Không để tàu “chìm trên bờ”

Những năm gần đây, nhất là năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt. Một trong những vấn đề lớn đặt ra với ngành nông nghiệp là ứng phó thế nào với thiên tai xảy ra trên biển, bảo vệ an toàn cho tàu thuyền và ngư dân.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành thủy sản đã triển khai một loạt các biện pháp để phòng, chống như: tổ chức trực ban 24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); thông qua hệ thống giám sát tàu cá đã thông tin kịp thời đường đi, hướng di chuyển của bão, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nắm thông tin và kêu gọi tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển tìm nơi tránh trú; hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân bị tai nạn, sự cố trên biển, góp phần giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra; tổ chức triển khai theo dõi và nắm bắt số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển, khu neo đậu phòng tránh trú bão, khu vực nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi trồng thủy sản.

Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão, địa phương cũng đã triển khai đồng bộ tất cả các lực lượng tại cơ sở như bộ đội biên phòng, ban quản lý cảng cá, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã/phường ven biển. 

Tuy vậy, nhìn một cách toàn diện và thấu đáo, khi có bão hay ATNĐ vẫn xảy ra những tổn thất, thiệt hại về người và phương tiện của người dân tham gia hoạt động khai thác trên biển… Tại  “Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản và triển khai nhiệm vụ năm 2021” do Tổng cục Thủy sản vừa được tổ chức tại Hải Phòng, những hạn chế này đã được chỉ ra. 
 
Nguyên nhân trước hết là do một số ngư dân vẫn còn chủ quan trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, các khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu của tàu thuyền khi có bão xảy ra...

Có một thực tế đáng suy nghĩ là việc chỉ đạo cảnh báo, hướng dẫn tàu thuyền trong mùa mưa bão những năm qua được thực hiện rất tốt cho nên hầu như không có vụ việc tàu thuyền bị chìm khi đang hoạt động trên biển. Còn những vụ tàu chìm, đắm chủ yếu là tại nơi tránh trú bão, nghĩa là “chìm ngay trên bờ”... Vì vậy, điều cấp thiết đặt ra là các địa phương có cảng biển, cảng cá trong thời gian tới cần có những hướng dẫn cũng như triển khai các nhiệm vụ sắp xếp tàu cá tại các khu neo đậu khoa học, đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật của ngành thủy sản. Cần quan tâm nạo vét các luồng lạch để bảo đảm cho tàu, thuyền đi lại thuận lợi tại các khu tránh trú bão.

Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã có hệ thống giám sát tàu cá toàn quốc, giám sát tất cả tàu cá từ 15 m trở lên với số lượng khoảng 31 nghìn chiếc. Tuy nhiên, lượng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác rất lớn, chiếm khoảng 15 đến 20%. Do đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, yêu cầu ngư dân khi đi khai thác thủy sản xa bờ phải bật thiết bị giám sát hành trình 24 giờ, từ lúc đi khai thác cho đến lúc về bờ để bảo đảm việc quản lý khai thác và khi có bão, ATNĐ thì sẽ kịp thời cảnh báo, giúp hạn chế thiệt hại cho tàu bè và người đi biển.

Muốn làm được điều này, sự nỗ lực của cơ quan giám sát, quản lý là chưa đủ, rất cần sự hợp tác từ những đơn vị đánh bắt và bản thân những người lao động trên biển mọi lúc, mọi nơi…