Khẩn trương phòng, chống cháy rừng ở Tây Nam Bộ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường sinh thái, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nhiều địa phương, nhất là ở vùng Tây Nam Bộ. Vì vậy, giữ rừng là nhiệm vụ sống còn.

Lực lượng chức năng tuần tra ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang). Ảnh: PHÙNG DŨNG
Lực lượng chức năng tuần tra ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang). Ảnh: PHÙNG DŨNG

Giữ gìn mạch sống

Tỉnh An Giang có diện tích rừng không lớn nhưng hiệu quả kinh tế mà rừng mang lại cho địa phương trong phát triển du lịch đã được khẳng định. Thời gian qua, tỉnh đã khai thác rất tốt tài nguyên rừng và môi trường rừng để phát triển ngành "công nghiệp không khói", mỗi năm ngành du lịch thu hút khoảng chín triệu lượt du khách. Trong đó, các điểm, khu du lịch của vùng Thất Sơn, Bảy Núi như: Núi Cấm, núi Sam, núi Cô Tô, núi Tượng, rừng tràm Trà Sư… đã mang lại nguồn thu rất lớn.

Cũng giống như An Giang, Bạc Liêu là một tỉnh thuần nông nhưng tích cực phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của địa phương khi đưa Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu vào khai thác, phát triển du lịch. Vườn chim Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vào tháng 10-2014. Theo Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu, vườn đã tồn tại từ hơn 100 năm trước, vốn là một khu rừng ngập mặn đặc trưng của vùng do quá trình bồi lắng phù sa của Biển Đông. Hệ sinh thái nơi đây đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi, thích hợp cho nhiều loài động, thực vật, nhất là các loài chim hoang dã cư trú, làm tổ và sinh sôi nảy nở bầy đàn, với số lượng cá thể chim sinh sống lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.

Tại Cà Mau, những khu rừng tràm bạt ngàn đã làm nên đặc sản "Mật ong U Minh". Hơn 40 năm gắn bó với nghề gác kèo ong, chú Út Nhì, ngụ ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh hiểu rõ tầm quan trọng của cây rừng nên ra sức bảo vệ. Nhờ những cánh rừng già được giao khoán và cất công gìn giữ mà mỗi năm, hơn 260 kèo ong, gia đình chú Út Nhì thu về hơn 500 lít mật, tương đương 200 triệu đồng. Ở miệt rừng này có khá nhiều hộ cùng nghề với chú Út Nhì nên từ năm 1984, người dân lập ra Hợp tác xã (HTX) 19-5. HTX hiện có 40 xã viên, gác hơn 7.200 kèo ong trong diện tích khu rừng tràm rộng khoảng 500 ha. Các xã viên còn được Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, trang bị dụng cụ bảo hộ cần thiết và cả bình phun khói - dụng cụ xua đuổi ong rừng. Giám đốc HTX 19-5 Nguyễn Văn Vững cho biết: Nếu vi phạm nguyên tắc bảo vệ rừng, thợ rừng sẽ bị khai trừ ra khỏi HTX. Ở lâm phần rừng tràm U Minh Hạ này có hơn 44.000 ha, cả nghìn hộ dân mưu sinh bằng nghề gác kèo ong.

Tại Kiên Giang, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng cũng được thực hiện từ khá lâu. Giám đốc Ban quản lý rừng Kiên Giang Phan Văn Hùng cho biết, từ năm 2008, Nhà nước có chủ trương thu hồi lại diện tích giao khoán rừng trước đây, giao khoán lại với định mức mới, người dân được hưởng 40% lợi nhuận từ nguồn thu lâm sản phụ. Ban quản lý rừng Kiên Giang đã phối hợp ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng các mô hình kinh tế để giúp người dân sản xuất hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích rừng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Một trong những mô hình kinh tế đã, đang phát huy hiệu quả tại vùng rừng ngập mặn của hai huyện An Biên, An Minh là nuôi thủy sản dưới tán rừng ven biển. Ông Vũ Thựt, ngụ ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh đang thực hiện mô hình này cho biết: "Đối với rừng, cần chặt tỉa dọn dẹp vệ sinh, giảm bớt độ che để ánh nắng xuyên qua cho tôm phát triển. Hiện tôi nuôi trên diện tích 6 ha, thả hai vụ tôm, một vụ sò và nuôi dặm thêm cua thủy canh diện tích 3 ha mặt nước, diện tích còn lại là rừng đước. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng".

