Khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Mười năm qua, việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn TP Hà Nội từng bước nâng cao chất lượng, mở ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Song, so với nhu cầu thực tế, công tác này có lúc, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn.

Giáo viên Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) hướng dẫn nghề may cho học viên. Ảnh: ĐẶNG MINH
Giáo viên Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) hướng dẫn nghề may cho học viên. Ảnh: ĐẶNG MINH

Hiệu quả vững chắc 

Với phương châm lấy người học làm trung tâm, TP Hà Nội đã linh hoạt, chủ động triển khai đề án. Nếu như ở giai đoạn đầu, thành phố ban hành danh mục đào tạo 49 nghề, gồm 37 nghề phi nông nghiệp; 12 nghề nông nghiệp, thì từ năm 2017 đến nay, Hà Nội chỉ tập trung đào tạo 33 nghề, gồm 16 nghề nông nghiệp, 17 nghề phi nông nghiệp. Việc lựa chọn các nghề đào tạo căn cứ nguyện vọng của người lao động, bám sát nhu cầu của địa phương, không chạy theo số lượng đã mang lại hiệu quả vững chắc. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì cho biết, trước đây nhà chị chăn nuôi gà đồi, nhưng cả thôn chỉ có một cán bộ thú y, cho nên việc tiêm vắc-xin phòng bệnh hay khi gà mắc bệnh, cần tìm bác sĩ rất khó. Vì thế tỷ lệ gà còi cọc, mắc bệnh chết nhiều, hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày chị Hạnh và gần 10 người trong xã được tham gia lớp đào tạo ba tháng nghề thú y, chị đã chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn gà của gia đình và yên tâm đầu tư khu chuồng trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư. Ngoài ra, chị Hạnh còn làm thêm dịch vụ thú y, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đến nay công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại xã rất tốt. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư các trang trại chăn nuôi gà thả vườn, thả đồi với quy mô vài nghìn con/lứa, thay thế dần quy mô chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, góp phần phát triển thương hiệu Gà đồi Ba Vì. 

Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Phùng Văn Liểu, người có gần 10 năm trực tiếp thực hiện chương đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho biết: Mặc dù xã có nghề mộc, nhưng phần lớn lao động chưa được đào tạo bài bản, rất khó mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó nhu cầu tìm kiếm việc làm của hơn sáu nghìn lao động trên tổng số 14 nghìn nhân khẩu trong xã rất lớn. Vì thế, xã chủ động đưa lao động đi học nghề mộc và may, đồng thời mạnh dạn “kích cầu”, tạo công ăn việc làm cho lao động sau khi được đào tạo nghề ngay tại địa phương bằng cách mở các xưởng may mặc và xưởng mộc dân dụng cho hơn 100 lao động hoàn thành đào tạo nghề. Đến nay, khoảng 40 người trong số này đã mở được xưởng may riêng. Nghề mộc phát triển mạnh với hàng chục xưởng quy mô lớn, không chỉ các lao động trong xã có việc làm ổn định, thu nhập khá, mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong khu vực.

Nhiều địa phương khác đã căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tế, lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững, thu hút nhiều lao động tham gia. Điển hình như các huyện Thạch Thất, Quốc Oai phối hợp doanh nghiệp đào tạo nghề may công nghiệp; huyện Chương Mỹ kết hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề mây, tre đan, gắn với ký kết hợp đồng làm việc hoặc bao tiêu sản phẩm; các huyện Đông Anh, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây tổ chức đào tạo nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu từ rơm rạ; hay mô hình đào tạo nghề thú y tại các huyện có thế mạnh về chăn nuôi như Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn… mang lại hiệu quả bền vững. Tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo cao. Thu nhập bình quân người lao động ổn định từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. 

Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và việc làm

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã có hơn 66 nghìn người trên tổng số hơn 74.700 lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm, đạt 88,46%. Trong đó, gần 7.450 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; gần 7.250 người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; gần 50.700 người lao động tự tạo được việc làm và 714 người thành lập tổ hợp tác xã, doanh nghiệp. Dù tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề có việc làm khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng việc làm chưa cao. Phần lớn người lao động phải tự tìm công ăn việc làm cho mình, trong khi số lượng lao động được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng chỉ chiếm 11,26%. Đây là hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Hà Nội, khi đào tạo chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung chia sẻ: Huyện hiện chỉ có 2,7% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, cho nên nhiều lao động học nghề xong gặp khó khăn trong tìm việc làm. Nguyên nhân là do trên địa bàn huyện chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ, không có các cụm, khu công nghiệp, cho nên nhu cầu sử dụng lao động thấp. 

Trên thực tế, đã có một vài địa phương như huyện Quốc Oai triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của các làng nghề, “đặt hàng” của doanh nghiệp đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp sở hữu nguồn lao động có tay nghề, vừa giúp người lao động có việc làm sau khi học nghề. Tuy nhiên, không ít địa phương chưa quan tâm công việc này. Bà Hoàng Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội nhận định: Nguyên nhân chính khiến lao động sau đào tạo khó tìm được việc làm là do công tác điều tra, dự báo, tư vấn nhu cầu học nghề tại nhiều địa phương, trong đó có vai trò của chính quyền cấp xã chưa kịp thời. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn chưa mặn mà đối với việc học nghề. Vì thiếu định hướng nghề nghiệp, cho nên họ đi học theo phong trào, dẫn đến kiến thức thu nhận không chắc chắn, không áp dụng được vào thực tế. 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Năm 2020 là năm cuối thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện đề án để có đánh giá tổng thể, khách quan kết quả, hạn chế cần khắc phục, giải pháp trong thời gian tới đối với công tác này. Là đơn vị trực tiếp thực hiện, sở mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai đề án. Trong trường hợp đề án không được triển khai tiếp, đơn vị sẽ tham mưu, đề nghị thành phố ban hành chính sách phù hợp, bảo đảm cho lao động nông thôn có cơ hội đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất, hiện TP Hà Nội có 50,8% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm tới, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Vì thế, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thủ đô hết sức cần thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới các địa phương của Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giảm thời gian đào tạo đối với một số nghề nông nghiệp, tăng thời gian đào tạo đối với một số nghề phi nông nghiệp, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học. Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động, chính quyền và doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và việc làm, giúp người học có thể nâng cao chất lượng công việc, nâng cao thu nhập sau khi tham gia các khóa đào tạo. Có như vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thật sự phát huy hiệu quả.