Khoảng 70 nghìn héc-ta đất canh tác ở Nam Trung Bộ cần điều chỉnh sản xuất do hạn hán

* Tập trung kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hôm nay 27-5, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây, cho nên các tỉnh từ Ðà Nẵng đến Bình Thuận tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến trong khoảng 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C.

Đập dâng Khẩu Tre, trên sông Tân Lâm đoạn qua xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) khô kiệt nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ảnh: HỒNG ĐĂNG
Đập dâng Khẩu Tre, trên sông Tân Lâm đoạn qua xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) khô kiệt nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ 34 đến 36 độ C. Ðến ngày 28-5, nắng nóng ở Trung Bộ có xu hướng giảm dần.

Từ nay đến ngày 28-5, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m, cho nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông diện rộng, cục bộ có mưa vừa đến mưa to, riêng các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 40 đến 80 mm/24 giờ, có nơi hơn 120 mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, do mùa khô trên khu vực Nam Trung Bộ kéo dài đến hết tháng 8, với tình hình nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khả năng có khoảng 51 nghìn đến 70 nghìn héc-ta đất canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

* Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mùa bão năm 2020 có khả năng diễn ra muộn, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông có thể ở mức 12 đến 13 cơn. Ngoài ra, sẽ có khoảng 8 đến 10 đợt nắng nóng. Nắng nóng chủ yếu tập trung từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7, toàn mùa có một đến hai đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở mức 39 đến 410C. Trong toàn mùa sẽ xuất hiện 3 đến 5 đợt lũ trung bình và nhỏ. Ðỉnh lũ các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm...

* Theo kế hoạch vụ hè thu năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ gieo trồng khoảng 25.879 ha lúa, nhưng do tình hình thời tiết khắc nghiệt, hơn 2.000 ha lúa thuộc vùng bị khô hạn không thể gieo sạ được. Ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương chủ động và có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, hạn hán, xâm nhập mặn khiến người dân nhiều địa phương bị thiếu nước sinh hoạt. Ðặc biệt, các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm đã gần sáu tháng nay không có mưa, các dòng sông cạn kiệt; các hồ chứa nước chỉ đạt 1/3 dung tích. Dự kiến, vụ hè thu sẽ có hơn 14.500 ha lúa phải tạm ngưng sản xuất để tập trung nguồn nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp.

* Toàn bộ khu tưới của 21 hồ chứa và các đập dâng nhỏ của Ninh Thuận đang giãn lịch thời vụ đợi mưa, nguồn nước hiện tại ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi. Tổng diện tích kiến nghị giãn vụ đợi mưa là khoảng 13 đến 15 nghìn héc-ta (chiếm từ 52 đến 60% diện tích gieo trồng của địa phương), khi bảo đảm nguồn nước mới tiến hành xuống giống. Tuy nhiên, theo dự kiến chỉ đủ nước bố trí sản xuất cho khoảng 12.500 ha lúa khu vực các huyện Ðức Linh và Tánh Linh. Các vùng khác chưa có khả năng xuống giống vụ hè thu 2020.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Thuận, mưa dông kèm sét đánh xảy ra trên địa bàn xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình đã làm một người chết. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã kiểm tra, xác minh và tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.

* Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 12 huyện, thị xã, thành phố có cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, với diện tích 2.875,97 ha. Trong đó, 1.209,54 ha bị thiệt hại hơn 70%, 1.495,94 ha thiệt hại 30 đến 70% và 170,49 ha thiệt hại dưới 30%. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Ðức Cơ, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã phải cho xe chở nước đến các điểm làng để cung cấp nước dùng hằng ngày cho người dân.

* Từ ngày 23 đến 26-5, bờ đất ven rạch Cái Sắn đoạn đi qua chợ Cái Sắn, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang) liên tục xuất hiện các vết nứt. Ðoạn bị nứt có chiều dài hơn 70 m, ăn sâu vào hơn một phần ba mặt đường, ảnh hưởng đến 14 hộ dân sống trong khu vực, buộc các hộ dân này phải di dời đến nơi an toàn. Hiện UBND thành phố Long Xuyên và phường Mỹ Thạnh đã vận động di dời 14 hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Ðồng thời, khẩn trương thi công khu tái định cư vùng sạt lở.

* Ngày 26-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát, lây lan diện rộng. Từ đầu năm 2020 đến nay, DTLCP đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn…

* Ðến nay, DTLCP tại Lâm Ðồng đã được khống chế. Tuy nhiên, do gặp khó về nguồn vốn và giá lợn giống tăng cao, cho nên người chăn nuôi đang gặp khó khăn trong việc tái đàn. Hiện giá lợn giống loại bảy kg/con là 3,2 triệu đồng; 20 kg/con có giá 4,3 triệu đồng. Nguồn lợn giống của công ty đạt tiêu chuẩn rất khan hiếm còn giống "trôi nổi" bên ngoài thì không bảo đảm, dễ mắc bệnh.

Khống chế đám cháy rừng ở núi Sọ (Đà Nẵng)

Đến 10 giờ 30 phút ngày 26-5, đám cháy rừng ở khu núi Sọ, địa phận xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cơ bản được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt. Đám cháy xảy ra từ chiều 25-5. Chính quyền TP Đà Nẵng đã huy động lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, quân đội, kiểm lâm, dân quân các xã, phường thuộc huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu ở gần khu vực cháy rừng, nhân dân xã Hòa Sơn… với quân số lên đến gần 1.000 người cùng tham gia dập lửa.

Xác định các vùng trọng điểm, chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 26-5, Tổng cục Lâm nghiệp có Công điện số 662/CĐ-TCLN-KL yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng, xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ, các vụ cháy rừng…