Kỳ vọng Thủ Đức

Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ giúp khu vực phía đông "đầu tàu" kinh tế cả nước này sớm trở thành "hạt nhân", một "cực" tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển bền vững. Đây là mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Dự kiến trong tương lai gần, TP Thủ Đức sẽ đóng góp đến 30% GRDP của TP Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 7% GDP cả nước…

Cầu vượt Cát Lái tại TP Thủ Đức.
Cầu vượt Cát Lái tại TP Thủ Đức.

Sức bật phát triển mới

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những thành tựu phát triển toàn diện, sâu sắc nhưng vấn đề cơ bản đang đặt ra là tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng kinh tế so với cả nước đã giảm mạnh. Bình quân giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao hơn cả nước 1,65 lần, đến năm 2011 chỉ còn 1,17 lần và giai đoạn 2011 - 2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần. Việc thành lập TP Thủ Đức là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế TP
Hồ Chí Minh tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn, bởi nơi đây có đủ các điều kiện để trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0.

TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111/2020/UBTVQH14 ngày 9-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập ba quận Thủ Đức, 2 và 9 với quy mô khoảng 21 nghìn héc-ta, chiếm 10% diện tích; dân số hơn một triệu người, chiếm 12% tổng dân số TP Hồ Chí Minh. Đây là thành phố có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ tiếp giáp với các địa phương năng động vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… và giữ vai trò kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). TP Thủ Đức có hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương lân cận. Nơi đây cũng thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu); đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục để các quận tách rời nhau sẽ không tạo nên tính tương tác giữa các cực tăng trưởng làm đòn bẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là kết nối ba nền tảng: Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) ở quận 9; Đại học quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) và Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). TP Thủ Đức được thành lập là tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, trong tâm thế mới và là "bệ phóng" thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Nhã cho rằng: TP Thủ Đức đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao (CNC), hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp CNC, nông nghiệp CNC, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ theo xu hướng công nghiệp 4.0...

SHTP và khu ĐHQG TP Hồ Chí Minh có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tương tác cao của TP Thủ Đức. SHTP thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, như Intel, Nidec, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước. Hiện, SHTP có tỷ lệ đầu tư lấp đầy khoảng 90% với hơn 150 dự án, tổng vốn đầu tư hơn bảy tỷ USD. Năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm CNC đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng hơn 23% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 3,45% so kế hoạch đề ra. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm CNC của SHTP đạt gần 81 tỷ USD và giải quyết việc làm cho hơn 42 nghìn lao động. Tổng số lao động chỉ chiếm chưa đến 1% so với tổng số lao động của TP Hồ Chí Minh nhưng SHTP đóng góp giá trị xuất khẩu chiếm đến 37% của thành phố; năng suất lao động gấp 6,6 lần so với năng suất lao động bình quân các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, gấp 16,6 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.

Khu ĐHQG TP Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu với 10 nghìn giảng viên, hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100 nghìn sinh viên. ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn kết nối thuận tiện với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại quận 2, cơ bản đã hình thành khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Ba nền tảng trên gắn kết với nhau sẽ tạo ra sức bật phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ để TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, hình thành khu vực dẫn dắt kinh tế mới với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI).

Để trở thành thành phố kiểu mẫu

Theo quy hoạch, dân số TP Thủ Đức đến năm 2040 khoảng hai triệu người, năm 2060 là ba triệu người với hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng kinh tế 4.0 liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của thành phố. Khi đó, TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế; vừa là không gian sáng tạo, sản xuất, dịch vụ 4.0, một trung tâm AI lớn của Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho phát triển của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước, hướng mạnh mẽ tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0. Với vị trí giao thông rất thuận lợi, Thủ Đức cũng giúp TP Hồ Chí Minh kết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành vùng kinh tế 4.0 ở phía nam của đất nước.

Tuy nhiên, TP Thủ Đức đang đối mặt với một số khó khăn, bất cập cần phải giải quyết kịp thời. Theo đó, quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối. Tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ. Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng, hiện có khoảng mười vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường, nặng nhất là ở quận Thủ Đức.

Các chuyên gia nhận định, để TP Thủ Đức trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trung tâm AI… phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau. Đó là hạ tầng kinh tế 4.0; hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị; hạ tầng tài chính - dịch vụ và hạ tầng xã hội hiện đại. Hiện, TP Thủ Đức cơ bản có các điều kiện nêu trên, thời gian tới sẽ triển khai hàng loạt dự án trọng điểm. Trong đó, dự án Công viên khoa học rộng khoảng 200 ha tại SHTP đóng vai trò như là công cụ để chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, tạo cửa ngõ quan trọng trao đổi tri thức công nghệ, sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ CNC.

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết: Mục tiêu của Công viên khoa học là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với đầu ra là các sản phẩm CNC, giá trị gia tăng lớn. Trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu triển khai, khu sản xuất thử nghiệm và doanh nghiệp (DN)… đóng vai trò là nhân tố tham gia vào hệ sinh thái tại Công viên khoa học. Đây cũng là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực CNC, là tác nhân chuyển biến thành nội lực quốc gia để tạo động lực sản xuất mới; nơi ươm tạo các DN non trẻ thành các DN đủ mạnh để gia nhập toàn cầu, hội nhập quốc tế bền vững…

Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai (quận Thủ Đức) dự kiến được triển khai, xây dựng là một địa điểm lý tưởng để phát triển theo mô hình thành phố thông minh, một "phòng thí nghiệm đô thị" tạo nơi thu hút nhân tài, người thu nhập cao. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại khu đô thị này. Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, Khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải và thông tin mới, một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật, giải trí...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, đối với phát triển hạ tầng đô thị, TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư tám trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao đời sống người dân. Đó là Trung tâm Tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm Sản xuất ứng dụng CNC; Trung tâm Giáo dục, đào tạo và Nghiên cứu khoa học - công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm Công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Công-ten-nơ Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

TP Thủ Đức được thành lập là quyết tâm rất lớn của TP Hồ Chí Minh và sự đồng lòng của người dân nhằm đưa nơi đây trở thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế cho cả khu vực. Với những chuỗi giá trị gia tăng được thiết lập trên nền tảng khoa học CNC, hạ tầng kỹ thuật công nghệ 4.0, ngành kinh tế tri thức, quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang diễn ra sôi động…, TP Thủ Đức sẽ tạo ra sức bật mới cho kinh tế, là động lực tăng trưởng 4.0 của cả nước.

Cao Tân và Tùng Quang