Ông Nguyễn Văn Linh, ngụ ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên chia sẻ: "Để thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, trước tiên phải trồng và chăm sóc rừng, khi rừng đạt đủ độ che phủ vật nuôi mới được bảo vệ tốt, ít dịch bệnh. Sau nhiều năm trồng, chăm sóc và bảo vệ, khi rừng đước phát triển, tán rừng ngày một dày, lợi nhuận từ con tôm - sò, con cua, con cá cũng từ đó tăng theo. Trung bình mỗi năm tôi thu lợi từ 100 triệu đồng từ diện tích 3 ha". Theo ông Phan Văn Hùng, nhiều nông dân sống ven biển ở các huyện An Biên, An Minh, Kiên Lương, Hòn Đất trước đây thường xuyên chặt phá rừng để nuôi tôm, giờ nhận thấy lợi ích của rừng nên quay lại trồng rừng. "Có thể nói, mô hình trồng rừng, nuôi tôm - sò, cua quảng canh dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn", ông Phan Văn Hùng khẳng định.

Quyết tâm bảo vệ rừng

Người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang không thể nào quên được thảm họa cháy rừng nghiêm trọng xảy ra vào mùa khô 2001 - 2002, thiêu rụi khoảng 10.000 ha rừng tràm U Minh. Trận cháy rừng đó đã gây tổn thất nặng nề và để lại hậu quả hết sức to lớn về kinh tế và môi sinh. Đến nay, nhiều diện tích rừng cháy chưa thể hồi phục. Một số loài động vật, thực vật quý hiếm đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Giám đốc VQG U Minh Thượng Phạm Quốc Dân chia sẻ: "Mỗi cán bộ, công viên chức, người lao động làm việc tại VQG U Minh Thượng luôn nhớ về trận cháy rừng năm đó. Nhớ để nâng cao cảnh giác, quyết không để xảy ra những sai sót, nhất là trong công tác phòng, chống cháy rừng (PCCCR)". Chính vì vậy, vào đầu mùa khô, VQG đã chủ động triển khai phương án PCCCR đồng bộ, quyết liệt. Đối với những khu vực trọng điểm có khả năng xảy ra cháy, VQG phát tờ rơi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và du khách về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. VQG chủ động giữ nước, tại khu vực than bùn cao luôn bảo đảm mực nước hơn 30 cm so với bề mặt than bùn. Theo đó, VQG đã gia cố sáu cống điều tiết nước, đắp hai đập giữ nước, triển khai bơm bổ sung hơn 1,4 triệu m3 nước. Tại những nơi có nguy cơ cháy đã xác định, VQG dựng lán trại, bố trí các đội, mỗi đội 6 - 10 người, có trang bị phương tiện, nhiên liệu ứng trực 24 giờ trong ngày. VQG vừa cho nạo vét bảy hố chứa nước, bán kính 500 m/hố để dự trữ 150 m3 nước hố tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao và dọn thực vật trên 72 km các tuyến kênh chính…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Để phòng chống cháy rừng, các chủ rừng ở Kiên Giang đã bơm hơn 2,8 triệu m3 nước bổ sung vào khu rừng tràm ở các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành; cày ủi, phát dọn đường băng cản lửa hàng trăm héc-ta, dọn thực vật mặt kênh hơn 200 km; đã bố trí 810 lực lượng tại 125 trạm, chốt, ứng trực 24 giờ trong ngày tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao… Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, các chủ rừng của địa phương này cũng đã đưa phương tiện chữa cháy đến các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; tổ chức vệ sinh vật liệu cháy trong rừng, ven rừng, tuyến đê bao; nạo vét thông thoáng kênh mương tạo thuận lợi cho việc vận chuyển trang thiết bị chữa cháy; phân công trực PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ. Ngoài ra, các chủ rừng chủ động nguồn kinh phí, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Hậu Giang Đoàn Ngọc Thân thông tin thêm: Tất cả bảy chủ rừng trong tỉnh đã lên kế hoạch và phương án cụ thể trong PCCCR. Theo đó, chủ rừng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (có 9 ha rừng) thường xuyên tưới nước tạo độ ẩm cho rừng, tổ chức kiểm tra, vận hành các trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR. Chủ rừng Khu Hòa An - Trường đại học Cần Thơ (có 40 ha rừng) đã nạo vét xong kênh, mương phục vụ công tác PCCCR và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Việt - Úc (có gần 24 ha rừng) cho biết: Đơn vị đã lắp xong ca-mê-ra quan sát tại 10ha vườn chim và chuẩn bị lắp tiếp ở hơn 13 ha rừng tràm còn lại, giúp cho việc quan sát và PCCCR. Đồng thời kêu gọi những hộ dân có đất ruộng nằm gần khu rừng cẩn trọng khi đốt đồng, nạo vét thực bì tại những khu vực trọng yếu để trữ nước và thường xuyên bơm nước lên rừng tạo độ ẩm.

Để ứng phó khô hạn dự báo kéo dài và cường độ sẽ gay gắt hơn, các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ đang thực hiện quyết liệt các mặt công tác PCCCR theo phương châm "bốn tại chỗ"; tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực kịp thời tại những nơi có nguy cơ cháy cao, quyết tâm không để rừng cháy.

----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-4-2021.