Khu tái định cư 12 năm “đi tìm” sổ đỏ

NDO -

NDĐT – Có đất ở bị thu hồi phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án khu công nghiệp và được bố trí tái định cư (TĐC) ở khu vực mới từ năm 2007, nhưng suốt 12 năm nay, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay cách gọi quen thuộc là sổ đỏ. Vướng mắc đến từ những lý do rất... khó tin.

Khu TĐC trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).
Khu TĐC trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).

Mơ hồ quyền sử dụng đất

Ông Bùi Văn Thái, nguyên là Bí thư Đảng bộ xã Mỹ Trung, nay nghỉ hưu, làm Bí thư Chi bộ thôn 12 thuộc khu TĐC trên địa bàn xã. Ông Thái từ rất lâu đã “gánh” trên vai trách nhiệm đại diện người dân nơi đây kiến nghị lên các cấp chính quyền nguyện vọng được cấp sổ đỏ cho mảnh đất của họ. “Các kỳ tiếp xúc cử tri, kỳ họp HĐND nào, tôi cũng phát biểu một nội dung như vậy. Nhưng mãi vẫn không có kết quả”, ông thở dài.

Khu tái định cư 12 năm “đi tìm” sổ đỏ ảnh 1

Người dân khu TĐC xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc mỏi mòn chờ sổ đỏ.

Tuổi đã ngoài 60, ông Bùi Văn Tiến (thôn 12, xã Mỹ Trung) đau đáu về chứng nhận quyền sử dụng đất TĐC. Đất cũ nhà ông Tiến cách đất hiện tại khoảng 500 m, rộng hơn 1.100 m². Năm 2007, đất bị thu hồi để xây khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung, ông được đền bù hơn 850 triệu đồng. Ông Tiến dùng gần 300 triệu đồng mua hai lô đất TĐC, dự định cho con một lô để xây dựng gia đình, đầu tư làm ăn. Nhưng chờ mãi mà không có sổ đỏ, những lô đất này trở thành mối lo thường trực với gia đình ông. Ông Tiến bảo: Đất của mình mà không được thừa nhận, mai này chúng tôi mất đi, có xảy ra tranh chấp biết làm thế nào? Ruộng không còn, người già ở khu này chỉ biết sớm hôm trông cháu, sống dựa vào con. Chúng nó cần cái sổ đỏ để thế chấp vay vốn làm ăn nhưng chẳng có, cứ phải đi làm công đầu tắt mặt tối cả ngày...

12 năm trước, đơn vị giao đất TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất không phải chính quyền huyện Mỹ Lộc, mà là Công ty CP Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh (gọi tắt là công ty Hoàng Anh, trước đây thuộc Tập đoàn Vinashin, nay thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam). Văn bản giao đất, thu tiền ngày ấy không ai còn giữ, vì tháng 5-2014, nó đã được cán bộ địa chính xã Mỹ Trung “mượn” để hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho hơn 100 hộ. Trong tay những hộ như hộ ông Tiến hiện chỉ còn một mảnh giấy biên nhận sơ sài, không có dấu và chẳng rõ giá trị pháp lý ra sao. Sổ đỏ đến giờ vẫn chỉ là ước vọng.

Khu tái định cư 12 năm “đi tìm” sổ đỏ ảnh 2

Bỏ hàng trăm triệu nộp tiền sử dụng đất TĐC, nhưng tất cả cơ sở chứng nhận trong tay người dân chỉ là tờ giấy biên nhận sơ sài.

Doanh nghiệp “trảm” nhưng không “tấu”?

Năm 2004, UBND tỉnh Nam Định có quyết định giao Công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng dự án KCN Mỹ Trung rộng hơn 150 hecta thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Tổng mức đăng ký đầu tư của Công ty Hoàng Anh là gần 359 tỷ đồng.

Trong quá trình lập phương án giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, UBND huyện Mỹ Lộc thu hồi đất của 76 hộ dân (trong khu dân cư) với diện tích hơn 50 nghìn m². Sau đó, hội đồng giải phóng mặt bằng đã xét duyệt cho 110 hộ (gồm 76 hộ bị thu hồi đất và 34 hộ còn lại là con cái tách ra thành hộ riêng) được giao đất TĐC (vốn là đất sản xuất nông nghiệp) tại hai khu An Lạc - Bốn Đỗi (hơn 38.600 m², phân thành 194 lô đất) và Đồng Đanh (hơn 18.100 m², phân thành 76 lô).

Theo Phó Chủ tịch huyện Mỹ Lộc Trần Tất Nguyên, năm 2007, dù không có văn bản cho phép của UBND tỉnh, Công ty Hoàng Anh vẫn tự ý lên danh sách, tự ý đứng ra giao đất, thu tiền với các mức giá 750 nghìn đồng/m² cho 140 lô; 600 nghìn đồng/m² cho 93 lô và 650 nghìn đồng/m² cho 37 lô khác (tùy vị trí ở mặt đường chính hay phía trong khu TĐC). Không chỉ “làm thay” các công việc của UBND huyện, doanh nghiệp còn có một số vi phạm về quản lý, sử dụng đất, như việc sử dụng 400 m² đất quy hoạch xây nhà trẻ chuyển sang đất ở để bán lấy tiền; dùng 4.700 m² đất TĐC giao cho các hộ không thuộc diện được TĐC; giao đất TĐC với diện tích lớn hơn diện tích đất bị thu hồi cho một số hộ...

Khu tái định cư 12 năm “đi tìm” sổ đỏ ảnh 3

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc Trần Tất Nguyên thông tin với phóng viên.

Tất cả những điều này được nêu trong văn bản của UBND huyện Mỹ Lộc gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định ngày 1-10-2014. Nhưng đáng nói, suốt bảy năm từ đó trở về năm 2007 (thời điểm 110 hộ dân nhận đất ở khu TĐC và xây nhà cửa kiên cố), hành động của Công ty Hoàng Anh đều không “được” các cấp tỉnh, huyện, xã phát hiện. Theo ông Trần Tất Nguyên, chỉ đến năm 2014, khi “được UBND tỉnh giao tập trung vào việc rà soát, xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân khu TĐC Mỹ Trung”, huyện mới nhận thấy hai lỗ hổng lớn trong quy trình.

Thứ nhất, danh sách các hộ được giao đất TĐC chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Thứ hai, do nộp tiền sử dụng đất TĐC cho Công ty Hoàng Anh thay vì cấp chính quyền huyện, hơn 100 hộ dân không có cơ sở chứng minh việc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Ông Nguyên cho biết, UBND huyện Mỹ Lộc đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Nam Định, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, có 55 hộ dân được xác định “chính chủ” bị thu hồi đất ở phục vụ dự án KCN Mỹ Trung sẽ được xem xét cấp sổ đỏ trước. Sau khi UBND tỉnh cho ban hành khung giá về tiền sử dụng đất TĐC, UBND huyện đang đề xuất tỉnh cân nhắc phương án xác nhận nghĩa vụ tài chính của 55 hộ dân theo hình thức “ghi thu, ghi chi” dựa trên giấy tờ, sổ sách của Công ty Hoàng Anh. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cũng thừa nhận chuyện này rất khó, vì doanh nghiệp trên đã “rút” hầu hết bộ máy hoạt động khỏi Nam Định.

Sau chặng gian nan 12 năm “đi tìm” chứng nhận cho quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, hơn 100 hộ dân ở khu TĐC xã Mỹ Trung vẫn chưa nhìn thấy đích.