Khởi động ngay với 6G?

Ở thời điểm hiện tại, dù mạng 5G vẫn chưa thật sự phổ biến (ước tính cuối năm 2020 mới có 2% trong số tám tỷ thuê bao di động toàn cầu sử dụng 5G), song nhiều công ty, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã bắt đầu khởi động việc nghiên cứu mạng di động thế hệ thứ 6 - mạng 6G.

Ngoài một số tập đoàn như Samsung Electronics, LG Electronics của Hàn Quốc và Huawei của Trung Quốc, gần đây nhất, Apple (Tập đoàn công nghệ của Mỹ) cũng ra thông báo tuyển dụng tìm kiếm các kỹ sư tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ không dây thế hệ tiếp sau 5G.

Theo các hướng nghiên cứu hiện nay, tốc độ lý thuyết của mạng 6G sẽ là một Tb/giây, cao hơn khoảng 100 lần tốc độ lý thuyết của mạng 5G (10 Gb/giây). Công nghệ mới cũng sẽ có độ phủ rộng và tiết kiệm năng lượng hơn so thế hệ trước đó. Quan trọng nhất, 6G kỳ vọng sẽ giải quyết được các hạn chế của mạng 5G hiện nay. Cụ thể, dù được coi là mạng lưới kết nối vạn vật (IoT), nhưng 5G vẫn còn khoảng cách khá xa để đạt được tính phổ quát khắp nơi do gặp hạn chế về khả năng truyền tín hiệu ở độ cao nhiều nghìn mét so mặt đất hay ở sâu dưới mặt đất hoặc đáy biển. Trong khi đó, 6G lại được định hướng nghiên cứu để đáp ứng cả khả năng kết nối thông minh, kết nối sâu, kết nối không đồng nhất và kết nối khắp nơi.

Mặt khác, dù mạng 5G đã giúp con người khai thác tốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa, phân bố tài nguyên và xử lý dữ liệu, nhưng mạng 6G dự báo còn có thể làm tốt hơn khi khiến AI trở nên thông minh với tốc độ xử lý gần bằng não người. 6G sẽ tích hợp thế giới vật lý, kỹ thuật số và các dịch vụ mới nhằm đưa ra các chỉ số hiệu suất mạng (KPI) khắt khe hơn so với 5G. Tuy nhiên, quá trình phát triển mạng 6G vẫn chỉ mới bắt đầu và kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào tốc độ triển khai cũng như sự đồng thuận về các công nghệ để cho ra tiêu chuẩn cuối cùng. Các chuyên gia nhận định, 10 năm tới sẽ là giai đoạn để nghiên cứu và 6G sẽ bắt đầu được thương mại hóa từ năm 2030.

Trong quá trình triển khai các thế hệ mạng di động trước đây như 2G, 3G hay 4G, Việt Nam thường đi sau thế giới. Riêng đối với mạng 5G, hiện chúng ta bắt đầu thực hiện các thử nghiệm với kỳ vọng tiến vào các nhóm quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ này. Nhưng theo các chuyên gia, thực tế Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so thế giới về năng lực nghiên cứu cũng như cách thức triển khai trong lĩnh vực viễn thông. Do đó, kể cả khi các nước đều đang có cơ hội như nhau về mặt thời gian để dẫn đầu về nghiên cứu, triển khai mạng 6G, nhưng không phải nước nào cũng đủ tiềm lực về khoa học, công nghệ cũng như tài chính tham gia cuộc đua về công nghệ lõi của 6G ngay từ thời điểm này.

Thay vì chạy đua nghiên cứu công nghệ lõi, chúng ta nên tận dụng những thế mạnh sẵn có khác để đón đầu làn sóng này, như: Tập trung nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối cho 6G; nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu công nghệ AI cho hệ thống quản trị, xử lý dữ liệu trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu bảo mật chuỗi khối (blockchain)... để giải quyết bài toán an toàn trong hệ thống mạng mới. Ðây có thể là thị trường vừa tầm và khả thi đối với Việt Nam trong tương lai.

Nguyệt Bắc