc nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống gia cầm, thủy cầm, hằng năm trung tâm còn phối hợp các địa phương, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, con giống phục vụ sản xuất; với số lượng hơn 350 nghìn gà giống bố mẹ để từ đó sản xuất ra 40 triệu gà thương phẩm; hơn 120 nghìn ngan bố mẹ, sản xuất ra 10 triệu ngan thương phẩm và 150 nghìn vịt bố mẹ, sản xuất ra khoảng 15 triệu con thương phẩm… "Tiếng lành đồn xa", nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi lớn, bà con nông dân tìm đến các cơ sở của trung tâm mua con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. Chia sẻ với chúng tôi, bà Bùi Thị Lan, ở xã Ðồng Tâm (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) cho biết: "Trang trại của gia đình tôi đang nuôi hàng nghìn gà trứng HA của trung tâm. Giống gà này có ưu điểm là tỷ lệ nuôi sống, khả năng thích nghi cao, năng suất trứng đạt hơn 250 quả/mái/năm. Nhờ nuôi gà, đời sống của gia đình tôi và nhiều hộ dân ở các vùng lân cận ngày càng được nâng lên".

Hướng tới việc nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo đa dạng các giống gia cầm chất lượng cao chuyển giao vào sản xuất, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiêm cho biết: Năm 2019, Trung tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ đàn giống gốc. Chú trọng việc xây dựng kế hoạch triển khai nuôi giữ đàn giống gốc gồm 600 con gà Mía, 600 gà Ðông Tảo, 2.800 gà LV, 3.600 ngan Pháp, 4.000 vịt chuyên thịt, tăng cường chọn lọc, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn giống bảo đảm sản xuất ra con giống có chất lượng cao.

Cùng với đó, trung tâm đã thực hiện một số dự án, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ như: Dự án sản xuất thử nghiệm chế phẩm na-nô sắt, kẽm, đồng, sê-len và ứng dụng trong chăn nuôi gà; Dự án Sản xuất thử nghiệm giống ngan trâu và vịt Minh Hương tại một số tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Các đề tài: Nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà lông mầu hướng thịt, hướng trứng cho năng suất chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi; Nghiên cứu chọn lọc ổn định năng suất bốn dòng vịt chuyên thịt VCN/TP-CT1, VCN/TP-CT2, VCN/TP-CT3 và VCN/TP-CT4. Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai dự án khuyến nông "Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho một số tỉnh miền trung và Tây Nguyên, thời gian thực hiện 2019-2021". Theo đó, phối hợp các Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum tổ chức chọn điểm triển khai mô hình với sự tham gia của nhiều hộ nông dân, bảo đảm đầy đủ về tiêu chí có chuồng trại, có điều kiện kinh tế, có nhân lực... Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025: "Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông mầu hướng thịt bố mẹ TP và gà thương phẩm hướng trứng HA, gà thương phẩm hướng thịt TP tại tỉnh Hà Nam"...

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiêm, tới đây chúng tôi sẽ đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế nhằm phát triển, xứng đáng là cơ sở nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, có tiềm lực khoa học - công nghệ cao; góp phần vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi gia cầm hiệu quả, bền vững. Ðồng thời tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng con giống ra sản xuất, củng cố thương hiệu trung tâm.

Nói về những đóng góp của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương với ngành chăn nuôi gia cầm của nước nhà, TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết: "30 năm xây dựng và phát triển, trung tâm đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành chăn nuôi và trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống gia cầm hàng đầu của cả nước, cánh chim đầu đàn của Viện Chăn nuôi".