Khánh Hòa tăng cường các giải pháp giảm nghèo

Ðể công tác giảm nghèo thật sự bền vững, năm 2019, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nghèo; trong đó tăng cường chủ động nguồn lực tại chỗ.

Hướng dẫn học viên thực hành sửa chữa ô-tô tại Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu. Ảnh: CHÂU KHÁNH
Hướng dẫn học viên thực hành sửa chữa ô-tô tại Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu. Ảnh: CHÂU KHÁNH

Tỉnh đã lập đề án "Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với nguồn kinh phí dự kiến là 194 tỷ đồng, đề án nhằm giúp hai huyện cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết số 06 với hai chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn tỉnh: hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và khuyến khích thoát nghèo bền vững.

Theo Nghị quyết số 06 nêu trên, để khuyến khích thoát nghèo bền vững, các hộ mới thoát nghèo sẽ được vay khoảng 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay (theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội) trong vòng ba năm kể từ khi hộ đó vay vốn. Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2020, có 2.200 hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách này. Ðối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, thì người có công sẽ được trợ cấp hằng tháng là 700 nghìn đồng/người. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 240 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; phần lớn đều khó khăn về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Ðược biết, năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã giảm được 4.107 hộ nghèo (vượt kế hoạch đề ra là giảm 1,2% hộ nghèo/năm). Qua kết quả rà soát vào cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh còn hơn 15 nghìn hộ nghèo, trong đó có 23 hộ tái nghèo, chủ yếu là các hộ có thành viên bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo, làm ăn thua lỗ.

★ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quy định cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế (gọi tắt là Quy định); có hiệu lực từ ngày 20-3-2019. Ðối tượng áp dụng gồm các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo Quy định, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp được kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành có liên quan từ cấp tỉnh tới cấp huyện với mã định danh. Các thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng thường xuyên; bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan. Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu phải bảo đảm đúng mục đích, tuân theo các quy định của pháp luật. Các thông tin doanh nghiệp được công bố trên Hệ thống phải được bảo mật thông tin, không xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu phải bao gồm cả thông tin về doanh nghiệp được hình thành trước và sau khi Quy định có hiệu lực thi hành. Mỗi cơ quan phối hợp thực hiện trên Hệ thống có một tài khoản truy cập và được phân quyền để cập nhật các thông tin chuyên ngành do đơn vị phụ trách quy định theo chức năng nhiệm vụ.

Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật các văn bản, quyết định, giấy phép do UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh ban hành vào hệ thống. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm cập nhật những dữ liệu còn lại vào hệ thống chậm nhất sau ba ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản. Quy định cũng xác định rõ trách nhiệm của sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu vào Hệ thống thông tin doanh nghiệp tỉnh.