Khởi sắc vùng sâu, vùng xa ở Thái Nguyên

NDO -

Với diện tích 3.500 km2, tỉnh Thái Nguyên có dân số gần 1,3 triệu người, 46 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tám dân tộc có dân số đông. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển gặp nhiều khó khăn. Với quan điểm, mọi nơi, mọi dân tộc đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, những năm qua tỉnh đã có những việc làm cụ thể, thiết thực để cải thiện đời sống người dân.

Đường bê-tông được xây dựng đến điểm trường Nà Bả, phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
Đường bê-tông được xây dựng đến điểm trường Nà Bả, phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương.

Là an toàn khu xưa, Phương Giao là xã vùng xa của huyện vùng cao Võ Nhai, mặc dù cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay vẫn còn 25% hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao cư trú ở các xóm vùng cao không có đường giao thông để vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế.

Điển hình nhất là xóm Na Bả (tên khác là Na Pả) diện tích rộng, chiếm đến 20% diện tích tự nhiên của xã, có 71 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Do không có đường đi, ở xa trung tâm xã, để tạo điều kiện cho con em trong xóm được đi học, huyện Võ Nhai thành lập phân trường mầm non và tiểu học ngay tại xóm.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thức chia sẻ: “Do không có đường, hằng ngày, các cô giáo phải gửi xe máy ở đầu xóm, đi bộ ngược dốc, nhiều đoạn phải luồn rừng vào phân trường, vất vả nhất là những hôm trời mưa đường trơn đi lại rất khó khăn”.

Ông Phan Văn Hanh, người có uy tín ở xóm Na Bả, tâm sự: “Không có đường, giao lưu với bên ngoài rất hạn chế, vận chuyển cái gì cũng khó, ngô làm ra nhiều mà bán rẻ như cho, rừng trồng không bán được nên đời sống nhân dân rất chật vật, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến gần 40% số hộ”.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên giao Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, lập phương án mở đường, phối hợp cấp ủy, chính quyền xã Phương Giao vận động nhân dân hiến đất, tổ chức thi công tuyến đường từ trục chính vào xóm Nà Bả.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thức tâm sự: “Bà con đồng bào Dao biết tin được đầu tư tuyến đường bê-tông vào xóm thì vui lắm, bởi tuyến đường mở ra sự phát triển đi lên, ước vọng bao đời thành hiện thực, nên tuyến đường được vạch đến đâu là hiến đất đến đấy”.

“Chia sẻ với khó khăn, đáp ứng nguyện vọng của bà con, chúng tôi khẩn trương tham mưu cho tỉnh lập phương án, chọn nhà thầu thi công tuyến đường với tiến độ nhanh, bảo đảm chất lượng lâu dài và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2020”, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên Dương Văn Toản cho biết.

Khi đường được đổ bê-tông, bà con trong xóm Nà Bả không đi lại trên mặt đường trong vòng 21 ngày, tự giác nhốt chó, nhốt gà để giữ gìn mặt đường bền đẹp lâu dài. Tuyến đường hoàn thành như dải lụa xuyên qua rừng núi, nương bãi. Tuyến đường không những giúp bà con đi lại thuận lợi, mà việc vận chuyển gỗ rừng trồng, nông sản trở nên dễ dàng để phát triển kinh tế.

Khởi sắc vùng sâu, vùng xa ở Thái Nguyên -0
 Có đường giao thông, ước vọng của đồng bào dân tộc Dao xóm Nà Bả, xã Phương Giao thành hiện thực.

Ở những xóm vùng sâu, vùng xa, có đồng bào dân tộc sinh sống thường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không có điều kiện đóng góp để mở đường, xây dựng giao thông nông thôn.

Xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá, có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống từ trước đến nay chưa có đường, phải men theo sườn đồi để đi lại, sản xuất ra nhiều ngô, gỗ rừng trồng trên đồi bán với giá rẻ vì không có đường vận chuyển.

Ông Trương Văn Phùng cho hay, chúng tôi chuyển từ Cao Bằng về xóm Chòi Hông sinh sống từ năm 1981. Do không có đường đi lại nên cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Khi xã và Chi cục Phát triển nông thôn vào khảo sát, xây dựng phương án mở đường vào Chòi Hồng, chúng tôi vui lắm, vì tuyến đường sẽ mở ra cơ hội phát triển, gia đình nào cũng sẵn sàng hiến đất để làm đường.

Hiện nay, tuyến đường dài gần một km, rộng 4m, mặt đường đổ bê-tông rộng 3m đang được mở vào Chòi Hồng. Đại diện đơn vị thi công, ông Nguyễn Biên Thùy cho biết, trong quá trình thi công nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiệt tình của bà con, có gia đình chặt cây hiến hàng nghìn m2 đất cho tuyến đường, chỉ hai tháng nữa làm xong tuyến đường này.

Theo ông Dương Văn Toản, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều xóm, bản ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là không có đường đi lại, địa hình rộng, đồi núi phức tạp nên việc mở một tuyến đường cần vốn đầu tư lớn, đời sống còn khó khăn nên bà con chưa có điều kiện để đóng góp tiền xây dựng đường giao thông như ở các xóm vùng thấp nên Nhà nước và tỉnh đầu tư đường vào các xóm này là rất cần thiết, tạo động lực để bà phát triển kinh tế.

Mới đây, tỉnh Thái Nguyên và Bộ Công thương làm lễ đóng điện, đưa điện lưới quốc gia về xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, xóm cuối cùng của tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, cải thiện đời sống gần 50 hộ đồng bào Dao ở đây.

Được đầu tư điện lưới quốc gia, đồng bào dân tộc Dao ở xóm Cao Biền, có đường giao thông kiên cố, đồng bào dân tộc Dao ở Nà Bả, đồng bào dân tộc Mông ở Chòi Hồng điều kiện thuận lợi để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, cảm nhận đầy đủ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên đối với đời sống của mình.

Đó cũng là những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20 sắp được tổ chức.